Khi FED tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm trở lại đây, Trung Quốc bắt đầu loay hoay ngăn dòng vốn chảy ra khỏi đất nước và tìm cách nâng đỡ đồng Nhân dân tệ đang suy yếu dần.
>>FED chính thức nâng lãi suất thêm 0,5%
Một trong những sóng gió từ bên ngoài mà các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cảnh báo đã thành hiện thực, với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tuyên bố tăng lãi suất mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ. Động thái tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ lãi suất mục tiêu từ 0,75 - 1% của FED đã được dự kiến và sẽ được thắt chặt hơn nữa vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích dự báo rằng, nỗ lực tích cực của FED nhằm kiềm chế lạm phát cao nhất trong 40 năm sẽ thu hút một lượng lớn vốn quay trở lại Mỹ, điều đó gây áp lực giảm giá mạnh đối với đồng Nhân dân tệ và hạn chế việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Bắc Kinh. Không giống như Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông đã theo sau FED khi công bố mức tăng 50 điểm cơ bản, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) giữ nguyên tỷ giá khi bán khoản Repo trị giá 10 tỷ Nhân dân tệ (1,5 tỷ USD) và nâng mức trung bình hàng ngày của CNY/USD lên 0,8%.
Bà Tan Yaling, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Đầu tư Ngoại hối Trung Quốc nói rằng, sự gia tăng dòng vốn chảy ra là kết quả của việc lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ vượt qua trái phiếu Trung Quốc, có thể được bù đắp một phần nếu Bắc Kinh tăng cường quy định của mình đối với thị trường ngoại hối và có các bước để ngăn chặn sự mất giá quá mức của đồng tiền Trung Quốc.
“Đồng Nhân dân tệ không phải là một loại tiền tệ có thể chuyển đổi hoàn toàn. Các biện pháp kiểm soát ngoại hối nên được thực hiện khi cần thiết, tất cả đều vì mục đích an toàn tài chính”, bà nói.
Theo dữ liệu do Eastmoney.com cung cấp, các nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc xuống 112,5 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 3, sau khi bán 80,3 tỷ Nhân dân tệ một tháng trước đó. Và sau khi dòng tiền ròng 1,9 tỷ Nhân dân tệ thông qua chương trình Kết nối chứng khoán Đại lục-Hồng Kông được báo cáo vào tháng 4, thì có thêm dòng tiền 275 triệu Nhân dân tệ nữa vào ngày giao dịch đầu tiên của tháng 5 sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.
>>Trung Quốc cảnh giác với biện pháp trừng phạt kiểu phương Tây
Chuyên gia kinh tế trưởng của UBS Trung Quốc, Wang Tao dự báo, tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ có thể đạt mức 7,0 CNY/USD vào một thời điểm nào đó, nhưng có thể ổn định ở mức 6,9 CNY/USD vào cuối năm nay. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ của Mỹ thắt chặt, tỷ giá hối đoái Nhân dân tệ cao hơn, nghĩa là phải mất nhiều Nhân dân tệ hơn để mua một đô la Mỹ, cho thấy một đồng tiền Trung Quốc đang yếu hơn. “Hiện PBoC đang tìm cách làm chậm đà giảm giá. Họ có các phương tiện khác để kiểm soát khấu hao, bao gồm cắt giảm thêm dự trữ bắt buộc, giới thiệu lại yếu tố phản chu kỳ trong việc kiểm soát hàng ngày và thắt chặt các dòng vốn chảy ra”.
Còn theo một nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Standard Chartered lưu ý, Bắc Kinh có nhiều công cụ dự trữ để quản lý dòng chảy ra và bảo vệ đồng Nhân dân tệ, nhưng việc Mỹ tăng lãi suất sẽ đè nặng lên khả năng của Bắc Kinh trong việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và chính sách tỷ giá.
“Chúng tôi đang kỳ vọng nhiều nhất là một đợt cắt giảm cơ sở cho vay trung hạn trong tháng này hoặc tháng tới, nhưng hy vọng này đang đóng lại dưới sự phân kỳ của chính sách tiền tệ. PBoC có xu hướng chủ yếu sử dụng các công cụ định lượng và một số cắt giảm lãi suất "được che giấu" để giúp hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của đất nước.
Ví dụ, PBoC đặt tỷ lệ giảm giá đối với hạn ngạch logistics, than và đổi mới công nghệ ở mức 1,75%, thấp hơn tỷ lệ 2% đối với hạn ngạch hiện có cho doanh nghiệp nhỏ và khu vực nông nghiệp. Trong khi đó, nó đã thúc đẩy các ngân hàng quốc doanh hạ trần lãi suất huy động - một động thái sẽ tạo thêm dư địa cho việc cắt giảm lãi suất huy động vốn. Các nhà hoạch định chính sách có xu hướng tránh cắt giảm lãi suất trong trường hợp dòng vốn chảy ra ngoài tăng nhanh. Vì thế Trung Quốc nên tăng cường hỗ trợ chính sách, nhưng cũng nên xem xét điều chỉnh các biện pháp kiểm soát đại dịch của mình. Kích thích tài khóa và tiền tệ sẽ không hoạt động tốt nếu các hoạt động kinh tế không thể được bắt đầu như bình thường”, vị chuyên gia phân tích.
Đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn quyết tâm đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế "khoảng 5,5%" trong năm nay, nhưng đồng thời duy trì chiến lược "zero Covid". Việc FED tăng lãi suất đã khiến mục tiêu tăng trưởng nói trên càng trở nên khó khăn hơn.
Các cú sốc bên ngoài đang được gia tăng trong bối cảnh các yếu tố cơ bản của nền kinh tế suy yếu, bao gồm sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong giai đoạn phong toả cứng nhắc ở một số thành phố lớn, gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát giá cả bởi cuộc chiến Nga-Ukraine.
Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis cảnh báo một lý do khác cho dòng vốn chảy ra tại Trung Quốc chính là “kỳ vọng tăng trưởng”.
Bà ước tính rằng, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang có xu hướng thấp hơn do mất khả năng di chuyển trong bối cảnh khóa cửa, lặp lại sự giảm tốc tăng trưởng gần đây của các ngân hàng đầu tư quốc tế. Bà tán thành lựa chọn hỗ trợ cơ cấu của ngân hàng trung ương, rằng các biện pháp kích thích toàn diện sẽ không cung cấp đủ tài chính cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Chúng ta cần đặt câu hỏi khoản thanh khoản trị giá 530 tỷ Nhân dân tệ sẽ đi về đâu. Mục đích của các khoản tiền như vậy là rất quan trọng”, bà đề cập đến lượng thanh khoản dài hạn mà ngân hàng trung ương đã giải phóng vào hệ thống liên ngân hàng vào ngày 25/4 thông qua việc cắt giảm RRR, với mục đích hỗ trợ nền kinh tế khi đối mặt với ngày càng nhiều sóng gió.
Theo bà, Chính phủ Trung Quốc nên xem xét đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hơn để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương, chẳng hạn như chuyển một số lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước lớn sang các lĩnh vực bị ảnh hưởng, hoặc giảm nhẹ các biện pháp kiểm soát đại dịch.
Có thể bạn quan tâm
04:54, 05/05/2022
11:00, 04/05/2022
04:53, 08/05/2022
04:50, 29/04/2022
04:30, 25/03/2022