[eMagazine]: Ngổn ngang chuyện “kho bãi” ngành logistics

Lê Sáng 12/04/2019 11:54

Phạm Thị Lan Hương - nữ CEO 8X mới được bổ nhiệm của Vinafco, một nữ tướng trong ngành logistics đã có những chia sẻ thú vị xung quanh câu chuyện kho bãi trong ngành này.

- Phải chăng các doanh nghiệp logistics đang gặp phải câu chuyện mất cân bằng trong vấn đề kho bãi, thưa bà?

Kho bãi logistics hiện nay tại Việt Nam, xét ở một góc độ nào đó - có thể nói nôm na là đang trong tình trạng “chỗ ăn không hết, chỗ lần chẳng ra”. Những chỗ có nhu cầu kho bãi cao thì luôn luôn thiếu trong khi có những khu vực dù đã được quy hoạch để làm kho bãi, thì mặt bằng thì lại luôn “ế”.

- Vậy theo bà, “nguồn cơn” của tình trạng trên là do đâu?

Theo tôi, có tình trạng đó phần nhiều là xuất phát từ yếu tố vị trí địa lý.

Ví dụ như tại miền Bắc nói chung và vùng Thủ đô nói riêng đang có tình trạng kho nào càng gần trung tâm Hà Nội thì lại càng “hot”. Như kho của Vinafco ở Thanh Trì chẳng hạn, chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng 13 km, đây là vị trí mà tất cả những “ông” sản xuất, bán lẻ đều muốn có kho để có thể rót hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tại nội đô được nhanh và tiện nhất.

Dịch xa ra một chút xuống phía Nam khoảng tầm 5-10 km, những khu Ngọc Hồi, Duyên Thái cũng đang thiếu kho hay xa hơn nữa, tại các khu vực lân cận Hà Nội của các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên,… hiện cũng rất khó để tìm được vị trí đặt kho bãi mới.

Đó là ở phía Bắc, còn ở phía Nam, tình trạng còn có phần căng thẳng hơn khi gần như các doanh nghiệp logistics đã không còn cơ hội để phát triển kho mới tại TP. HCM hay các khu vực tại Bình Dương như khu Sóng Thần I thì kho nào cũng luôn trong tình trạng đầy, muốn tìm thêm kho, dù là thuê thôi cũng là rất khó.

- Tại sao các doanh nghiệp logistics không đi xa hơn, đến những khu đã được Chính phủ định hướng quy hoạch phát triển logistics, thưa bà?

Đúng là đã có những khu vực được định hướng quy hoạch trở thành trung tâm logistics như tại miền Bắc là Hải Dương, Hải Phòng hay miền Nam là các khu Sóng thần III, Mỹ Phước III, Nam Tân Uyên, Nhơn Trạch…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics như Vinafco hiện vẫn chưa phát triển được hệ thống kho bãi của mình tại những khu vực đó do khách hàng chưa có nhu cầu.

Còn tại những khu vực dù đã có định hướng của Chính phủ để phát triển những trung tâm logistics thì cũng đã có những doanh nghiệp đầu tư kho bãi quy mô, hiện đại tuy nhiên các khách hàng lại không mặn mà đặt kho ở đó.

- Nhưng những khu đã được định hướng cho phát triển logistics đều là các vùng lân cận và không quá xa trung tâm, tại sao chủ hàng lại không chọn để chứa hàng tại đó, thưa bà?

Đó là bài toán lợi ích, phương án nào có lợi hơn thì khách hàng sẽ lựa chọn. Ví dụ như nếu chứa hàng tại Thanh Trì hay một điểm nào đó quanh quanh Hà Nội chẳng hạn, khi khách hàng yêu cầu, chúng tôi sẽ nhanh chóng giao hàng vào nội thành Hà Nội. Trong khi đó, tại các vùng xa hơn, tuy có mặt bằng bến bãi nhưng hạ tầng kết nối về giao thông chưa thật sự tốt dẫn đến thời gian giao hàng đảm bảo. Ngoài ra, nếu đặt kho ở các vị trí xa trung tâm thì phí BOT cũng sẽ là một vấn đề lớn bởi với một kho như của Vinafco thì trung bình có cả trăm lượt xe đến và rời kho mỗi ngày.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần của câu chuyện, ngoài vị trí địa lý, một điểm không thể không nhắc đến trong câu chuyện “thừa-thiếu” kho bãi logistics là việc đang có sự chuyển dịch chiến lược của chính những doanh nghiệp trong ngành.

 - Sự chuyển dịch đó cụ thể là gì, thưa bà?

Như đã nói ở trên, từ trước đến nay, về cơ bản, kho bãi trong logistics có thể chia ra thành hai nhóm. Đầu tiên là nhóm những “ông” chỉ chuyên xây và cho thuê kho bãi và nhóm thứ hai là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics toàn diện như Vinafco. Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Vinafco thì không phải đơn vị nào cũng có hệ thống kho bãi đáp ứng được nhu cầu và phần nhiều là đang phải đi thuê kho để vận hành.

Về mặt thị trường, sự chuyển dịch này sẽ giúp khách hàng có thêm lựa chọn nhưng trong tương quan giữa các doanh nghiệp cùng ngành thì sự cạnh tranh sẽ tăng lên và thế khó đang dồn về phía những doanh nghiệp vốn phải thuê kho để vận hành.

Bên cạnh đó việc các “ông lớn” FDI trong ngành như DHL, UPS… sau thời gian đầu vào Việt Nam họ chọn giải pháp thuê kho bãi thì nay khi nhận thấy tiềm năng thị trường cộng với các chính sách “mở” của nhà nước trong việc mua, thuê đất thì họ đã bắt đầu mạnh tay đầu tư thiết lập hệ thống kho bãi nhờ vào nguồn lực tài chính sẵn có.

- Như vậy, cái bắt tay “ông” có đất, “tôi” có năng lực vận hành, hai bên cùng có lợi, phải chăng ngày càng ít đi, thưa bà?

Đúng vậy, những doanh nghiệp vốn phải đi thuê kho thì nay đang “lục tục” kiếm đất xây kho, còn những doanh nghiệp có kho cho thuê trước đây thì lại đang thu về để vận hành dù chưa chắc đã hiệu quả. Như vậy, hai “ông” bắt đầu đè lên nhau, mỗi người tiến theo một hướng, tạo ra áp lực cạnh tranh và điều đó cũng tạo ra tác động không tích cực cho thị trường.

- Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ là “chưa đủ” hay sao, thưa bà?

Được xem là huyết mạch của nền kinh tế, các doanh nghiệp ngành logistics rất phấn khởi khi Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sự phát triển của ngành như Quyết định số 1012/QĐ-TTg năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quy hoạch chi tiết về định hướng phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2020, logistics sẽ đóng góp 10% vào GDP. Sau quyết định đó, những chương trình hành động cụ thể cũng đã được Chính phủ đưa ra tại “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” (Quyết định 200/QĐ-TTg) và Chỉ thị 21/CT-TTg về các hoạt động cụ thể nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hạ tầng giao thông.

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì dường như nhu cầu về kho bãi của thị trường vẫn chưa “bắt kịp” được so với các quy hoạch trên và nguyên nhân được chỉ ra là vẫn là ở câu chuyện chi phí vận hành hạ tầng kết nối giao thông chưa đáp ứng được.

- Vậy doanh nghiệp logistics đang mong muốn gì ở vai trò “bà đỡ” của nhà nước, thưa bà?

Vai trò “bà đỡ” của nhà nước là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp logistics như Vinafco.

Ví dụ như việc trong việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý kho bãi. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý và đơn vị chức năng cần quyết liệt và minh bạch, tránh tính trạng chỗ này thì “làm mỏng, làm mềm” chỗ kia thì lại “ốp sát sạt” gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nếu việc này không làm chặt thì vô hình chung sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh và phần thua thiệt lại thuộc về những doanh nghiệp đang “ăn thẳng làm thật” như chúng tôi.

Trong câu chuyện kho bãi cũng vậy, chúng tôi mong muốn thời gian tới, Chính phủ sẽ quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các Quyết định, chỉ thị đã đề ra nhằm sớm phát triển những Trung tâm logistics đã được quy hoạch. Khi hạ tầng kết nối giao thông được đảm bảo và các phí BOT ở mức hợp lý thì doanh nghiệp chắc hẳn sẽ không còn cảnh phải “đỏ mắt” đi tìm kho bãi như hiện nay.

- Vậy đối với Vinafco, câu chuyện kho bãi hiện ra sao, thưa bà?

Kho bãi của chúng tôi hiện phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trong đó có những kho đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao như kho phục vụ lĩnh vực bán lẻ đang quản lý cùng lúc khoảng 15000 mã hàng và xuất ra từng sản phẩm như hệ thống siêu thị.

Để làm được điều này chúng tôi đã phải tự đổi mới liên tục, áp dụng các công nghệ mới nhất, cập nhật các phần mềm quản lý kho và đưa vào hệ thống nhận dạng bằng mã vạch (barcode) và kết nối hệ thống phần mềm của Vinafco trực tiếp với hệ thống của khách hàng, khi khách hàng ra lệnh xuất thì trên hệ thống của vinafco sẽ có luôn lệnh tương ứng. Ngoài ra, Vinafco cũng đã áp dụng hệ thống soạn hàng kỹ thuật số (pick-to-light) để kiểm soát chính xác lượng hàng hóa, các xe lấy hàng đều được gắn màn hình để hiển thị mã hàng cần lấy, giảm thiểu tối đa sai số.

- Với việc áp dụng công nghệ 4.0 vào ngành logistics, liệu sẽ sự quá tải về kho có giảm đáng kể không khi mà sẽ không còn những chuyến xe chạy rỗng, thưa bà?

Một ngày đẹp trời, “thiên hạ” bỗng nhiên nói rất nhiều về câu chuyện ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành logistics để sẽ không còn những chuyễn xe chạy rỗng và chi phí sẽ giảm sâu. Tuy nhiên kỳ vọng công nghệ 4.0 và các sàn vận tải sẽ sớm giải quyết vấn đề chi phí hay giảm quá tải kho bãi vẫn cần thời gian để chứng minh.

Chi phí logistics của Việt Nam hiện tương đương 16 - 17% GDP, khi các sàn vận tải được mở ra cùng với các mô hình khởi khiệp (start-up) thì rất có thể hiệu suất của ngành logistics có thể sẽ được cải thiện.

- Theo bà làm sao để phát huy được cái lợi của sàn vận tải một cách tốt nhất?

Theo tôi, nếu nhà nước đứng ra thiết lập một sàn chung cho tất cả doanh nghiệp logistics với những quy định được luật hóa chặt chẽ, không chỉ là kết nối xe vận tải mà cả chia sẻ kho bãi thì có thể câu chuyện giảm chi phí logistics sẽ sáng sủa hơn nhiều.

- Cuối cùng, với những gì đang có trong tay, tương lai nào đang đợi Vinafco, thưa bà?

Có được những gì như hôm nay là cả một cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ của Vinafco trong thời gian qua và chúng tôi vẫn đang tiếp tục vươn lên từng ngày. Trong giai đoạn tới, chúng tôi xác định rằng áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng lớn và mình chỉ đi chậm thôi là cũng đã bị vượt lên và mất thị phần rồi. Do đó, Vinafco cũng cần phải năng động hơn, “trẻ hơn” và chúng tôi sẽ liên tục “khởi nghiệp lại” để duy trì sự sáng tạo và nuôi dưỡng khát khao chinh phục những thành tựu mới.

- Xin cảm ơn bà.

Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine]: Ngổn ngang chuyện “kho bãi” ngành logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO