"EPR là chìa khóa xây dựng ngành công nghiệp tái chế đạt chuẩn" - đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Vượng, chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam.
Chia sẻ tại Đại hội chi hội Nhựa tái sinh nhiệm kỳ II tại Hải Phòng, ông Hoàng Đức Vượng cho biết, EPR đã đặt yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải chịu trách nhiệm thu gom, tái chế rác thải phát sinh từ sản phẩm của mình. Từ đó, nhu cầu tái chế tăng cao, nhà tái chế cũng có thêm nguồn lực hỗ trợ.
Cơ hội chưa từng có
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhựa tái sinh nhiệm kỳ II, ông Hoàng Đức Vượng, chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam nhấn mạnh việc EPR được coi là một công cụ quan trọng trong quản lý chất thải rắn, là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam cũng khẳng định, EPR chính là động lực rất lớn để các doanh nghiệp tái chế dựa vào đấy để xây dựng, đầu tư phát triển công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Tái chế chất thải nói chung và tái chế nhựa nói riêng là xu hướng ngày càng rõ nét trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, là vấn đề mà các tập đoàn sản xuất lớn đều đang hướng đến.
Thách thức không nhỏ
Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài Nguyên Môi trường, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa thải ra môi trường, trong đó có khoảng 0,28-0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Mặc dù ngành nhựa Việt Nam tăng trưởng 15%-20%/năm nhưng Việt Nam vẫn phải nhập tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành này. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu nhựa phục vụ sản xuất cũng như xử lý rác thải nhựa, Chính phủ đã và đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia công tác tái chế mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, “thách thức rất lớn mà ngành nhựa tái chế đang đối mặt hiện nay là các phế liệu thu gom trong nước của chúng ta có rất nhiều tạp chất, khiến doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí trong việc xử lý phế liệu.
Để xử lý phế liệu thu gom nội địa chúng ta cần có công nghệ hiện đại can thiệp. Trong khi thực tế, các doanh nghiệp tái chế của Việt Nam còn rất nhỏ lẻ, vẫn đang chủ yếu sử dụng công nghệ thô sơ nên chỉ tái chế được những phế liệu sạch nhập từ nước ngoài về mà khó tái chế được phế liệu trong nước”.
Để phát triển ngành tái chế nhựa, theo bà Mỹ, các doanh nghiệp tái chế phải có tiềm lực tài chính lớn để đầu tư công nghệ để đáp ứng được chất lượng hàng tái chế làm ra, đòi hỏi phải có vốn lớn, có trình độ quản lý, trình độ quản trị doanh nghiệp… Vì vậy, các doanh nghiệp tái chế phải tự nâng cấp mình nhanh nhất có thể mới đáp ứng được nhu cầu đặt ra hiện nay.
Nói thêm về thách thức đang đối mặt của ngành nhựa tái sinh, ông Hoàng Đức Vượng cho biết, ngành tái chế nhựa tại Việt Nam hiện còn manh mún, đa số tồn tại ở hộ gia đình, cá nhân, khó có thể tái chế sản lượng lớn và đáp ứng được chuỗi giá trị trên toàn cầu. Việt Nam hiện cũng còn có quá ít doanh nghiệp có giấy phép môi trường để đảm bảo tái chế.
Để ngành tái chế có bước chuyển mình mạnh mẽ, chính sách về thu gom, tái chế trong nước cũng cần phải được cụ thể hóa hơn nữa. Ông Đỗ Hữu Huỳnh, Phó Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam cho biết, Chi hội đang xây dựng kế hoạch cụ thể để tận dụng cơ hội lớn lao từ chính sách EPR. Đồng thời cũng đang từng bước xây dựng đề xuất, kiến nghị cụ thể để có những tác động tích cực đến vòng tròn chính sách, chuyển đổi từ tái chế đơn lẻ sang tái chế tập trung, phát triển thị trường cho tái chế, thiết kế cho tái chế sao cho thật an toàn, hiệu quả và tiết kiệm hơn…
Được biết, Chi hội cũng đang kiến nghị Chính phủ xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành, chuyển dịch tái chế từ giản đơn sang tái chế phức tạp. Xây dựng chính sách, tận dụng các quỹ tín dụng xanh, quỹ bảo vệ môi trường…để đầu tư công nghệ cho doanh nghiệp tái chế.
Và hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong ngành tái chế lúc này cần phải hợp lực, đoàn kết nhau lại để cùng nhau xây dựng, đầu tư phát triển công nghệ hiện đại cho ngành tái chế, đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện nay, ông Huỳnh chia sẻ…
Có thể bạn quan tâm