Liên quan đến đường dây “tín dụng đen” xuyên quốc gia do Liu Dan Yang (SN 1992, sống ở quận Cầu Giấy) điều hành tại Việt Nam, ngày 29/5, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và để điều tra…
>>Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa
Cụ thể theo Công an TP Hà Nội, Phòng CSHS đã bắt khẩn cấp 21 đối tượng trong đó có 5 đối tượng bị bắt về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”; 16 đối tượng khách bị bắt giữ về hành vi “Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự”. Theo điều tra, Liu Dan Yang, SN 1992, trú tại số 2 đường Bắc Tây Tam Hoàn, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, hiện đang tạm trú tại số 265 Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Khoảng năm 2017, Liu Dan Yang quen biết với Li. Tháng 6/2019, Li thỏa thuận thuê trả công cho Yang 50.000.000 đồng/ tháng để làm việc tại một công ty con trong hệ thống của Li, có trụ sở tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, với nhiệm vụ quản lý, điều hành các bộ phận tại Việt Nam để vận hành phần mềm “Ovay”.
Li là Giám đốc của Công ty TNHH Công nghệ Hân Tinh Thâm Quyến. Công ty này có đội ngũ kỹ thuật viên lập trình các phần mềm cho vay chạy trên hệ điều hành Android của điện thoại di động thông minh và đội ngũ làm nhiệm vụ quảng cáo ứng dụng cho vay trên mạng Internet để người dùng biết.
Đồng thời với việc quảng cáo ứng dụng, Li sẽ tìm người để lập công ty tại Việt Nam, tuyển chọn đội ngũ nhân viên vận hành hệ thống ứng dụng cho vay tại Việt Nam bao gồm các bộ phận: Hành chính, nhân sự; Tài chính, kế toán; Thẩm định cho vay; Thu hồi nợ; Phát triển thị trường.
Với nền tảng công nghệ của app được phát triển, hoạt động trên hệ điều hành của máy điện thoại, bất kỳ khách hàng nào sử dụng điện thoại thông minh đều có thể đăng nhập và làm thủ tục vay tiền. Thủ tục hết sức nhanh gọn, không cần tài sản đối ứng, các khách hàng chỉ cần sao lưu danh bạ hoặc đặt lại máy điện thoại đang sử dụng có kèm theo đầy đủ danh bạ là có tiền. Tùy từng khách hàng cụ thể mà Yang và các nhân viên của mình sẽ giải ngân với số tiền cho vay khác nhau.
Sau đó, Li sẽ chỉ đạo đội ngũ này lựa chọn các công ty trung gian thanh toán để ký hợp đồng dịch vụ “chi hộ” và “thu hộ” với các công này, nhằm mục đích vận hành việc giải ngân các khoản vay thông qua hình thức “chi hộ”; thu lãi và vốn vay thông qua hình thức “thu hộ”.
Lợi nhuận hàng tháng thu được từ việc vận hành các ứng dụng cho vay được tính dựa trên công thức: Tiền lãi vay thu được trừ đi chi phí dịch vụ trung gian thanh toán và chi phí vận hành của công ty điều hành, quản lý ứng dụng cho vay. Việc tính toán lợi nhuận thu được do bộ phận kế toán tài chính của công ty vận hành và công ty trung gian thanh toán đối soát với nhau theo ngày.
>>Vay tiền qua App (Bài 2): “Vòng xoáy” không lối thoát
Thời gian làm điều hành ứng dụng “Ovay”, Liu Dan Yang biết được, đối với các khách hàng vay qua ứng dụng ứng dụng “Ovay” thì khách vay 1.000.000 đồng chỉ nhận về được số tiền 700.000 - 750.000 đồng, số tiền còn lại bị trừ là tiền lãi và tiền phí.
Đến tháng 3/2020, Li yêu cầu Liu Dan Yang bàn giao lại việc quản lý phần mềm “Ovay” cho đối tượng khác và cả hai đối tượng này bàn bạc, thống nhất đổi tên công ty thành Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam, cho Yang làm giám đốc.
Đối với dịch vụ “chi hộ”, bên sử dụng dịch vụ “chi hộ” sẽ chuyển tiền trước vào các tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam. Sau đó, Công ty này sẽ chi tiền cho bên thứ 3 theo danh sách khách hàng được bên sử dụng dịch vụ “chi hộ” cung cấp, bằng cách chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản của công ty đến bên thứ 3.
Đối với dịch vụ “thu hộ”, bên sử dụng dịch vụ sẽ cung cấp danh sách khách hàng cần thu tiền. Sau đó, Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam sẽ thông qua các cổng trung gian thanh toán tại Việt Nam để bên thứ 3 chuyển tiền về. Sau đó, Công ty sẽ chuyển trả cho bên sử dụng dịch vụ “thu hộ” bằng hình thức chuyển khoản trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng “cắt phế” tới 20-35% tổng số tiền vay của khách hàng, đồng thời căn cứ vào mức tín nhiệm cá nhân của con nợ để hệ thống AI tự động tính lãi suất cũng như thời gian phải trả nợ. Mức độ tín nhiệm của con nợ được dựa trên những thông tin cá nhân như trình độ học vấn, địa chỉ cơ quan, nhà riêng, tiền lương hàng tháng được trả từ công việc hiện tại, các thông tin về gia đình, vợ, con...và bất cứ thứ gì liên quan mà các đối tượng có thể “nắm” được để ép con nợ phải trả tiền. Lãi suất mà các đối tượng áp dụng cho các con nợ này lên tới gần 2.200%/năm.
Đối với những khách hàng chậm trả hoặc không trả được tiền nợ, các đối tượng trong hệ thống công ty của Yang sẽ dùng mọi thủ đoạn để đòi tiền. Nhẹ thì gọi điện nhắc nhở, hoặc tầng nấc khó đòi hơn sẽ áp dụng chiêu cắt ghép hình ảnh con nợ, gia đình, bạn bè của khách hàng để gửi đi khắp nơi hòng bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, “khủng bố” cho đến khi buộc con nợ phải trả tiền mới thôi.
Đến đầu năm 2021, Liu Dan Yang đã yêu cầu Li chuyển phần trung gian thanh toán từ các ứng dụng “Ovay” và “Cashvn” sang Công ty TNHH Công nghệ thông tin YooPay Việt Nam để chạy cổng trung gian thanh toán với mức phí là 8.800 đồng/ giao dịch.
Có thể bạn quan tâm