Trong thời gian gần đây, hai doanh nghiệp được tỉnh Khánh Hòa cho phép khai thác du lịch tạm thời ở thôn Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh), đã có đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng.
Theo đó, doanh nghiệp mong muốn được chính quyền tạo điều kiện cho tiếp tục khai thác cầu nổi, bến tạm (đường tạm đi vào các hòn đảo) để đưa đón khách du lịch.
Có thể bạn quan tâm
07:00, 13/10/2018
12:05, 11/10/2018
11:36, 14/09/2018
Trong đơn kêu cứu gửi Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh, ông Trương Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Nha Trang Đông Đô (Cty Đông Đô) cho biết: Trước đây, UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND huyện Vạn Ninh đã có lời kêu gọi các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại đảo hòn Ó và hòn Quạ tại thôn Điệp Sơn. Tuy nhiên nhiều Công ty đã phớt lờ vì đây là khu vực hoang sơ, không có điện lưới, không có nước sạch, đi lại khó khăn và tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Sau khi đến khảo sát và thấy được tiềm năng, Cty Đông Đô và Cty CP Sơn Nam đã quyết định bỏ kinh phí ra để xử lý rác và cải tạo khu vực này gần 2 năm nay và đến bây giờ mọi người biết đến Điệp Sơn là chốn thiên đường du lịch mới, lạ, và tiềm năng kinh tế quá lớn.
Cho làm du lịch nhưng …
Theo hợp đồng ký kết, 2 Cty Đông Đô và Sơn Nam này được UBND xã Vạn Thanh cho thuê đất có thời hạn 5 năm trên Hòn Ó và Hòn Quạ, Cty Sơn Nam được thuê tại Hòa Bịp để kinh doanh du lịch, ăn uống, nghỉ ngơi và thực hiện bảo vệ môi trường biển đảo. Để đưa đón khách lên đảo Hòn Ó, Hòn Quạ và Hòn Bịp thì chỉ có một con đường duy nhất là xây dựng bến tạm. Không còn cách nào khác, hai doanh nghiệp này phải làm bến tạm để cho tàu, ca nô cập bến để đưa khách lên đảo.
Tuy nhiên, trong cuộc họp với các Sở ngành, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa không đồng ý cho hai doanh nghiệp này xây dựng vận hành bến thủy nội địa tạm để phục vụ hoạt động du lịch. Ông Hải cho rằng, khu vực Điệp Sơn chưa được quy hoạch điểm du lịch và tại khu vực này không quy hoạch bến thủy nội địa phục vụ du lịch. Mặc khác, tỉnh không khuyến khích phát triển du lịch tại khu vực này do đang chờ Trung ương phê duyệt Đề án thành lập Đặc khu hành chính – kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; đồng thời điều kiện khí hậu, hải văn khu vực này không đảm bảo cho hoạt động của các bến tạm, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật xây dựng.
... không cho đón khách
Ngày 22/6, ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh ký văn bản yêu cầu Cty Sơn Nam và Cty Đông Đô chấp hành nghiêm Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải.
Ông Phẩm yêu cầu Cty CP Sơn Nam khẩn trương tháo dỡ bến và cầu nổi (lắp ghép bằng gỗ và thùng nhựa) tai hòn Bịp; Cty Đông Đô tháo dỡ bến tạm (xếp bằng đá) tại bắc hòn Ó. Thời gian 2 doanh nghiệp trên hoàn thành tháo dỡ cầu nổi, bến tạm là trước 31/7. Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo này, chỉ có Cty Sơn Nam chấp hành tháo dỡ cầu nổi, còn Cty Đông Đô thì không chấp hành, vẫn sử dụng bến tạm đón khách và đệ đơn… “kêu cứu”.
Theo ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Cty Cổ phần Sơn Nam, nếu chấp hành tháo dỡ bến tạm theo kết luận của UBND tỉnh và UBND huyện thì đồng nghĩa với việc cấm doanh nghiệp kinh doanh.
Trao đổi với PV, bà Đào Thị Long - Giám đốc Cty Đông Đô bức xúc: “Không có cái bến tạm này thì du khách đi vào bằng đường nào. Tôi làm cho đẹp hòn đảo lên rồi họ ra làm khó tôi thì đâu có được. Tôi đang kiện đòi quyền lợi ra tòa vụ án hành chính. Tôi đã thuê rồi thì tôi thích đi đâu tôi đi chứ, sao cấm tôi được”.
Cấm doanh nghiệp kinh doanh?
Ngày 28/3, Sở GTVT Khánh Hòa có văn bản 760 tổng hợp ý kiến các sở, ngành và huyện Vạn Ninh. Theo đó, sau khi khảo sát thực địa, các sở, ngành thống nhất nhận định: “Không thể di chuyển bằng đường bộ từ bến thủy nội địa Điệp Sơn đến điểm du lịch tại Hòn Ó. Vì vậy, việc bố trí một bến thủy chung tại khu vực Điệp Sơn là không khả thi”.
Tại báo cáo này, Sở GTVT cho rằng: “Nếu không cho phép làm thêm bến thủy nội địa thứ 2 tại Hòn Ó, thì buộc phải chấm dứt hoạt động du lịch của Cty Đông Đô tại Hòn Ó, Hòn Quạ”. Vì thế, Sở GTVT đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép Cty Đông Đô sử dụng bến tự làm tại Hòn Ó để đưa đón du khách lên đảo.
Theo ông Nguyễn Bá Tòng, Giám đốc Cty Cổ phần Sơn Nam, nếu chấp hành tháo dỡ bến tạm theo kết luận của UBND tỉnh và UBND huyện thì đồng nghĩa với việc cấm doanh nghiệp kinh doanh. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn tỉnh Khánh Hòa có phương án để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, một phần để nuôi sống mình, góp phần làm nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động của doanh nghiệp, góp phần ổn định an sinh xã hội.