Kinh tế

Đường sắt cao tốc: Việt Nam có thể tham khảo Ai Cập và Thái Lan

Quân Bảo 27/10/2024 00:45

Đó là 2 nước tương đồng từ dân số đến kinh tế với Việt Nam và đều triển khai hiệu quả đường sắt cao tốc, bà Hoàng Thị Hải, giám đốc Siemens Mobility cho biết.

Chiều qua, ngày 26/10/2024, tại hội thảo chủ đề “Xây dựng hệ thống vận tải 3S (Thông minh, bền vững, an toàn) - Từ đường sắt cao tốc đến cơ sở hạ tầng xe điện” ở Thành phố Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Hải, giám đốc Siemens Limited Mobility nhận định, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm xây dựng đường sắt cao tốc của Ai Cập và Thái Lan. Đó là 2 nước có rất nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, từ dân số đến kinh tế, và cả 2 nước đều đã và đang triển khai đường sắt cao tốc hiệu quả.

img_2126.jpg
Bà Hoàng Thị Hải: "Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm triển khai đường sắt cao tốc của Ai Cập và Thái Lan"

Xứ sở Kim tự tháp Ai Cập có GDP 470 tỉ USD, trong khi GDP của Việt Nam vào khoảng 420 tỷ USD vào năm 2023. Dân số của Ai Cập khoảng 107 triệu người, còn dân số của Việt Nam khoảng 100 triệu người, cho thấy hai quốc gia này tương đồng về cả dân số và quy mô kinh tế.

Bà Hải cho biết, năm 2021, Ai Cập đã ký hợp đồng với Siemens để xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao lớn thứ sáu trên thế giới. Sau khi hoàn thành, hệ thống này sẽ dài khoảng 2.000 km, bao gồm ba đoạn tuyến kết nối toàn bộ 60 thành phố của Ai Cập, và sẽ trải rộng để kết nối khoảng hơn 90% dân số, bao gồm cả tàu khách và tàu hàng. Toàn bộ hệ thống dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2035.

Bà Hải chia sẻ rằng hệ thống này, khi hoàn thành, không chỉ thay đổi toàn bộ nền kinh tế và thói quen đi lại mà còn giúp Ai Cập giảm thiểu khoảng 70% chất thải so với các phương tiện mà người dân Ai Cập đang sử dụng hiện nay. Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ tạo ra khoảng 30.000 công ăn việc làm cho người dân Ai Cập. Bà cho rằng đây là một điển cứu mà Việt Nam có thể học tập.

Một trường hợp thứ hai mà bà Hải đưa ra là Thái Lan, một đất nước gần gũi với Việt Nam. Năm 2023, dân số của Thái Lan khoảng 72 triệu người, với GDP khoảng 515 tỷ USD. Thành phố Bangkok của Thái Lan có khoảng 11 triệu dân, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam cũng có khoảng 10 triệu dân.

Thái Lan bắt đầu khởi động xây dựng dự án BTS đầu tiên vào khoảng năm 1993, trước Việt Nam cả chục năm. Đến nay, Bangkok đã có 280km trên toàn bộ hệ thống mạng lưới và sắp tới sẽ xây thêm 30km nữa. Trong số 280km này, Siemens đã cung cấp hệ thống cho khoảng 140km, tức là khoảng hơn 30% thị phần. Họ cũng vừa được công bố trúng thầu cho đường màu cam (Orange Line) dài khoảng 38km, nâng tổng thị phần của Siemens tại hệ thống đường sắt nội đô của Bangkok lên khoảng 60 - 70% sau khi dự án hoàn thành.

Bà Hải phân tích rằng Thái Lan có xuất phát điểm tương đồng như Việt Nam, và “đi trước chúng ta chỉ khoảng chục năm mà bây giờ hệ thống của họ gần như đã hoàn thiện, phục vụ người dân và kết nối rất tốt. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh hay Thành phố Hà Nội có thể nhìn vào ví dụ của Bangkok để thấy rằng chúng ta có thể làm được nếu học hỏi cách làm của họ”.

Bà Hải nhấn mạnh vào tính khả thi của việc xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc “nếu như chúng ta có được định hướng đúng và tìm thấy được đối tác phù hợp để đồng hành”.

Bà Hải cũng đề cập đến các thách thức khi thực hiện dự án tại hai quốc gia này. Đối với dự án ở Ai Cập, bà nêu ra ba khó khăn mà Việt Nam có thể học hỏi. Thứ nhất, Ai Cập là một đất nước có nhiều sa mạc cát nóng, nên cần giải pháp và sản phẩm đáp ứng được thời tiết khắc nghiệt như vậy. Một dòng sản phẩm đã được thiết kế lại với cấu hình đoàn tàu dành riêng cho Ai Cập để phù hợp với khí hậu và địa hình của họ. Kinh nghiệm rút ra là cần chú ý đến tính phù hợp với điều kiện bản địa khi triển khai tầu cao tốc.

Thứ hai, dự án này tạo ra 30.000 công ăn việc làm cho người dân, điều này đồng thời đòi hỏi phải có một lộ trình đào tạo cẩn thận. Siemens đã kết hợp với Chính phủ Ai Cập để xây dựng một lộ trình đào tạo nhằm đảm bảo người dân có thể làm chủ, khai thác, bảo trì và sửa chữa hệ thống khi hoàn thành.

Thứ ba, với những dự án lớn và kết nối nhiều thành phố, có nhiều bên tham gia với quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau, nên việc điều phối các bên tham gia là một thách thức cần có kinh nghiệm để vượt qua.

Đối với dự án ở Thái Lan, bà Hải chia sẻ về một kinh nghiệm liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Khi đó, ngay từ dự án đầu tiên, khủng hoảng tài chính đã khiến khách hàng hết tiền. Lúc này, cần phải thảo luận lại để có các phương án tài chính đảm bảo rằng dự án không bị đứt gãy hay chậm trễ. Bà chia sẻ rằng có nhiều ngân hàng đã tham gia cho vay và bảo lãnh, và Chính phủ Thái Lan cũng cam kết trả tiền cho các ngân hàng đúng hạn. Đến nay, dự án này trở thành một trong những phương tiện đi lại phổ biến nhất trong thành phố Bangkok, mang lại lợi ích kinh tế cho thành phố.

Bà Hải cũng nhấn mạnh về việc học hỏi kinh nghiệm nhằm tránh đứt gãy giao thông trong thành phố, bởi Bangkok là một trong những thành phố có mật độ giao thông dày đặc nhất thế giới. Việc sắp đặt ca kíp để thực hiện dự án mà không ảnh hưởng hoặc hạn chế việc đi lại của người dân là rất quan trọng.

Bà Hải khẳng định rằng, giống như các khách hàng khác, “Việt Nam chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về cả quản lý dự án, lẫn đường sắt, đường sắt nội đô hay đường sắt cao tốc,” và bà cho rằng, khi triển khai, các bên cần đồng hành, hợp tác chặt chẽ để cùng nhau để tiến bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đường sắt cao tốc: Việt Nam có thể tham khảo Ai Cập và Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO