Việc doanh nghiệp FDI “đổ bộ” vào Nghệ An ngày càng nhiều đặt ra yêu cầu bức thiết địa phương về nguồn cung nhân lực chất lượng cao…
Thực tế cho thấy, mặc dù là tỉnh có dân số đông, phần lớn trong độ tuổi “vàng” lao động, tuy nhiên nguồn nhân lực đã qua đào tạo lại khá mỏng, chưa đáp ứng đủ yêu cầu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI).
Làn sóng FDI…
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính từ đầu năm nay đến hết tháng 11/2024, Nghệ An thu hút được 15 dự án mới với số vốn đăng ký 691,5 triệu USD và điều chỉnh vốn cho 12 dự án với tổng số vốn 877,16 triệu USD, ngoài ra còn có 1 lượt góp vốn mua cổ phần với giá trị 0,04 triệu USD.
Như vậy, tổng số vốn FDI vào Nghệ An đã đạt 1,5687 tỷ USD, tăng 120,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, đưa tỉnh này trở lại tốp 10 các địa phương trong nước thu hút vốn FDI cao nhất từ đầu năm đến nay. Nghệ An cũng là tỉnh duy nhất trong vùng Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung được ghi nhận trong tốp 10 thu hút FDI 11 tháng đầu năm nay.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An cũng thông tin, quý IV/2024, nhiều dự án FDI trên địa bàn dự kiến đi vào hoạt động. Trong đó, đáng chú ý có Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam giai đoạn 1 với 270 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô Juteng thuộc Tập đoàn Juteng sản xuất 32 triệu sản phẩm/năm.
Bên cạnh đó, một loạt dự án của Công ty TNHH KHKT Luxvisions Innovation sản xuất cụm camera; Công ty TNHH Công nghệ Kersen; Công ty TNHH JTEC Nghệ An sản xuất bộ dây cáp ô tô 417.734 sản phẩm/năm cũng dự kiến chính thức vận hành. Việc các dự án FDI lớn đi vào sản xuất được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy sản xuất công nghiệp của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là trên lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Với việc các dự án FDI đi vào hoạt động, kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời điểm cuối năm 2024 và năm 2025 tăng cao, trong đó năm 2025 sẽ có nhu cầu tuyển dụng trên 40.000 lao động. Dự kiến, nhu cầu sử dụng lao động của những năm tiếp theo, giai đoạn từ năm 2025 - 2029, chỉ tính riêng các dự án FDI có nhu cầu đăng ký sử dụng khoảng 98.701 lao động.
Tuy nhiên, qua khảo sát, một số doanh nghiệp FDI Nghệ An bày tỏ lo ngại trước việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng lao động đã qua đào tạo, có tay nghề để phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như Công ty TNHH công nghệ Everwin: Bắt đầu từ tháng 6/2024, công ty chính thức đi vào hoạt động, song rất khó tuyển dụng những kỹ sư lành nghề có kỹ thuật cao tại Nghệ An. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2024, công ty phải tuyển dụng được 4.000 lao động và đến năm 2026 tuyển dụng được 8.000 lao động. Do đó, việc tuyển dụng lao động đối với công ty rất là áp lực.
Trăn trở “cung không đủ cầu”
Liên quan đến vấn đề này, ngày 5/12, trong phiên thảo luận tại Tổ 2 thuộc Kỳ họp thứ 25, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đại biểu Nguyễn Thị Anh Hoa - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng nêu ra tình trạng tỷ lệ đào tạo nghề cho nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp. Theo bà Hoa, hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp rất lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp. Vậy, các ngành có giải pháp gì tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết vấn đề này, đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển của tỉnh?!
Trả lời nội dung kiến nghị, bà Hồ Thị Châu Loan - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho hay: Công tác này được tỉnh rất quan tâm, bằng việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 14, ngày 25/1/2022 về đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, hàng năm, tỉnh đã tổ chức đào tạo cho khoảng 60.000 - 65.000 người lao động ở các trình độ, qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt hơn 70%, có văn bằng chứng chỉ khoảng 30%.
Mặc dù có cố gắng nhưng hoạt động đào tạo nghề cho lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Nguyên nhân được bà Loan chỉ ra, đó là sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa được thường xuyên và chặt chẽ, lâu dài. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo viên của các cơ sở đào tạo còn hạn chế, khó khăn. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn có lúc chưa sâu sát, thường xuyên; việc khảo sát nhu cầu giữa đào tạo, gắn với giải quyết việc làm có nơi chưa sát.
Đưa ra giải pháp khắc phục, vị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quan tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh năm 2022 về tăng cường công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Phát biểu tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Lãnh đạo tỉnh và các ngành rất trăn trở về vấn đảm bảo nguồn lao động cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI. Vừa rồi, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước doanh nghiệp FDI trên địa bàn để các cấp, ngành, địa phương tham gia quyết liệt nhằm đảm bảo yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn lao động cho các doanh nghiệp.