“Èo uột” nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh

LÊ CƯỜNG 26/11/2022 13:35

Dù có tiềm năng nuôi trồng thủy sản (NTTS) rất lớn, nhưng Quảng Ninh vẫn chưa phát triển kinh tế NTTS một cách tương xứng.

>>Quảng Ninh: Gian nan hành trình “gỡ thẻ vàng” cuối cùng của EC

 Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh chịu thiệt hại kinh tế lớn do thủy, hải sản không tiêu thụ được.

Hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh chịu thiệt hại kinh tế lớn do thủy, hải sản không tiêu thụ được.

Tổng diện tích mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) của Quảng Ninh khoảng gần 55.000ha, chiếm 9% tổng diện tích mặt biển (600.000ha) và 32.900ha đất ven bờ, bãi triều.

Bất cập tự phát

Trong thời gian qua, hầu hết các hộ NTTS ở Quảng Ninh chịu thiệt hại kinh tế lớn do thủy, hải sản không tiêu thụ được. Ngoài lý do dịch bệnh, thì nguyên nhân chính là do rất nhiều hộ nuôi tự phát, thiếu tính đồng bộ về kỹ thuật, khoa học, khiến thủy hải sản chết hoặc nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tự phát cũng không xác định được nhu cầu thực sự của thị trường.

Theo khảo sát của các đơn vị chuyên môn, thị xã Quảng Yên hiện có hàng trăm hộ nuôi hàu cửa sông, diện tích mặt nước bị phủ kín, đặc biệt là ở khu vực Hoàng Tân, Tân An, khu vực mặt nước giáp Cát Hải (TP.Hải Phòng)… Trong khi địa phương này không ưu tiên phát triển NTTS, nên nhiều năm qua không tổ chức gia hạn hoặc giao, cho thuê mới mặt nước đối với tổ chức, cá nhân, đồng nghĩa với phần lớn người dân NTTS hiện nay là tự phát, trái phép.

Ông Nguyễn Thế Vinh, hộ NTTTS Quảng Yên cho biết: “Tính từ Tết nguyên đán Nhâm dần đến tháng 6/2022 vừa qua, các hộ nuôi hàu cửa sông ở đây bước vào vụ thu hoạch. Sản lượng ước tính trên 20.000 tấn. Việc nuôi tự phát dẫn đến thiếu tính toán, không có đầu ra ổn định, khiến cho lượng lớn thủy sản này bị ùn ứ, gây thiệt hại nằng nề đến hộ nuôi. Riêng gia đình tôi cũng thiệt hại vài trăm triệu đồng do không tiêu thụ được hàu”.

Tại huyện Vân Đồn cũng có thời gian dài không tiến hành giao, cho thuê mặt nước, song nhu cầu NTTS của các hộ dân rất cao, khiến không ít hộ bất chấp quy định mà NTTS trái phép. Cuối năm 2020, lực lượng chuyên môn khảo sát thực tế vùng NTTS phục vụ kế hoạch chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE theo quy định của tỉnh, cho thấy diện tích NTTS của Vân Đồn hiện hơn 5.000 ha đã vượt quá tính toán của địa phương đến năm 2030. Các vùng thả nuôi nhuyễn thể phủ kín khu vực mặt nước trong và ngoài phạm vi 3 hải lý, rất nhiều vị trí bị NTTS phủ kín là luồng lạch giao thông, khiến cho mặt biển Vân Đồn chằng chịt những lồng, bè và phao xốp.

Cùng với lấn chiếm luồng lạch giao thông, NTTS tự phát đang tạo áp lực lớn cho Vân Đồn trong chuyển đổi phao xốp sang phao nổi HDPE, cũng như bài toán về cơ sở chế biến thủy sản trên bờ, nhất là tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch. Trong những năm gần đây, Vân Đồn liên tục phải kêu gọi "giải cứu", hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản từ nhuyễn thể đến cá biển các loại. Từ đầu năm 2022 đến nay, sản lượng tiêu thụ hàu sữa của huyện chậm, giá thu mua thấp kỷ lục, người nuôi hàu chấp nhận bán hàu làm thức ăn nuôi cua cá với giá chỉ bằng 50% chi phí sản xuất.

>>Quyết liệt ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép xăng, dầu trên vùng biển Quảng Ninh

Cần giải pháp bền vững

Ông Nguyễn Minh Sơn- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng, cho biết để giao, cho thuê mặt nước đối với các tổ chức, cá nhân, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đã nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định theo Nghị định này gần như không khả thi ở Quảng Ninh.

“Về dài hạn, Quảng Ninh phải trông vào tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó có tích hợp các dữ liệu phát triển NTTS toàn tỉnh, làm “kim chỉ nam” cho các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản trên địa bàn. Quy hoạch này cũng là cơ sở để Bộ TN&MT ban hành đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm cho Quảng Ninh, lấy đây là cơ sở để phân cấp, phân quyền việc giao, cho thuê mặt nước cho các tổ chức, cá nhân”, ông Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Minh Sơn cho rằng, trong thời gian tới, các ngành chức năng cần tích cực phối hợp với địa phương có diện tích NTTS lớn tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi, trồng, quản lý thức ăn, thuốc thú y, vật tư, con giống...; Thực hiện quan trắc đánh giá môi trường nuôi, hỗ trợ các địa phương, người nuôi trồng thủy, hải sản về mức độ ô nhiễm môi trường nuôi, để có quy trình xử lý phù hợp, an toàn dịch bệnh, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm thủy, hải sản; đồng thời xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, cấp mã vùng nuôi, kỹ thuật nuôi cho từng loài thủy, hải sản đảm bảo phù hợp với sức tải môi trường.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, tỉnh Quảng Ninh cũng cần chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngư dân nuôi trồng đúng quy định, được cơ quan thẩm quyền cấp khu vực nuôi sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, thay thế phao xốp và các loại vật liệu gây ô nhiễm môi trường nuôi; Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy hoạch, nuôi trồng không được cấp phép, vi phạm các tuyến luồng thủy nội địa.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh tập trung phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững

    Quảng Ninh tập trung phát triển kinh tế thuỷ sản bền vững

    00:07, 19/11/2022

  • Quảng Ninh: Bắt giữ nhiều tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép

    Quảng Ninh: Bắt giữ nhiều tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép

    00:06, 12/11/2022

  • Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

    Quảng Ninh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

    02:30, 07/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Èo uột” nuôi trồng thủy sản Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO