Cần có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, nguồn vốn, công nghệ để “đặt hàng” và xây dựng “bộ tiêu chí” để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đầu tư.
Với tổng vốn xây lắp khoảng 33,5 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam dự kiến đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường và tiếp cận lĩnh vực công nghiệp đường sắt.
Theo đó, việc Việt Nam sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ như thế nào sau khi đầu tư vào đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Dưới góc độ hiệp hội doanh nghiệp, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA) nhận định rằng đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, một trong những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm của Việt Nam, hứa hẹn mang lại tác động lớn đến phát triển kinh tế và xã hội. Đồng thời cũng là cơ hội lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong đó có các doanh nghiệp Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (HANSIBA).
Theo tính toán, việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam với tổng mực đầu tư 67,34 tỷ USD sẽ tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD. Nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng 75,6 tỷ USD.
Trong đó sản xuất phương tiện, thiết bị 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác 24,3 tỷ USD).
Trong báo cáo mới đây được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ trình trước Quốc hội, mà Hiệp hội chúng tôi được nắm biết cũng nêu: Việt Nam phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam trong năm 2035.
Dự án này không chỉ tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra cơ hội để tiếp nhận, chuyển giao, làm chủ công nghệ và phát triển công nghiệp đường sắt; tạo đột phá cho phát triển phát triển công nghiệp hỗ trợ đối với lĩnh vực cơ khí, chế tạo, tự động hóa, ngành thép, sản xuất vật liệu, linh phụ kiện… dự án này không chỉ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp liên quan, trong đó có công nghiệp hỗ trợ - ngành công nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp vật tư, thiết bị và công nghệ để hoàn thành dự án này.
Trong đó, ngành công nghiệp chế tạo đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp các loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng đường sắt, bao gồm bê tông, thép, các cấu kiện hạ tầng như cầu, cống, đường hầm,...
Ông Vân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất hy vọng việc được tham gia dự án này với tinh thần “Huy động cả hệ thống chính trị, huy động sức mạnh của nhân dân và doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện Dự án” được Thường trực Chính phủ ban hành kết luận sau cuộc họp Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 05/10/2024 mới đây. Và quan điểm cần “Tự chủ”, “Dứt khoát doanh nghiệp Việt phải làm chủ” như ý kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cùng các Đại biểu Quốc hội đã nêu.
Để cụ thể hoá được việc này, đại diện HANSIBA cho biết hiệp hội đã cùng các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ, Bộ ngành Trung ương sau khi thành lập "Tổ công tác" của dự án, sẽ có những chương trình làm việc trực tiếp với các tổ chức Hội, hiệp hội. Trong đó có Hiệp hội HANSIBA và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Nhằm nắm bắt về năng lực sản xuất, cung ứng thiết bị, sản phẩm có thể đáp ứng, hợp tác với các đơn vị tổng thầu dự án trong nước và quốc tế được tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trước thời điểm khởi công (vào năm 2027).
"Từ đó có cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, nguồn vốn, công nghệ để “đặt hàng” và xây dựng “bộ tiêu chí” để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia đầu tư, cung ứng sản phẩm cụ thể. Song song vấn đề ở phía cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần bám sát, nắm biết kịp thời thông tin liên quan dự án được các cơ quan hữu quan công bố và báo chí, truyền thông đăng tải" - ông Vân chia sẻ.
Mặt khác, Phó Chủ tịch HANSIBA kiến nghị thêm, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh, cải tiến năng lực sản xuất, hợp tác cùng các đối tác quốc tế đến từ những quốc gia phát triển, đã đầu tư khai thác đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc… một cách cụ thể. Thời gian qua HANSIBA đã triển khai việc kết nối, hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ, tư vấn quản trị và cung cấp chứng chỉ quốc tế giữa các Công ty thành viên của Hiệp hội với đối tác FDI đến từ Nhật Bản, Trung Quốc đã thực hiện cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay và tàu cao tốc ở ngay trong các dự án hạ tầng như Khu công nghiệp HANSIP tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh thành ở Việt Nam.