Với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện Châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam – EVFTA.
Với một nền kinh tế quy mô nhỏ như Việt Nam, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết sẽ có tính thúc đẩy quan trọng đến quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, từ đó tạo ra điểm đến đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh trong khu vực và mở ra cơ hội lớn trong thu hút vốn ngoại vào Việt Nam.
Cánh cửa rộng cho xuất khẩu và thu hút đầu tư
EVFTA được nhiều chuyên gia nhận định là một trong những bước tiến lớn mà Việt Nam đạt được trong quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do bởi tính toàn diện và mức độ mở cửa thị trường.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA được ký kết mở ra cơ hội trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Theo tính toán từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020 và thậm chí là tăng 42,7% (năm 2025) và 44,37% (năm 2030) đồng thời góp phần tăng GDP từ 2,18% - 3,25% (giai đoạn 2019-2023) và tăng 7,07% - 7,72% (giai đoạn 2029-2033).
Đồng tình với những con số trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lý giải, Việt Nam có quan hệ thương mại lớn với EU nên khi EVFTA ký kết thành công sẽ tạo điều kiện cho các ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam (như dệt may, da giày, thủy sản) hưởng lợi lớn. Thêm vào đó, các ngành khác trước đây vốn được bảo hộ mạnh thì nay sẽ mở cửa và tạo sức bật mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
“Đối với kinh tế Việt Nam, xuất khẩu hiện đóng góp tỷ lệ lớn vào trong GDP, do đó khi EVFTA giúp đẩy mạnh xuất khẩu sẽ đồng thời đóng góp vào tăng GDP”, bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.
Cũng theo các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập những cam kết về các biện pháp phi thuế quan này sẽ giúp tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường EU.
“Do đó, dự kiến nếu EVFTA được ký kết và có hiệu lực sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại giữa hai bên. Hiện tại, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng 10 lần trong gần 10 năm qua và đạt khoảng 53 tỷ USD vào năm 2018. EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam; trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 19 của EU trên thế giới, và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Singapore”, các chuyên gia thuộc Trung tâm WTO và Hội nhập nhìn nhận.
Và hành trình hiện thức hóa những giấc mơ
Nhưng, như nhiều chuyên gia nhận định, để hiện thực hóa những cơ hội này là không phải dễ. Và Việt Nam rất có thể lại bỏ lỡ những cơ hội quý giá mà EVFTA mang lại.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bày tỏ quan ngại, với tốc độ ký kết song phương và đa phương như hiện nay, độ mở của nền kinh tế là rất cao trong khi năng lực hội nhập Việt Nam còn thấp. Và dẫn chứng, chỉ số năng lực cạnh tranh do Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng, Việt Nam đang đứng thứ 77/ 140 nền kinh tế thế giới, do đó nếu muốn hiện thực hóa những cơ hội từ EVFTA mang lại cần một quá trình với nhiều nỗ lực cả từ hai phía các nhà quản lý và hệ thống doanh nghiệp.
Tương tự, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng doanh nghiệp Việt khó tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới trong đó có EV FTA do những rào cản đến từ… bên trong.
“Doanh nghiệp đang bị trói ở chỗ không tiếp cận được cơ hội kinh doanh, khó tiếp cận được nguồn lực. Thêm vào đó, nguyên nhân quan trọng nữa là do pháp luật Việt Nam đang thiếu ổn định nên ta có ở mức độ nào đó quyền tự do kinh doanh nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện”, ông Cung nói
Theo ông Cung nằm ở hàng rào bên trong, vì nhiều quy định của Việt Nam còn “tệ hại” hơn hàng rào của EU, đó là điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, điều kiện về môi trường, lao động... có những thứ doanh nghiệp gần như không tuân thủ được, nếu tuân thủ thì chi phí rất cao. Trong khi đó khi nhập khẩu thì EU bao giờ cũng vào kiểm tra xem doanh nghiệp có tuân thủ chính quy định của nước mình hay không.
Có thể bạn quan tâm
20:06, 21/01/2020
18:30, 21/01/2020
04:00, 03/01/2020
Và, khi các doanh nghiệp trong nước không dám chắc chắn về việc thực thi các quy định của pháp luật Việt Nam thì việc bị các nhà nhập khẩu thổi còi hoặc không tiếp tục ký kết hợp đồng là rất lớn.
“Ví dụ như các quy định về làm thêm giờ, quy định về tiêu chuẩn nước thải trong nuôi trồng thủy sản... dù nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị nhiều lần là không phù hợp, quá cao so với điều kiện của Việt Nam, ngặt nghèo hơn các nước trong khu vực..., nhưng các cơ quan quản lý vẫn chưa có điều chỉnh phù hợp”, ông Cung nói.
Vì thế, Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng điều quan trọng vẫn là cải cách môi trường kinh doanh, cải cách tư duy về quản lý chuyên ngành, phải cởi cho doanh nghiệp ở tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, và chỉ cần như thông lệ quốc tế, chỉ cần như đối thủ cạnh tranh chứ không cần hạ thấp tiêu chuẩn.