Dược Hậu Giang: Biến động sau tăng trưởng

Lê Mỹ 18/07/2018 11:13

Thương hiệu dược lớn nhất trên thị trường nội địa, Dược Hậu Giang đang trong giai đoạn điều chỉnh kinh doanh và theo đà chung thị trường - suy giảm thị giá cổ phiếu.

Đây lại cũng là thời điểm mà “tay to” chiến Taisho tại DHG, hiện thực hóa kế hoạch gom mua…

CTCP Dược Hậu Giang (HSX: DHG) là đơn vị dẫn đầu ngành dược Việt Nam, giữ vị trí top 5 với 5% thị phần toàn ngành dược và 14% thị phần sản xuất thuốc trong nước. Dược Hậu Giang cũng sở hữu mạng lưới phân phối mạnh nhất trong ngành với 18 Cty con, 28 chi nhánh, 67 quầy thuốc - nhà thuốc tại bệnh viện trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Từ biến động nhân sự

Hoạt động mô hình Công ty cổ phần vào năm 2004, DHG ban đầu có vốn điều lệ 80 tỷ đồng. Bà Phạm Thị Việt Nga, người có thời gian giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và TGĐ dài nhất trong thời gian hơn 10 năm, đã tham gia DHG chính vào lúc công ty cổ phần. Đến tháng 9/2017, DHG có vốn điều lệ 1.307 tỷ đồng, vốn hóa thị trường lên tới 14.000 tỷ đồng và doanh thu hàng năm bình quân 4.000 tỷ đồng.

Không quá khi cổ đông gọi bà Nga là “linh hồn” của Cty và cũng dễ hiểu khi tại quý III/2017, khi bà Nga từ nhiệm Tổng Giám đốc, DHG đã lập tức bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc với ông Đoàn Đình Duy Khương, người được cho là “cánh tay mặt” - gắn bó và “hiểu” tinh thần làm việc của bà Nga.

Tới biến động kinh doanh

Những lo ngại của cổ đông và nhà đầu tư về khả năng DHG sẽ “chới với” khi không còn người “cầm cương” xuyên suốt hơn 15 năm qua, dường như đã phần nào thành sự thực: Cuối 2017, DHG lần đầu có quý ghi nhận doanh thu sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đều biến động theo chiều giảm, trừ doanh thu thuần. Lũy kế cả năm 2017, DHG đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần 7,4% (4.064 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 719 tỷ đồng (giảm 5%) và lợi nhuận sau thuế giảm 7% (đạt 643 tỷ đồng).

9
triệu là lượng cổ phiếu DHG mà Taisho Pharmaceutical Co đăng ký chào mua công khai với mức giá dự kiến 120.000 đ/cp.

Lần đầu tiên sau nhiều năm, doanh nghiệp đứng đầu ngành dược đã chỉ hoàn thành 93% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Có khá nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải sự suy giảm này. Dù vậy, rõ ràng sự thể hiện một kết quả kinh doanh kém hơn tại thời điểm đổi thay nhân sự khiến cổ đông của DHG vốn dĩ đã “nhạy cảm”, lại càng có lý do lo xa. Đặc biệt vào 2018, những hướng phát triển của DHG ngay từ lúc này, đã xuất hiện thêm không ít thách thức.

“Trợ lực” từ đối tác ngoại?

Tại Dược Hậu Giang, ngoài SCIC nắm 43,31% cổ phần, Taisho Pharmaceutical Co là cổ đông lớn thứ 2 đang nắm 24,94% tính đến 6/6/2018.

Tuần đầu tháng 7/2018, khi cổ phiếu DHG đang xuống dưới mốc 100.000đ/cp, Taisho đã đăng ký chào mua công khai tới 9 triệu cổ phiếu DHG, mức giá dự kiến chào mua là 120.000đ/cp. Thời gian thực hiện từ 19/7-17/8/2018. Theo đó, Taisho mang đến cho nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu DHG kỳ vọng đỡ giá cổ phiếu đáng kể. Cũng như vậy, về dài hạn, đối tác ngoại dồi dào vốn được hy vọng có thể tiếp tục là một trợ lực mở đường sẵn sàng cho các đợt thoái vốn của SCIC trong tương lai, đưa DHG rộng cửa FOL - 100% vốn ngoại.
Vấn đề là nếu thực thi thành công đợt nâng tỷ lệ sở hữu lên 33% theo mục tiêu Taisho, DHG sẽ cần có những kịch bản dành cho những biến động mới trong kinh doanh. Trong đó, DHG sẽ phải từ bỏ hoạt động phân phối dược phẩm cho đối tác nước ngoài (MSD, Mega) và sản phẩm Eugica cũng như các mảng bao bì. Theo SSI Resech, đây là lý do chính khiến công ty giảm một nửa kế hoạch doanh thu thuần của bán hàng hóa trong năm 2018.

Với trợ lực của Taisho với các tân lãnh đạo, DHG sẽ làm gì để vượt qua được những thách thức? Câu trả lời có lẽ nằm ở chính “từ khóa” Taisho- khi với đối tác từ Xứ sở Mặt trời có kinh nghiệm và uy tín về sản xuất thuốc không kê đơn lẫn thực phẩm chức năng, Công ty đang có những bước đi tập trung và hướng vào các phân khúc tiềm năng - điển hình là thực phẩm chức năng.

Liệu tầm ảnh hưởng của Taisho cũng như cơ hội mở để bước vào doanh nghiệp dược lớn nhất thị trường nội địa, có đồng nghĩa rằng trong nay mai, DHG sẽ tiếp bước đường đi của Sabeco, trở thành “DN Việt- Ruột ngoại”?

Cơn sốt đầu tư ngành Dược?

Ngành dược Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hằng năm (CAGR) giai đoạn 2012-2017 đạt 12,7%, cao hơn mức tăng trung bình của các nước khu vực châu Á. Theo thống kê của Cục Quản lý Dược VN, ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021. Sức hấp dẫn về tăng trưởng dài hạn của ngành Dược đã và đang thu hút nhiều DN lớn tham gia lên chiến lược đầu tư như Vingroup, FPT, Masan Group, Vinamilk, Thế giới Di Động, Digiworld…

Masan cho biết, họ tham gia ngành dược “có định hướng”, tập trung vào lĩnh vực thực phẩm chức năng, với phương thức M&A để rút ngắn thời gian đầu tư. Vinamilk hợp tác với DHG để nghiên cứu và phát triển marketing, phân phối các dòng sản phẩm, thực phẩm chức năng. Vingroup, với hệ thống Vinmec và chuỗi trung tâm thương mại, bán lẻ lớn nhất VN, được cho sẽ có lợi thế khi tham gia lĩnh vực dược phẩm với thương hiệu Vinfa, thực hiện nghiên cứu, phát triển các bài thuốc có nguồn gốc từ dược liệu quý Việt Nam, Vaccine, Thiết bị y tế, và các mảng sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

Trừ Digiworld có sự “khiêm tốn” về quy mô và hệ thống, các doanh nghiệp tham gia ngành dược hầu hết có điểm chung: Thuộc nhóm đầu ngành, quy mô lớn, có năng lực về quản trị, tài chính và lợi thế phân phối. Một số ít trong nhóm có lợi thế hỗ trợ trong hệ sinh thái về chuyên môn ngành dược. Chính vì điểm chung của các ông lớn, cuộc cạnh tranh trong ngành dược đang hứa hẹn được đẩy lên cao trào của cơn sốt, đồng thời cũng xác lập một thời kỳ “giành lại” thị trường thực phẩm chức năng từ tay các tập đoàn ngoại, vốn đang được chia sẻ bởi Amway, Tiens Vietnam, Herbalife, Unicity Vietnam, Synergy, Aloe Trading…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dược Hậu Giang: Biến động sau tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO