Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc và Mỹ sớm được dự báo là "nạn nhân" đầu tiên nếu chính quyền ông Donald Trump khởi động thương chiến Mỹ - Trung Quốc 2.0.
Với việc tập hợp quanh mình những nhân vật có lập trường cứng rắn với Trung Quốc phụ trách các vấn đề thương mại và đối ngoại, Tổng thống đắc cử Donald Trump khiến các công ty Mỹ ngày càng lo ngại rằng họ sẽ trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc nếu chính quyền mới có cách tiếp cận cứng rắn.
Ông Trump đã đe dọa áp thuế ít nhất 60% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào quốc gia này. Dù chưa có động thái chính thức, nhưng triển vọng tiêu cực này đang gây xáo trộn và buộc các công ty phải tìm nguồn cung cấp khác. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng Mỹ cũng sẽ phải trả giá cao hơn khi mua sắm và đối mặt với mất việc làm.
Cùng với đó, chính phủ Trung Quốc có thể phản ứng lại thuế quan mới bằng cách sử dụng một loạt công cụ rộng hơn để nhắm vào các doanh nghiệp Mỹ.
“Các hành động của chính quyền Trump có thể được coi như một cuộc chiến kinh tế. Nếu được hiểu theo cách đó, Trung Quốc có thể đáp trả mạnh mẽ hơn, không chỉ giới hạn ở thuế quan,” Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) phân tích.
Theo Scott Kennedy, những hành động này có thể bao gồm các thay đổi về kinh tế, ngoại giao và an ninh. Trung Quốc có thể “phản ứng mạnh mẽ nhất có thể”.
Quan hệ đối đầu hơn giữa Mỹ và Trung Quốc cũng mang lại rủi ro về phản ứng công khai giữa bối cảnh chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc gia tăng. Các nhà sản xuất bị cảnh báo về việc xuất hiện các cuộc tẩy chay thương hiệu quốc tế của người tiêu dùng Trung Quốc.
“Điều tồi tệ nhất là các thương hiệu tiêu dùng không mang tính chiến lược, không gây tranh cãi và không thuộc diện hạn chế xuất khẩu có thể bị người tiêu dùng địa phương trừng phạt chỉ vì quốc tịch của họ,” Michael Hart, Chủ tịch AmCham tại Trung Quốc, cho biết và nhấn mạnh rằng kể từ Covid, các công ty đã tìm cách đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng của mình, nhưng vẫn chưa có sự thay thế nào dễ dàng và đáng tin cậy cho chuỗi cung ứng và sản xuất đã phát triển ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, chính phủ Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế lên hàng nhập khẩu từ Mỹ. Điều tương tự được dự báo trong nhiệm kỳ II của ông.
Trong cuộc chiến thương mại trước đó, Trung Quốc cũng ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, nhắm vào các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Mỹ như đậu nành, gây thiệt hại không cân đối cho các khu vực nông thôn, nơi ông Trump cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ.
James McGregor, Cố vấn kinh doanh về Trung Quốc, cho biết ông nhận thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục sử dụng đòn bẩy đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ nếu cảm thấy bị gây áp lực lần này. Hai năm trước, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu ngô từ Brazil. Hiện Brazil đã trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất của Trung Quốc, vượt Mỹ.
Bắc Kinh cũng có thể mở rộng các phương pháp trả đũa để nhắm vào các công ty Mỹ đang hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc. Môi trường kinh doanh ở Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể kể từ nhiệm kỳ đầu tiên củaông Trump. Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh của AmCham Trung Quốc năm 2024 cho thấy 39% công ty nước ngoài được khảo sát cảm thấy ít được chào đón hơn ở Trung Quốc.
Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ-Trung ước tính rằng một cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" mới có thể dẫn đến “mất doanh thu lâu dài và gây áp lực buộc các doanh nghiệp cắt giảm việc làm và kế hoạch đầu tư,” với số lượng mất việc làm ròng lên tới 801.000 vào năm 2025.
Báo cáo dự đoán rằng Nevada, Florida và Arizona sẽ là những bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nền kinh tế phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng. Các bang công nghiệp như Indiana, Kansas, Michigan và Ohio cũng sẽ dễ bị tổn thương, theo báo cáo của Oxford. Các bang Nevada, Arizona và Michigan là các bang dao động vừa quay sang ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2024 để giúp ông trở lại Nhà Trắng.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rủi ro về những thay đổi pháp lý và quy định ở Trung Quốc có thể đe dọa các công ty Mỹ trong lĩnh vực công nghệ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã sửa đổi đáng kể các quy định kiểm soát xuất khẩu của mình. Những kiểm soát chặt chẽ hơn này đã hạn chế các kim loại quan trọng cho lĩnh vực năng lượng sạch và chất bán dẫn của Mỹ.
Các nhà phân tích dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng cách làm này trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, nhằm bóp nghẹt nguồn cung khoáng sản và linh kiện quan trọng của ngành công nghiệp Mỹ.
Bắc Kinh cũng đã tăng cường các luật như luật chống trừng phạt nước ngoài, cho phép tiến hành điều tra, phạt tiền và hạn chế hoạt động tại Trung Quốc. Theo CNBC, trước cuộc bầu cử Mỹ, Bắc Kinh đã có dấu hiệu nhắm vào một số công ty Mỹ. Ví dụ, PVH, chủ sở hữu Calvin Klein, đang bị điều tra theo luật này.
Trung Quốc cũng đã nâng cấp luật chống gián điệp, điều mà các hiệp hội doanh nghiệp quốc tế như AmCham Trung Quốc chỉ trích vì "tính mơ hồ" trong chính sách. Luật này đã dẫn đến các vụ giam giữ lãnh đạo và nhân viên cũng như các cuộc đột kích vào các công ty quốc tế, đồng thời giúp chính quyền dễ dàng áp dụng các lệnh cấm xuất cảnh, ngăn cản người bị buộc tội rời khỏi quốc gia.
Nhiều người lo ngại rằng việc thực hiện các thủ tục quy định hàng ngày để hoạt động tại Trung Quốc có thể trở nên khó khăn hơn trong một môi trường trả đũa gia tăng.
“Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các biện pháp trả đũa đối với các công ty Mỹ tại Trung Quốc, nơi họ có thể bị ép ra khỏi thị trường Trung Quốc và bị thay thế,” ông McGregor nói.