EVN lỗ 31.000 tỷ đồng: Lỗ do đâu?

THANH BÌNH 13/01/2023 05:00

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần phải làm rõ ràng khoản lỗ trên 31.000 tỷ đồng là ở khâu nào? Do đâu?

>>Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo

Chi phí nhiên liệu tăng cao khiến EVN lỗ trong năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà

Chi phí nhiên liệu tăng cao khiến EVN lỗ trong năm 2022. Ảnh: Hoàng Hà/VNN

Năm 2022, nền kinh tế đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, nên nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Trong năm này, doanh thu toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam vượt kế hoạch, ước đạt 460,73 nghìn tỷ đồng, tăng 4,31% so năm 2021. Doanh thu Công ty Mẹ EVN ước đạt 385,3 nghìn tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021.

Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam lý giải là do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí mua điện của EVN tăng cao đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022, khiến tập đoàn này ước lỗ 31.360 tỷ đồng sau khi đã quyết liệt thực hiện các giải pháp quản trị, cắt giảm hàng loạt các chi phí.

Trước thực tế trên, EVN kiến nghị Ủy ban chính thức xác nhận EVN lỗ do nguyên nhân khách quan. Năm 2023 nếu không được điều chỉnh giá bán lẻ điện, EVN tiếp tục lỗ. Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và các năm tiếp theo, EVN đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về việc sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

EVN kiến nghị Uỷ ban chỉ đạo Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện. Uỷ ban có giải pháp để giảm giá than bán cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước lỗ 31.360 tỉ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỉ giá tăng cao

Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước lỗ 31.360 tỉ đồng do giá nhiên liệu cho sản xuất điện, tỉ giá tăng cao

>>Năm 2023 cần điều chỉnh giá điện phù hợp

>>Bộ Công Thương sẽ cân nhắc việc điều chỉnh giá điện

>>Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

Liên quan đến vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh - cho rằng, cần phải có những tính toán để điều chỉnh giá điện ở mức chấp nhận được. Như muốn có tư nhân làm truyền tải nhưng giá điện truyền tải chúng ta trả cho 1 kWh quá thấp nên nếu phải làm các dự án kéo dài 70-80 năm mới hoàn vốn thì không ai đầu tư.

Còn theo Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, giá điện đang chịu tác động kép từ việc dầu và giá than thế giới liên tục tăng vọt thời gian qua. “Từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu. Nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019, trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt. Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp”. – ông Long nói.

Thế nhưng, dư luận cũng đòi hỏi EVN phải làm rõ khoản lỗ đó là do đâu, khâu nào? Bởi một khi cứ mập mờ không rõ nguyên nhân thì chúng ta sẽ không giải quyết dứt điểm bài toán “lỗ lãi trong đầu tư công”.

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn cho rằng: “EVN cần phải làm rõ ràng khoản lỗ trên 31.000 tỷ đồng là ở khâu nào? Do ai? Do giá mua điện cao khiến kinh doanh bị lỗ, hay lỗ do quá trình truyền tải gây thất thoát lớn hoặc khâu phân phối gây tổn hao và có hay không công tác quản lý yếu kém…”.

Mặc dù phải gánh khoản lỗ khổng lồ thế, nhưng công bằng mà nói trong suốt 3 năm qua mặc cho COVID-19 hoành hành hay biến động nhiên liệu nhưng EVN vẫn không tăng giá điện. Hiện tại, giá bán lẻ điện bình quân năm 2022 là 1.915,59 đồng một kWh. Mức giá này chỉ cao hơn 2,74% so với giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng từ năm 2019, là 1.844,64 đồng một kWh.

Thực tế, không riêng Việt Nam đang chịu những áp lực đầu vào sản xuất, kinh doanh điện. Soi chiếu với các nước bạn trong khu vực, ngay trong tháng 8, Thái Lan thông báo tăng giá điện tới 18% trong 3 tháng cuối năm, Indonesia tăng giá 19%, Philippines tăng giá lên tới 20%, khiến giá điện của quốc gia này cao gấp 2-2,5 lần giá điện Việt Nam.

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2022, cơ quan quản lý của Singapore đã quyết định tăng 30% giá bán lẻ điện so với mức giá 26 cent/kWh hiện nay. Cuối tháng 8, giá điện tại Pháp lên tới 1100 euro/MWh, còn ở Đức lên tới 995 euro/MWh… Theo đánh giá của France24 thì mức giá trên cao cấp 10 lần cùng kỳ năm trước. Tại Anh, cơ quan quản lý năng lượng Ofgem thông báo tăng giá điện và khí đốt lên gấp đôi vào 1/10/2022 vì nhu cầu mùa đông tăng đột biến và khan hiếm nhiên liệu. Cần nói rằng, các quốc gia trên sở hữu nguồn điện hạt nhân rẻ, ổn định và dồi dào, vậy mà họ còn không thể tránh khỏi “bão giá điện”.

Đây là một sự cố gắng rất lớn đến từ tập đoàn EVN, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhân công, giá nhiên liệu đầu vào liên tục tăng phi mã, thậm chí là chạm đỉnh trong thời gian qua. Có điều, EVN vẫn cần cho dư luận một lời giải đáp thỏa đáng về khoản lỗ 31.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải pháp về giá điện đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo

    11:47, 07/01/2023

  • Năm 2023 cần điều chỉnh giá điện phù hợp

    03:00, 05/01/2023

  • Bộ Công Thương sẽ cân nhắc việc điều chỉnh giá điện

    02:20, 04/01/2023

  • Tăng giá điện – Cần đảm bảo hài hòa lợi ích

    11:10, 24/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
EVN lỗ 31.000 tỷ đồng: Lỗ do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO