Đến thời điểm hiện nay, Đại hội cổ đông Eximbank chưa diễn ra xáo trộn gì mới về nhân sự. Đại hội đã thông qua việc bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT duy nhất, nguyên là Tổng Giám đốc NAM A BANK.
Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB-sàn HoSE) diễn ra trong bối cảnh thị trường xuất hiện thông tin sẽ có những thay đổi lớn trong cơ cấu nhân sự Hội đồng Quản trị và Ban điều hành của nhiệm kỳ 2015-2020 với các nhân tố mới.
Theo quy chế đề cử, ứng cử và bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015-2020, số lượng thành viên dự kiến bầu bổ sung tại đại hội cổ đông 2018 chỉ có 1 thành viên. Đó là bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (NamA Bank). Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú được bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank với tỷ lệ biểu quyết 69,89%.
Theo tờ trình Đại hội cổ đông, Eximbank cho biết từ ngày 28/2/2018 đến ngày 7/3/2018, ngân hàng đã nhận được 4 hồ sơ của 4 ứng cử viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank, trong đó có 1 hồ sơ ứng cử viên cập nhật thông tin đã nộp năm 2017.
Ngày 20/3/2018, HĐQT Eximbank đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua 4 nhân sự dự kiến bầu bổ sung này. Tuy nhiên, đến 26/4/2018, trước 1 ngày diễn ra đại hội cổ đông, HĐQT đã nhận được 3 đơn đề nghị của 3 ứng cử viên về việc xin không tiếp tục tham gia ứng cử vì lý do cá nhân. Do đó, bà Lương Thị Cẩm Tú là ứng viên duy nhất.
Như vậy, HĐQT Eximbank hiện chính thức có 10 thành viên trong nhiệm kỳ 2015-2020, trong đó ông Lê Minh Quốc là Chủ tịch HĐQT kiêm Thành viên HĐQT độc lập.
Trước đó, một nội dung nhân sự không được nhắc trong đại hội nhưng lại được thị trường chú ý là Eximbank vừa chính thức bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực sau khi cắt giảm 9 Phó Tổng giám đốc thời gian trước. Ông Nguyễn Cảnh Vinh có thời gian gắn bó thâm niên với Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), từng là Phó Tổng giám đốc của Techcombank trước khi chuyển qua vị Tổng Giám đốc SeaBank 5 tháng và nghỉ từ tháng 2/2018. Theo đó, Ban Tổng Giám đốc Eximbank gồm 8 người.
Theo báo cáo của HĐQT Eximbank, trong năm 2017, ngân hàng đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu kế hoạch được giao với tỷ lệ cao. Kết quả hợp nhất cuối 2017, ngân hàng đạt tổng tài sản 149.370 tỷ đồng, tăng 16% so với 2016 và đạt 99,6% theo kế hoạch. Vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 115.540 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch; tổng dư nợ tín dụng không bao gồm trái phiếu VAMC đạt 101.399 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu chiếm 2,27% tổng dư nợ. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 1.018 tỷ đồng, tăng 160% so với 2016. Trong đó, lợi nhuận đóng góp từ khoản thoái vốn tại STB (Sacombank) là 162,2 tỷ đồng. Hệ số CAR đạt hơn 15%.
Ban kiểm soát Eximbank đánh giá hiệu quả kinh doanh của Eximbank năm 2017 tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp so với mức chung của toàn ngành; nợ tồn đọng nhiều, trong đó vẫn còn một số khoản nợ xấu lớn xử lý chậm; Các chỉ tiêu dịch vụ đi kèm đạt thấp, thậm chí 1 số chỉ tiêu dịch vụ bị sụt giảm do chỉ tập trung tăng quy mô, chưa tập trung vào kiểm soát chất lượng; Các sản phẩm huy động, tín dụng của Eximbank thiếu tính cạnh tranh so với ngân hàng khác.
Năm 2018, cổ đông Eximbank thông qua kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu: Tổng tài sản tăng 19% lên 178.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng 26% lên 148.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng tăng 12% lên 113.560 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế 1.600 tỷ đồng.
Theo ông Lê Văn Quyết - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Eximbank, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức có khả năng thực hiện được. Quý I/2018, lợi nhuận của Eximbank đã được ghi nhận một phần từ khoản thoái vốn STB với 521,4 tỷ đồng. Do phải xử lý nợ tồn đọng và phải xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước, Eximbank tiếp tục thông qua không chia cổ tức năm nay.
Cổ đông Eximbank đã thông qua 11 nội dung theo tờ trình của HĐQT, trong đó có đề xuất thù lao và chi phí hoạt động cho HĐQT và BKS ở mức 2%, ban hành Quy chế quản trị nội bộ Eximbank; Quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT Eximbank và Ban Kiểm soát Eximbank.
Liên quan đến thông tin 2 vụ việc rủi ro tiền gửi là vụ 6 khách hàng gửi hơn 50 tỷ đồng vào Phòng Giao dịch Đô Lương-Nghệ An và vụ khách hàng Chu Thị Bình gửi 245 tỷ đồng vào Chi nhánh Eximbank TP. HCM, Ban điều hành EIB cho biết đây là 2 vụ việc có tính chất tương đồng.
Theo ông Lê Văn Quyết, 2 vụ việc có thể đã bắt đầu và xảy ra từ các năm trước, song thời điểm phát hiện vụ việc xảy ra ở 2017, do đó, HĐQT sẽ chịu trách nhiệm và phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm giải pháp xử lý. Trên tổng thể, sau sự việc, Eximbank đã tăng cường kiểm tra, rà soát lại công tác huy động vốn trong toàn hệ thống và kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài trường hợp của chị Bình và vụ việc ở Đô Lương. Eximbank cũng đã rà soát và cải tiến một số quy định nội bộ để tăng cường công tác quản trị rủi ro hệ thống.
Ông Lê Văn Quyết cũng cho biết trong vòng 2 năm tới, Ban điều hành cam kết đến 2020 sẽ đưa Eximbank giải quyết rốt ráo các vấn đề nợ tồn đọng và củng cố kiện toàn hệ thống để trở lại vị trí của mình trong hệ thống.