Bạn đọc

Đường nhập lậu vẫn nhiễu loạn thị trường

Khôi Nguyên 17/08/2024 03:20

Dù lực lượng chức năng liên tục bắt giữ hàng trăm tấn đường nhập lậu, nhưng tình trạng này không giảm, thậm chí vẫn nhức nhối, đe dọa sự sinh tồn của đường nội.

duong-nhap-lau-van-dang-nhieu-loan-thi-truong-1.jpg
Ngành sản xuất, chế biến mía đường trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tháng 7/2024, thị trường trong nước phản ánh sức cầu sản phẩm đường rất thấp. Trong khi đó, nguồn cung đường nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023, 2024 lại rất dồi dào.

Hơn nữa, thị trường đường còn bị bị thu hẹp bởi lượng lớn đường lỏng siro ngô nhập khẩu khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, đường sản xuất từ mía của các nhà máy không bán được phải tồn kho. Đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục gây nhiễu loạn thị trường.

Đánh giá tình hình cung cầu đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa của Việt Nam 2023 là 1.305.018 tấn (gồm sản xuất trong nước 935.104 tấn, nhập khẩu chính ngạch 369.914 tấn).

Tính đến cuối tháng 7/2024, tổng nguồn cung đường kính cho nhu cầu nội địa đã là 1.336.279 tấn, gồm sản xuất trong nước 1.147.400 tấn, và nhập khẩu chính ngạch 188.879 tấn (chưa tính đường Siro Ngô). Lượng đường này đã lớn hơn tổng nguồn cung đường tính cho nhu cầu nội địa cả năm 2023 là 1.305.018 tấn.

Ngoài ra đến 30/07/2024 khoảng 60% lượng đường sản xuất của vụ 2023, 2024 vẫn còn đang nằm trong các kho của các nhà máy đường. Như vậy tổng hợp các nguồn cung đường năm 2024 bao gồm đường sản xuất từ mía, đường nhập khẩu kinh doanh chính ngạch, đường nhập lậu, đường lỏng si rô ngô HFCS đều ghi nhận tương đương hoặc tăng so với cùng kỳ. Năm 2023 đã thừa cung, và tình hình thừa cung tương tự dự báo sẽ diễn ra trong năm 2024.

Nhận định tháng 8/2024 và dự báo trong các tháng cuối năm, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng nguồn cung đường dồi dào từ nhập khẩu trực tiếp chính ngạch đường từ các nước ASEAN, và đường gian lận thương mại qua biên giới Tây Nam, cộng với đường từ vụ ép 2023/2024 trong khi sức cầu kém vì thị trường bị thu hẹp khiến cho thị trường tiếp tục hoàn cảnh thừa cung, khiến đường các nhà máy không bán được phải tồn kho.

duong-nhap-lau-van-dang-nhieu-loan-thi-truong-2.jpeg
Gần 7 tấn đường cát nhập lậu từ Campuchia bị bắt giữ. Ảnh: VnEconomy

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đường nhập lậu và đường lỏng siro ngô với ưu thế giá rẻ tiếp tục làm chi phối thị trường. Vấn đề này đang gây sức ép, khiến các nhà máy đường trong nước lâm vào tình thế khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân trồng mía nước ta.

Chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, quy mô nhập lậu đường lớn, các cơ quan chức năng có phản ứng. Tuy nhiên, năm nay, Hiệp hội mía đường có cơ sở là số liệu xuất khẩu đường chính thức của Thái Lan sang Lào và Campuchia. Hai nước này một năm nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn nhưng năng lực tiêu thụ của họ cao nhất cũng chỉ 100-200 nghìn tấn nên lượng đường còn dư đó đi qua Việt Nam.

Về quy mô đường nhập lậu, xác định tối thiểu có khoảng 600 nghìn tấn đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam Capuchia. Bản chất đường này là đường Thái Lan phá giá, giá đường rẻ nên ta không thể cạnh tranh được”, ông Lộc nói.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam Nguyễn Văn Lộc, dù có quyết định chống bán giá nhưng hàng hoá lại đi bằng đường tiểu ngạch nên việc đối phó không dễ. Hiện nay Hiệp hội vẫn báo cáo với các cơ quan chức năng về tình hình đó để có biện pháp ngăn chặn. Nhưng hiện nay Lào và Campuchia đang nhập khẩu công khai. Cả Lào và Campuchia, Việt Nam đều tham gia tự do thương mai ASEAN. Nếu họ xuất khẩu đường sang Việt Nam qua đường chính thức, có khai báo hải quan thì được. Nhưng toàn bộ đường lậu đều đi qua đường ngang, lối tắt biên giới, không khai báo hải quan. Đây là hiện tượng vi phạm cam kết quốc tế.

Ông Lộc cũng cho biết, Hiệp hội đã báo cáo và đề xuất Chính phủ có biện pháp ngăn chặn tình trạng này lại. Nhưng có một cái khó là đường lậu đã thâm nhập sâu, hình thành hệ thống. Trên thị trường tự do, đường lậu đang xuất hiện với hình thức vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về nguồn gốc truy xuất.

Vừa qua, Hiệp hội đã thông tin đến cơ quan chức năng và tăng cường kiểm soát việc này. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam việc này không dễ, việc đối phó với tình trạng buôn lậu này rất nỗ lực, nhưng kết quả còn khiêm tốn.

Hiện nay chúng ta quản lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bởi vì mặt hàng đường là thực phẩm nên yêu cầu thực hiện điều đó. Ngoài ra, sản phẩm không rõ nguồn gốc, khi tịch thu không được đưa lại thị trường nữa. Nhưng mà hiện nay tịch thu lại đường lậu nhưng sau đó bán đấu giá và quay lại thị trường, điều này không phù hợp với quy định về an toàn thực phẩm”, ông Lộc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường nhập lậu vẫn nhiễu loạn thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO