“Khách đến chơi nhà” xưa nay luôn là một điều quý, nhưng Quảng Ninh đã “luống cuống” trong ứng xử mùa dịch COVID-19 bằng một sự từ chối “kém duyên”.
Dư luân cả nước xôn xao khi UBND tỉnh Quảng Ninh có công văn từ chối tàu Aida Vita đưa hơn 1.000 khách Châu Âu cập bến du lịch. Dịch bệnh đang bùng phát, Việt Nam nằm trong tâm bão của đại dịch nhưng bạn bè quốc tế vẫn tin tưởng và lựa chọn Việt Nam làm điểm đến. Tuy nhiên Quảng Ninh đã… luống cuống khi đón khách quý đến chơi nhà.
Bên thềm của ngày lễ tình nhân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn hỏa tốc triển khai công tác phòng chống dịch cúm COVID-19 gây ra trong việc đón chuyến tàu biển Aida Vita dự kiến cập cảng tại thành phố Hạ Long ngày 13/2.
Trước đề xuất của Sở Du lịch, tỉnh Quảng Ninh đồng ý với quyết định không cho hành khách và thuyền viên trên tàu lên bờ, tham quan các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh bằng Công văn số 727/UBND-DL1.
Một đề xuất được đưa ra giữa lúc nhạy cảm. Khi dịch bệnh bùng phát kéo theo tất cả các ngành khác đều bị suy thoái như: kinh tế, du lịch, văn hóa... Chống dịch như chống giặc, tiền phương chiến đấu thì hậu phương phải vững vàng nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này thì Sở du lịch đã đưa ra một đề xuất…cầu toàn làm ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế. Du lịch không chỉ Quảng Ninh nói riêng mà còn ảnh hưởng đến các địa phương mà tàu Aida Vita định cập bến.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về sự việc không cho tàu du lịch Italy chở hơn 1.116 khách châu Âu xuất phát từ Bali, Indonesia, cập cảng Hạ Long.
Tàu Aida Vita chở hơn 1.116 khách châu Âu (95% quốc tịch Đức, không có châu Á), xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17/1, qua 9 cảng (không có Trung Quốc, Hồng Kông). Vì bị từ chối nhập cảnh Hạ Long nên tàu đã quyết định hủy toàn bộ 3 cảng còn lại của Việt Nam là Đà Nẵng (15/2), Nha Trang (17/2) và TP.HCM (18/2). Được biết, tàu Aida Vita là tàu khách hạng sang, toàn bộ hành khách thuộc giới siêu giàu.
Quảng Ninh đã “vấp” phải một tâm lý chung là nghe “tiếng ho” lo sợ “cả làng mắc dịch” nên đã từ chối cả những “nụ cười”, từ chối cả những người bạn đã tin tưởng Việt Nam ghé chơi. Những lúc như thế này rất cần sự tỉnh táo và quyết đoán của “tư lệnh ngành” khi cầm quân để lãnh đạo “cuộc chiến”. Tuy nhiên tư lệnh ngành của Quảng Ninh đã chọn phương án cẩn trọng quá mức.
Thật khó để đưa ra đánh giá được – mất của sự việc trên, bởi tất cả đều chưa và không nhìn thấy bằng hậu quả bằng con số cụ thể. Nhiều đánh giá thông cảm cho rằng Quảng Ninh thật khó để đưa ra lựa chọn. Bởi trong lúc đại dịch như vậy, “cẩn tắc vô áy náy”. Sự an toàn của hàng triệu người dân Quảng Ninh và gần 100 triệu người dân Việt Nam cũng là quyết định đáng cân nhắc.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đánh giá cực đoan cho rằng Quảng Ninh vì quá thận trọng đã đưa ra quyết định thiếu tế nhị làm ảnh hưởng đến hình ảnh thân thiện của đất nước hình chữ S và làm mất 1 cư hội quảng bá, khai thác du lịch khi mà tàu Aida Vita được đánh giá tàu khách hạng sang, toàn bộ hành khách trên tàu đều thuộc giới siêu giàu trên thế giới.
Sự “phòng vệ” khiếm nhã của Quảng Ninh đã chạm lòng tự ái của các thượng đế khi mà tất cả lịch trình ghé thăm Việt Nam sau đó đều bị hủy bỏ và có thông tin cho rẳng tàu Aida Vita sẽ hủy toàn bộ kế hoạch đến Việt Nam trong năm 2020.
Mặt khác, nhiều nhận định cho rằng các cơ quan tham mưu của Quảng Ninh hoàn toàn có đủ thông tin, đủ nghiệp vụ để đánh giá, nhận định về mức độ an toàn của hơn 1.000 khách du lịch trên tàu Aida Vita (trong đó, 95% quốc tịch Đức, không có châu Á, xuất phát từ Bali, Indonesia ngày 17/1, qua 9 cảng không có Trung Quốc, Hồng Kông). Câu chuyện chỉ là cách đánh giá để đưa ra quyết định.
Nhìn ra thế giới, khi đại dịch không chừa bất cứ một quốc gia nào. Nơi đâu có dấu chân người Trung Quốc là đều có nguy cơ bệnh dịch có thể bùng phát. Chúng ta cùng luận bàn về một tình huống “nhạy cảm” của bệnh này. Trên một chuyến bay của hãng hàng không Lufthansa (Đức) tới Trung Quốc hôm 30/1 có một hành khách quốc tịch Trung Quốc bắt đầu ho mạnh. Người đàn ông này còn thừa nhận cách đó 2 tuần, ông đã ở Vũ Hán.
Bất chấp những phản ứng của mọi người trên chuyến bay, cơ trưởng vẫn giữ thái độ bình tĩnh và tiếp tục hành trình. Chiếc máy bay hạ cánh an toàn tại điểm đến, phi hành đoàn cùng các hành khách ngồi gần người đàn ông Trung Quốc nói trên đã ngay lập tức được xét nghiệm. Vài giờ sau, mọi thứ dường như đã được xoa dịu khi họ đều nhận kết quả âm tính với virus COVID-19.
Khi dịch bệnh xảy ra đã xuất hiện một vài “Thạch Sùng” lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ tích chữ và kiếm lợi nhuận cho riêng mình. Hơn lúc nào hết lãnh đạo và chính quyền địa phương cần phải có bản lĩnh để đưa ra những quyết định để có thể cân bằng được mọi phương diện tránh những hoang mang và thiệt hại không cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
16:26, 16/02/2020
16:03, 16/02/2020
14:24, 16/02/2020
Trong lúc này, sự đoàn kết phải được đặt lên hàng đầu. Trước khi chúng ta phát hiện chính xác nguồn gốc của mầm bệnh, thì những bình luận đổ lỗi, sợ hãi và phân biệt kỳ thị về những thói quen ăn uống hay vệ sinh cá nhân của người Trung Quốc chắc chắn chẳng giúp ích gì. Mà chuyến tàu hữu nghị này lại đến từ Phương Tây nơi mà kiểm soát dịch đang rất tốt và có những chứng nhận về sức khỏe y tế. Vậy tại sao Quảng Ninh lại từ chối một sự hữu nghị tốt đẹp như vậy?
Những nghiên cứu mới nhất cho thấy virus COVID-19 không nguy hiểm hơn bệnh cúm, vốn thường xuyên hoành hành tại nhiều quốc gia mỗi năm. Vì vậy, hãy gạt sự đánh đồng sang một bên, phân tích tình hình một cách đúng đắn và hợp lý để áp dụng những bước đi thực tế nhằm cứu thế giới thoát khỏi con virus này.
Đây không chỉ là bài học của riêng Quảng Ninh mà còn là bài học chung cho tất cả các địa phương. Cần phải bình tĩnh để đương đầu với dịch bệnh, không hốt hoảng, không vội vàng và cần phải có lịch trình để đối phó với cuộc chiến lâu dài này.
Dù như thế nào chúng ta vẫn phải tiếp tục sống, đừng để dịch bệnh đi qua chúng ta phải đối phó với cuộc khủng hoảng khác - khủng hoảng của niềm tin.