TikTok và các doanh nhân Trung Quốc đang xem Elon Musk, CEO của Tesla và X là "phao cứu sinh" cho triển vọng kinh doanh tại Mỹ.
Theo các nguồn tin ở Mỹ, Shou Chew - CEO của TikTok - đang liên hệ với Elon Musk trong nhiều tuần qua để tìm hiểu về chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Elon Musk, ông chủ của hàng loạt tập đoàn Tesla, SpaceX và gần đây là mạng xã hội X đang trở thành một trong những cố vấn thân cận nhất của ông Donald Trump. Thậm chí, tiếng nói của ông Elon Musk trong chính trường Mỹ còn ngày một gia tăng với một vai trong ủy ban giám sát hiệu quả chi tiêu chính phủ.
Là người đã quen biết Musk nhiều năm, Chew được cho đã hỏi CEO Tesla về quan điểm của ông liên quan đến các vấn đề từ chính quyền mới đối với các chính sách công nghệ tiềm năng, theo một số nguồn tin được WSJ tiếp cận.
Cả hai chưa thảo luận về các giải pháp cụ thể để duy trì hoạt động của TikTok tại Mỹ. Chew đã cập nhật cho các lãnh đạo cấp cao của ByteDance về những trao đổi này, và một số lãnh đạo của ByteDance tỏ ra tin tưởng rằng vẫn có thể tìm được hướng đi phía trước.
Việc Elon Musk xây dựng được mối quan hệ thân thiết chưa từng có với Tổng thống đắc cử đã khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tìm đến ông để xin lời khuyên. Kể từ sau bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Musk được cho dành phần lớn thời gian ở Mar-a-Lago, câu lạc bộ tư nhân của ông Trump ở Palm Beach, để lên kế hoạch về việc chuyển giao chính quyền, theo WSJ.
Ông Musk thậm chí được phép tham gia đánh giá các vị trí trong nội các và lắng nghe các cuộc trao đổi trực tiếp của ông Trump với Tổng thống Ukraine Zelensky hay CEO Alphabet Sundar Pichai.
TikTok, ứng dụng của ByteDance, đang đối mặt nguy cơ bị cấm hoạt động tại Mỹ vì lo ngại an ninh quốc gia. Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, ông Trump từng ký lệnh hành pháp cấm TikTok vào năm 2020 nhưng sau đó bị tòa án chặn. Một đạo luật mới được Tổng thống Biden ký hồi đầu năm 2024 đe dọa cấm ứng dụng video phổ biến này tại Mỹ nếu ByteDance không bán lại nền tảng vào tháng 1/2025.
Tất nhiên, ông Chew tuyên bố TikTok sẽ không rời đi và đã nộp đơn kiện liên bang vào tháng 5, cho rằng đạo luật mới vi phạm quyền tự do ngôn luận của người dùng.
Quan điểm ủng hộ đạo luật này cho rằng việc cấm Tiktok nhằm ngăn chặn nguy cơ gián điệp đối với người Mỹ và ngăn chính phủ Trung Quốc can thiệp vào nội dung TikTok cung cấp cho người dùng. TikTok khẳng định họ sẽ không tuân thủ các yêu cầu như vậy từ chính phủ Trung Quốc.
Lãnh đạo ByteDance chỉ là một trong số nhiều doanh nhân đang muốn tiếp cận với Elon Musk nhằm đạt lợi thế trong quan hệ thương mại với Mỹ nhiệm kỳ tới. Trong đó, giới kinh doanh Trung Quốc dường như sốt sắng nhất. Với hàng tỷ USD đã đầu tư vào Thượng Hải, CEO Tesla cũng có nhiều lợi ích liên quan đến các kế hoạch của chính quyền sắp tới.
Điều này trái ngược với các nhân vật cứng rắn về Trung Quốc trong nội các tương lai của ông Trump, bao gồm ứng viên Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, người cho rằng Trung Quốc cần bị áp mức thuế cao để bảo vệ việc làm của người Mỹ.
“Với khoản đầu tư tại Trung Quốc và mối quan hệ với các lãnh đạo Trung Quốc, nhiều người hy vọng ông ấy có thể đóng vai trò tích cực trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump,” ông Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Phúc Đán, nhận xét.
Tuy nhiên, ý tưởng này còn nhiều điều không chắc chắn, bởi mức độ rủi ro cho chính ông Elon Musk. Chưa có bằng chứng nào cho thấy liệu CEO Tesla có hứng thú làm trung gian hay không, hay liệu ông Trump cùng các thành viên trong nội các có cho phép Musk tham gia vào chính sách đối với Trung Quốc hay không.
Dù vậy, ở Bắc Kinh, các chuyên gia vẫn bám víu vào một khả năng, rằng với bản chất doanh nhân của mình, ông Donald Trump và Musk sẽ sẵn sàng đàm phán.
“Ông Trump có bản năng kinh doanh và muốn thực hiện các thỏa thuận,” ông Wang Huiyao, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh, nhận định. Vì lý do đó, ông Wang cho rằng, ông Trump sẽ muốn sử dụng các lãnh đạo doanh nghiệp như Musk để xử lý quan hệ với Trung Quốc.
Việc nhắm tới Musk cho thấy Bắc Kinh đang quay lại cách tiếp cận cũ trong những năm 90. Các CEO Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, từng đóng vai trò trung gian vì họ có ảnh hưởng tại Washington và hy vọng mở rộng tại Trung Quốc.
Đối với Tesla, thị trường Trung Quốc rất quan trọng. Nhà máy tại Thượng Hải là nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất của công ty, chiếm một nửa số xe toàn cầu trong 4 quý vừa qua. Trong khoảng thời gian này, Tesla đã bán hơn 900.000 xe sản xuất tại Trung Quốc, gần một phần ba trong số đó được xuất khẩu sang châu Âu và các thị trường nước ngoài khác.
Hiện Tesla đang chờ sự phê duyệt cuối cùng từ Bắc Kinh cho công nghệ hỗ trợ lái xe mới nhất - Full Self-Driving. Musk cho rằng giá trị của Tesla chủ yếu nằm ở kế hoạch phát triển công nghệ tự lái, và công ty kỳ vọng sẽ nhận được phê duyệt trong quý đầu tiên của năm tới.
Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh có thể cung cấp cho Tesla một số ưu ái riêng và biến đây trở thành biểu tượng của sự cởi mở đối với đầu tư nước ngoài. Nếu vậy, nhà máy ở Thượng Hải có thể là điểm nhấn trong chính sách kinh tế của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Giữa tháng 11, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bình luận ca ngợi thành công của nhà máy Tesla tại Thượng Hải. Dù không nhắc đến Musk, bài viết cho rằng câu chuyện của Tesla là cách lý tưởng để truyền tải lập trường của Bắc Kinh rằng chiến tranh thương mại không có người thắng, còn mối quan hệ kinh tế chặt chẽ sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ.
"Hợp tác đôi bên cùng có lợi là con đường đúng đắn, trong khi đóng cửa là ngõ cụt," bài bình luận khẳng định.