[eMagazine]"Nữ tướng" đưa REE trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ

Lê Sáng 30/04/2019 17:08

Từng kinh qua chiến trường miền Đông ác liệt khi mới 16 tuổi, nữ chiến sĩ năm xưa ấy đã trở thành người giàu thứ 12 trên sàn chứng khoán Việt Nam và là nữ tướng của một doanh nghiệp nghìn tỷ.

Tạo ra những “kỳ tích” như trên, như một lẽ dĩ nhiên, “nữ tướng” của REE, "bông Hồng thép" Nguyễn Thị Mai Thanh đã được sự công nhận xứng đáng của xã hội khi hiện là người phụ nữ giàu thứ 12 trên sàn chứng khoán (theo xếp hạng của CafeF) với khối tài sản trị giá 722 tỷ đồng tại thời điểm 30/4/2019. Đồng thời bà cũng nhiều năm được xướng tên trong danh sách danh giá của Forbes cho các hạng mục nữ doanh nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á hay những người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh không lấy “quan hệ” sẵn có làm vốn tránh khói lửa chiến tranh mà ngay trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ  bước vào giai đoạn cao trào chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công giải phóng đất nước thì bà theo học lớp dược tá và được phân công về Sư đoàn 9 ở chiến trường miền Đông ác liệt.

Làm dược tá trong chiến khu những năm còn học đệ tam (tương đương lớp 10 hiện nay). Năm 16 tuổi bà rời miền Nam, chịu nhiều đợt sốt rét trên chặng đường đi bộ ra Bắc để học chuyên ngành dược. Những năm tháng thời chiến này, giữa lúc cả dân tộc đang gồng lên thì “cô con gái diệu” Mai Thanh đã luôn cố gắng quên mình là con của một cán bộ để sống hòa vào với mọi người, càng không cho phép xem mình là phụ nữ để gây khó khăn cho người khác. Bà nhớ lại: “Tôi làm mọi thứ. Chẻ củi, tải gạo, lội sông lội suối như đàn ông”.

Bà Mai Thanh là một trong số ít người con của các cán bộ cách mạng được cử ra nước ngoài học bởi thành tích học tập xuất sắc. Bà tốt nghiệp đại học tại Đức chuyên ngành cơ khí, mảng điều hòa không khí, rồi lập gia đình với một tiến sĩ hóa học người Việt tại Đức và cùng chồng về nước.

Những thách thức của thời tuổi trẻ khiến người phụ nữ này không muốn yên phận ở vị trí cao và chế độ đãi ngộ tốt dành cho những sinh viên ưu tú. Năm 1982, sau khi ở Đức về, bà quyết tâm trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh, một nơi chỉ toàn những thiết bị cũ kĩ, chủ yếu là những đồ “hạng ba” chứ chẳng được “hạng hai” mà như cách bà từng nói vui.

Tại đây, cô kỹ sư trẻ Mai Thanh đã say mê cống hiến, đem hết những gì mình đã học được cộng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ để đưa xí nghiệp sống được và đi lên trong bối cảnh động đâu cũng thấy khó khăn của những năm đầu thập niên của thế kỷ trước.

Năm 1984, nhờ thành công trong việc lắp đặt hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM), bà Mai Thanh đã lọt “mắt xanh” của lãnh đạo xí nghiệp để trở thành “cán bộ nguồn cốt cán” sau này. Đến năm 1985, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, khi ấy mới 33 tuổi bất ngờ được ông Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Xí nghiệp khi ấy đề nghị phụ trách doanh nghiệp.

"Khi đó tôi đã bị sốc, nhưng tự nhủ sau khó khăn chiến trường mình còn vượt qua, được “ăn cơm” của nhân dân để đi học thì không lý gì lại từ chối trách nhiệm này, sau chút suy nghĩ, dù mới chỉ gắn bó với xí nghiệp được 3 năm nhưng tôi đã mạnh dạn nhận lời chú Vân với cả điều kiện đi kèm là được phép lựa chọn đội ngũ làm việc cùng mình”, bà Mai Thanh nhớ lại.

Ở trọng trách mới được giao phó, bà Mai Thanh phải lo “chén cơm” cho hơn 200 con người đồng nghĩa với việc phải chấp nhận đối mặt với “cả tỷ” khó khăn, trong đó có việc dàn nhân sự cấp trưởng, phó phòng đồng loạt xin nghỉ việc, kho hàng vật tư trống rỗng, tài khoản ngân hàng không có một đồng. Để có tiền nuôi quân, bà phải quyết định lập hồ sơ để Xí nghiệp vay vốn ngân hàng nhập tủ lạnh cũ, tân trang bán lại kiếm lời, lần hồi, cầm cự vượt qua cuộc khủng hoảng giá lương tiền năm 1986.

Bà Mai Thanh gắn với REE như một cơ duyên và bà đã cùng với REE đạt được nhiều cái đầu tiên của làng doanh nghiệp Việt từ thuở “chập chững” sau bao cấp đến nền kinh tế thị trường cạnh tranh hiện nay.

Đầu những năm 90 ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều tòa cao ốc mọc lên, REE làm không hết việc ở mảng M&E, nhưng bà Mai Thanh ấp ủ kế hoạch sản xuất máy điều hòa thay vì chỉ làm đại lý phân phối cho nhiều thương hiệu nổi tiếng. Có dịp đi nhiều nước, thuyền trưởng REE tìm ra nguồn thiết bị, linh kiện nhập khẩu, nhưng vướng nút thắt tài chính.

Năm 1996, một vị khách bất ngờ gõ cửa Công ty. Đó là Dominic Scriven, nhà quản lý Quỹ VEIL. Ông đến với lý do “nghe nói ở TP.HCM có một doanh nghiệp làm ăn khá và năng động nên thử đến tìm cơ hội”. Lời chào đầu của Dominic Scriven với REE là một khoản vay 5 triệu USD theo hình thức trái phiếu chuyển đổi. Những tư tưởng lớn gặp nhau, thương hiệu máy điều hòa Reetech ra đời.

Thế rồi, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 diễn ra, gián tiếp gây ảnh hưởng đến đầu tư tại Việt Nam, nhiều công trình xây dựng bị đình trệ, hoạt động kinh doanh của REE trở nên bấp bênh, phụ thuộc vào sự nóng lạnh của thị trường bất động sản.

Trong những ngày tháng khó khăn, bà Mai Thanh mạnh dạn sắp xếp lại sản xuất, đưa nhà xưởng về Khu công nghiệp Tân Bình. Với mặt bằng đất rộng, mặt tiền đường Cộng Hòa, REE xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê. Tòa E -Town đầu tiên, diện tích 30.000 m2, khánh thành năm 2002, được lấp đầy trong 18 tháng tạo động lực để công ty phát triển thêm gần 80.000 m2 văn phòng cho thuê trong một thập niên sau đó.

Được biết đến là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa vào năm 1993, REE cũng là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết cổ phiếu tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7 năm 2000 và trở thành công ty đầu tiên niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Không chấp nhận dựa vào cơ chế, đi “ngược chiều” so với xu thế làm kinh tế là phải dựa vào quan hệ, xin cho, bà Mai Thanh đã tiên phong và dám đánh đổi cả những cái lợi trước mắt để cổ phẩn hóa doanh nghiệp, đưa kiểm toán quốc tế vào để tự “nâng tầm” mình lên. Vào thời điểm những năm 2000, động thái này của “nữ tướng” REE khi đó cũng nhận được không ít nhận định trái chiều từ những người bảo thủ cho là bà “làm màu” hay “tự lấy đá ghè chân mình”. Tuy nhiên sau đó, những thành công vượt trội, sự vươn mình mạnh mẽ của REE ra hẳn các lĩnh vực khác như bất động sản đã đánh tan mọi dị nghị trước đó.

Trong hành trình “lớn lên” của REE cũng có những thời điểm khó khăn bủa vây nhưng bà Mai Thanh vẫn luôn thể hiện là một vị “thuyền trưởng” rất có duyên, sẵn sàng thừa nhận những thiếu sót và khắc phục tồn tại ngay lập tức.

Ông Dominic Scriven, giám đốc điều hành Dragon Capital, một nhà quản lý quỹ “có tiếng” tại Việt Nam cho rằng “Trước mỗi thử thách, bà Mai Thanh luôn giải quyết vấn đề theo chiều hướng tích cực”. Có lẽ ông muốn nhắc đến năng lực xoay chuyển tình huống của bà Thanh trong những thời điểm khó khăn nhất.

Đơn cử là câu chuyện của năm 2008, khi REE công bố khoản lỗ đầu tư ước tính 384 tỉ đồng (do tổng mức trích lập dự phòng đầu tư tài chính lên đến 467,13 tỉ đồng). Nhưng bà Mai Thanh cũng chỉ gọi đây là “sự cố”.

Đầu tư tài chính và bất động sản đều thuộc lĩnh vực đầu tư, là 1 trong 3 lĩnh vực hoạt động của REE gồm cơ điện công trình, sản xuất sản phẩm điện gia dụng thương hiệu Reetech (gồm máy lạnh gia dụng và công nghiệp) và đầu tư. Năm 2008, thị trường chứng khoán chao đảo do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, một số cổ phiếu trong danh mục đầu tư tài chính của REE không đạt kết quả như mong đợi. Khi đó bà đã thẳng thắn: “Tôi không cho mình đã lơ là trong đầu tư, nhưng thừa nhận mình đã thiếu hiểu biết trong việc nhận định thị trường khi ấy. Tôi đã chủ quan đầu tư theo thị trường, không lường trước mọi thứ có thể xuống đến mức tệ như thế”.

Trong cuộc chất vấn lần đó, bà đã không ngại nhận mọi trách nhiệm, phân tích những sai lầm trong mảng đầu tư của REE và đưa ra chiến lược mới, khả thi hơn cho năm 2009. Theo đó, REE sẽ tái cấu trúc các khoản đầu tư, tập trung đầu tư dài hạn vào ngành chiến lược, có thế mạnh như các dự án điện, nước (hơn là những khoản đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu như trước đó). Bà còn làm dịu sự bất bình của cổ đông bằng việc tuyên bố con số doanh thu dự kiến của REE trong năm 2009 là 1.400 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 250-300 tỉ đồng. Cuối cùng, sau một năm nhiều biến động như năm 2009, REE đã đạt lợi nhuận trước thuế 488 tỉ đồng, vượt xa con số 250-300 tỉ đồng bà Thanh tuyên bố trước đó.

Là "nữ tướng" trên thương thường, công việc của bà Mai Thanh lúc nào cũng bận rộn, tuy nhiên đối với các con, bà luôn là người mẹ, "truyền lửa", quan tâm sát sao từng ngày để các con trưởng thành, gánh vác và phụng sự.

Năm 2011, với sự tin tưởng vào sự trưởng thành của con trai, bà Mai Thanh đã tiến cử người con trai mới 29 tuổi Nguyễn Ngọc Thái Bình vào vị trí Giám đốc Tài chính và tham gia Ban Quản trị của REE. Khi đó bà Mai Thanh đã nhận được không ít lời bàn ra tán vào, về việc liệu có ưu ái con cái hay không nhưng bà cho rằng với con trai hay bất cứ ai trong công ty bà đều yêu cầu làm đúng trình tự tuyển dụng nhân sự. Càng với với người nhà, bà càng đối xử nghiêm khắc hơn để các con trưởng thành, không ỉ lại.

Ngay tại cuộc họp giới thiệu con trai vào vị trí mới, bà đã khẳng định trước toàn thể công ty việc mình giới thiệu con trai vào vị trí mới, quý vị có quyền bầu hoặc không. Thực tế thì Nguyễn Ngọc Thái Bình cũng không phải là một “công tử” mà anh cũng đã tự khảng định tài năng bằng học vấn và từng làm việc cho ngân hàng HSSBC. Với nền tảng đó, Thái Bình đã được bổ nhiệm với tỷ lệ đồng ý gần như tuyệt đối và thực tiễn công tác đến nay đã phần nào khẳng định niềm tin của bà Mai Thanh vào con trai.

Cũng giống như anh trai, cô con gai Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh sinh năm 1991 của bà Mai Thanh cũng sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Từ năm 2007, khi mới học lớp 10, cô đã giành chứng chỉ Tốt nghiệp Phổ thông cơ sở Quốc tế. Năm 2009, cô là một trong những thí sinh đồng điểm thi trình độ Anh ngữ quốc tế (IELTS) cao nhất Việt Nam với tổng điểm trung bình là 8.5, trong đó kỹ năng đọc viết đồng 9 điểm. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Warwick (Anh Quốc) Nhất Hạnh đã trở về nước để làm việc tại ngân hàng HSBC.

Đến nay, khi đã gần cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng “nữ tướng” Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn rất “máu lửa” trong việc truyền nhiệt huyết và đam mê kinh doanh cho không chỉ các con mà còn cho tất cả các bạn trẻ và thành viên trong công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[eMagazine]"Nữ tướng" đưa REE trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO