Quyết định giảm 50 điểm phần trăm lãi suất của FED phản ánh nguy cơ suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp đáng ngại hơn lạm phát.
Cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào ngày 19/9 vừa qua đã thống nhất cắt giảm 50 điểm cơ bản lãi suất. Mức giảm này là một động thái quyết liệt hơn của FED so với dự báo giảm 0,25% trước đây. Nhiều nhà kinh tế cho rằng bất chấp tuyên bố về nền kinh tế “mạnh mẽ”, FED ngày càng lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Trước cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell từng khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn ổn định. Ông Powell nói rằng FED chỉ đang "tái hiệu chỉnh" chính sách tiền tệ sau cú sốc lạm phát trong những năm gần đây, khi nền kinh tế dần phục hồi. Với lạm phát đang dần hạ nhiệt xuống gần mức mục tiêu 2% của FED, ông Powell lập luận rằng, nếu không cắt giảm lãi suất danh nghĩa, lãi suất thực tế sẽ tăng, gây sức ép cho nền kinh tế.
Trong các dự báo kinh tế hàng quý được công bố trong tuần này, các quan chức FED đã nâng mức dự đoán về tỷ lệ thất nghiệp lên 4,4% cho năm nay và 2025, tăng từ mức 4,2% hồi tháng 6. Họ cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong năm nay và 100 điểm cơ bản vào năm 2025.
Ông Powell vẫn tỏ ra lạc quan về tình hình lao động. Ông cho rằng, ngay cả mức tỷ lệ thất nghiệp 4,4% vẫn là thấp trong lịch sử kinh tế Mỹ. Ông còn nhấn mạnh những dấu hiệu tích cực về tỷ lệ tham gia lao động, số lượng việc làm trống, và tỷ lệ nhân viên tự nguyện nghỉ việc, tất cả đều cho thấy thị trường lao động vẫn "mạnh mẽ."
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản cùng với tốc độ nhanh chóng trong dự báo của FED về các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo đã bộc lộ rõ ưu tiên mới của cơ quan này: ngăn chặn tình trạng thất nghiệp gia tăng và đối phó với nguy cơ suy thoái.
Wall Street Journal nhận định rằng các nhà đầu tư dường như đã nhận ra những tín hiệu mâu thuẫn từ FED. Ban đầu, họ đẩy giá cổ phiếu và trái phiếu tăng cao, nhưng sau đó lại rút lui trước khi đóng cửa thị trường chứng khoán Mỹ. Đồng USD giảm cũng là tín hiệu cho thấy nhà đầu tư không hoàn toàn tin tưởng vào các tuyên bố lạc quan của ông Powell.
Nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ hiện nay được nhiều nhà kinh tế nhận định là đáng lo ngại. Đường cong lợi suất đảo ngược là một trong những chỉ số mạnh mẽ nhất cho thấy nguy cơ suy thoái. Từ cuối năm 2022 đến nay, đường cong lợi suất giữa trái phiếu 10 năm và 3 tháng của Mỹ đã bị đảo ngược, với xác suất suy thoái trong 12 tháng tới đạt mức 65%, theo phân tích từ FED New York và FED St. Louis.
Ngoài ra, việc FED nhiều năm duy trì lãi suất cao để kiềm chế lạm phát đang gây áp lực lên nền kinh tế, làm tăng chi phí vay mượn và gây khó khăn cho đầu tư và tiêu dùng.
Dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng sự khác biệt giữa việc cắt giảm 25 hay 50 điểm lãi suất cơ bản sẽ không có tác động tức thời đến nền kinh tế Mỹ hay toàn cầu. Thay vào đó, con số này có thể được sử dụng trong các chiến dịch tranh cử, với các ứng cử viên Tổng thống Mỹ tìm cách lấy lòng cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng sắp tới.
Theo nhiều chuyên gia, FED giảm lãi suất sẽ có một số tác động nhất định đến tỷ giá, lãi suất, xuất nhập khẩu của Việt Nam, cụ thể:
Thứ nhất, FED giảm lãi suất sẽ kích cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và người dân Mỹ, qua đó thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này; đồng thời đẩy dòng vốn FDI vào thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ hai, FED giảm lãi suất sẽ khiến USD giảm giá, làm giảm sức ép tỷ giá USD/VND. Tỷ giá hạ nhiệt, sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu, trong khi tác động không nhiều đổi với xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ ba, FED giảm lãi suất sẽ góp phần làm giảm chi phí vốn nợ và đầu tư bằng ngoại tệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngoài ra, chi phí vốn vay của Chính phủ và doanh nghiệp FDI bằng ngoại tệ cũng giảm một phần.
Thứ tư, FED giảm lãi suất sẽ tác động tích cực đối với thị trường chứng khoán và dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài.