Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú, trong bối cảnh lạm phát đảo lộn toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ được ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát...
>>Phó Thống đốc NHNN: "Không hiểu sao các dự án không vay được"...
Thông tin về hoạt động NHNN 6 tháng đầu năm 2022, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành ngân hàng đã hoạt động theo chỉ đạo, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao.
Trong khi các nước lạm phát lên rất cao, có nước lên mức cao nhất của 40 năm, Mỹ lạm phát tới 8,6%, Anh 9%, Philippines 5,4%, Hàn Quốc 5,4%, Đức 7,04%...; và nguyên nhân lạm phát xuất phát từ 2 vấn đề hậu dịch COVID-19, cùng với đó là tình hình chiến tranh Nga – Ukraine đã gây ra những tác động, có những đảo lộn, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu kể cả các nước lớn; ở Việt Nam chúng ta tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ ổn định, góp phần ổn định giá. Theo Tổng cục Thống kê đến cuối tháng 5, lạm phát là 2,25%; trong đó lạm phát lõi 1,1%, chủ yếu lạm phát ở ra là do tác động về giá, về xăng dầu.
"Đến nay chưa ai có thể nói lạm phát sẽ diễn biến như thế nào trên toàn cầu, nhưng với Việt Nam, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát là vấn đề lớn trong điều hành vĩ mô. Trong đó, vai trò điều hành của Chính phủ và các chính sách vĩ mô; cùng với đó có sự đóng góp của chính sách tiền tệ", Phó Thống đốc cho biết.
Ông cũng khẳng định 6 tháng đầu năm 2022, NHNN đã điều hành tiền tệ, đưa lượng tiền ra phù hợp, đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nền kinh tế. "Sau dịch, nền kinh tế và doanh nghiệp đã khôi phục rất nhanh, theo đó để đáp ứng nhu cầu vốn, việc tập trung vốn sản xuất ưu tiên đã được ngành ngân hàng chú trọng từ đầu năm. Tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng trưởng khá nhanh đạt 8,15%, đến nay có khi đã 8,2%. So với mức tăng của năm ngoái đã tăng gần gấp đôi, phản ánh nền kinh tế rất sôi động, nhu cầu vốn cao, đồng đều ở nhiều lĩnh vực, và đặc biệt có những lĩnh vực khó khăn tín dụng tăng trưởng rất nhanh".
Đối với định hướng điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, trên cơ sở đó, ông Đào Minh Tú cũng cho biết NHNN định hướng điều hành theo hướng ổn định, linh hoạt phù hợp điều kiện thực tế, mục tiêu quan trọng nhất là kiểm soát lạm phát.
"Trong bất cứ Nghị quyết, chính sách nào của Trung ương, của Chính phủ đều nói rằng chúng ta phải cố gắng kiểm soát ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, và chính sách tiền tệ là 1 trong những công cụ quan trọng cho mục tiêu đó, bên cạnh đó còn có chính sách tài khóa và các công cụ khác. NHNN sẽ duy trì điều hành linh hoạt đảm bảo ổn định tỷ giá, kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý. Chúng ta có thể thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất ở mức rất.... giật mình.
NHNN đã xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng 14% từ đầu năm, nhưng cũng có thể tăng hơn 15-16% và cũng có thể điều chỉnh còn 12-13%, vì mục tiêu ưu tiên là kiểm soát lạm phát nhưng vừa phải có vốn cho nền kinh tế, vấn đề là điều chỉnh hướng nào và lúc nào", ông nói.
Chi tiết hơn về vấn đề lạm phát và tỷ giá, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ NHNN bổ sung thông tin: Fed đã tăng lãi suất rất lớn kể từ 1994 trở lại đây, mức lãi suất trung vị Fed (Fed Funds Rate) sẽ ở khoảng 3-3,32%. Ngay sau Fed tăng lãi suất, NHTW Hồng Kong có đồng tiền neo chặt với USD đã lập tức tăng lãi suất, nhóm các ngân hàng vùng Vịnh, Ả Rập, Kuwait, Brazil, Colombia... cũng đều tăng lãi suất. Anh cũng đã tăng lãi suất mới đây. Các đồng tiền thay đổi và một loạt tiền các nước mất giá, trong khi USD-Index dao động tăng 9-10% so với cuối 2021.
"Trong bối cảnh đó, mặt bằng lãi suất của chúng ta chỉ tăng rất nhẹ, và tỷ giá VND/ USD chỉ mất giá nhẹ 2%. Chúng ta bám sát, kiên định, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời hỗ trợ được phục hồi kinh tế. Áp lực thời gian tới về lãi suất và tỷ giá rất lớn trong bối cảnh thay đổi toàn cầu lớn và nhanh, đặc biệt giá dầu biến động, cuộc chiến Nga -Ukraine sau đại dịch với các đợt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đã góp phần đẩy mặt bằng lạm phát cao. Mặc dù áp lực điều hành tỷ giá của NHNN thời gian tới rất thách thức, nhưng chúng tôi tin rằng Chính phủ và NHNN hiện hoàn toàn có khả năng kiểm soát bình quân CPI vẫn ở mức 4% như chỉ tiêu đề ra, và NHNN hoàn toàn đủ dư địa chính sách tiền tệ để kiên định chính sách định hướng hạn chế lạm phát nhập khẩu, hỗ trợ phục hồi kinh tế", ông Quang bổ sung.
Có thể bạn quan tâm