Nhiều chuyên gia cho rằng, Quốc hội cần xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội.
Dự kiến, ngày 13/11, Quốc hội sẽ nghe tờ trình của Chính phủ về chủ trương dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là dự án “khổng lồ” được dư luận đặc biệt quan tâm.
Ông Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, sẽ có nhiều thách thức, khó khăn và điều quyết định thành công hay thất bại của đường sắt tốc độ cao nằm ở chỗ có làm chủ được công nghệ, làm chủ trong quá trình đầu tư xây dựng hay không.
Lấy ví dụ từ đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội hay Bến Thành - Suối Tiên, ông Cường cho rằng có thể thấy rất rõ bài học, khi không tự chủ trong quá trình đầu tư xây dựng, gần như khoán trọn gói cho các nhà thầu nước ngoài thì không thể kiểm soát được tiến độ, tổng vốn đầu tư.
“Trong khi đó, nếu nhìn vào dự án đường dây 500KW mạch 3, chúng ta có thể triển khai thần tốc, không ai nghĩ có thể nhanh như thế. Vậy vì sao lại nhanh được như vậy? Đó là vì nhà đầu tư trong nước tự thực hiện, chúng ta tự quyết định được”, ông Cường phân tích.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho rằng, do là dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố, do đó, các địa phương trước hết phải tham gia vào giải phóng mặt bằng và cần chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị không gian phát triển, không gian kết nối thật tốt.
Cùng đó, phải rà soát lại quy hoạch, chuẩn bị kế hoạch, tính toán cơ chế ưu đãi, chính sách để thu hút nhà đầu tư, phát huy tiềm năng lợi thế của mình để triển khai dự án thuận lợi, nhanh chóng, cũng như giúp địa phương đón đầu cơ hội phát triển.
Từ góc độ địa phương, ông Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đồng tình cho rằng, muốn làm được dự án đường sắt tốc độ cao, ở góc độ địa phương, công tác giải phóng mặt bằng cần phải thực hiện khẩn trương với quyết tâm cao nhất.
“Về chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để phát triển, Đồng Nai phải điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông để làm sao các ga đường sắt kết nối với các loại hình giao thông khác như hàng không, đường bộ, đường thủy, cụ thể ở đây là sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc. Điều này sẽ tăng tính kết nối với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, từ đó thu hút thêm những nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư”, Phó bí thư Đồng Nai nhấn mạnh.
Được biết, cùng với chủ trương đầu tư, Chính phủ trình kèm theo 19 chính sách đặc thù, đặc biệt. Nhiều chuyên gia cho rằng, Quốc hội cần xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc biệt, vượt trội, có thể khác luật thì mới có thể triển khai dự án, sớm đưa vào vận hành như mục tiêu đề ra.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc ban đầu xác định 19 nhóm cơ chế chính sách hay bao nhiêu vẫn còn là thách thức. Trong các nhóm cơ chế này, chúng ta phải tìm ra các cơ chế linh hoạt. Trong quá trình triển khai, phát sinh vấn đề, nếu áp dụng quy trình tuần tự thì không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề.
“Chính phủ có thể xem xét ngoài các nhóm đã trình, đã "điểm mặt đặt tên" thì có thể tạo ra một số cơ chế nào linh hoạt hơn, trao thẩm quyền mạnh hơn, xử lý ngay các vấn đề phát sinh, bảo đảm tính hiệu quả trong việc triển khai dự án quan trọng, chưa có tiền lệ, mặc dù vẫn biết đây là việc khó”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
Đáng lưu ý, ông Phan Đức Hiếu, mong muốn doanh nghiệp trong nước không chỉ tham gia xây dựng đường sắt mà dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt.