Trang fanpage chính thức của hệ thống Fivimart – “Siêu thị Fivimart” vừa cập nhật ảnh đại diện mới, đáng chú ý không còn thương hiệu Aeon đính phía trước.
Sự kiện này khiến cho nhiều khách hàng tỏ ra băn khoăn về việc có phải Fivimart đã “hết duyên” với Aeon? Trên thực tế, những đồn đoán về việc dừng hợp tác giữa Fivimart và AEON đã xuất hiện trên thị trường khoảng 1 tháng nay. Từ đầu tháng 9, báo chí cũng đã đưa tin về việc AEON đăng thông cáo báo chí về việc kết thúc hợp tác với chuỗi siêu thị Fivimart tại Việt Nam sau 4 năm đầu tư không mấy thành công.
Lợi nhuận bào mòn
Cụ thể, AEON đánh giá mối quan hệ với Fivimart không đem lại nhiều hiệu quả. Tập đoàn này sẽ bán đi 30% cổ phần đang nắm giữ tại Fivimart cho bên thứ ba. AEON cho rằng động thái rút vốn khỏi Fivimart sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của tập đoàn này tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
14:46, 20/09/2018
15:47, 01/08/2018
19:06, 13/05/2018
Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon "bén duyên" cùng CTCP Nhất Nam (Fivimart) từ năm 2015 khi tuyên bố mua lại 30% cổ phần.
Đầu năm 2015, tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản tuyên bố mua lại 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, 2 chuỗi bán lẻ siêu thị lớn, một ở phía Bắc và một ở phía Nam của Việt Nam. Đây là một trong những bước đi mới lạ trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn Aeon. Trong 30 năm bước chân ra thị trường quốc tế, Aeon nổi tiếng với chiến lược tiếp cận một mình. Tập đoàn không liên doanh, liên kết với hãng bán lẻ nội nào, hướng đi của Aeon là tự phát triển chuỗi siêu thị riêng.
Tuy nhiên, riêng tại Việt Nam, hãng bán lẻ Nhật đã chọn phương án liên doanh với đối tác bản địa. Chủ tịch Aeon, Motoya Okada lý giải, việc liên doanh với 2 chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam sẽ giúp Aeon có thể phát triển nhanh chóng tại đây, cũng như tạo bàn đạp tại thị trường Đông Nam Á. Còn với Fivimart và Citimart, hai chuỗi siêu thị này kỳ vọng liên doanh sẽ giúp hệ thống chuỗi ngày càng phát triển hơn khi được hỗ trợ từ hệ thống quản trị của người Nhật.
Sự “kết duyên” này được coi là chuyện bình thường trong thế giới hội nhập song, theo “linh cảm” của những chuyên gia am hiểu về hoạt động của các nhà bán lẻ nội thì sự kết hợp này cũng không phải không tiềm ẩn những nguy cơ.
Việc hợp tác với AEON được kỳ vọng sẽ giúp Fivimart thay đổi việc quản lý hệ thống, hỗ trợ gắn kết thương hiệu, thay đổi phương pháp điều hành và mở rộng hệ thống rõ rệt. Tuy nhiên trên thực tế lại không đạt kỳ vọng này.
Báo cáo tài chính của Fivimart cho thấy, giá vốn bán hàng của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp là năm 2016-2017 đều ở trên mức 1.000 tỷ đồng, bằng 80% doanh thu, do đó, lợi nhuận bị bào mòn chỉ còn vỏn vẹn hơn 242 tỷ đồng (năm 2017). Các khoản chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lên đến gần 272 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 11,8 tỷ đồng trong năm 2017.
Lỗ tăng đột biến
Sự xuất hiện của siêu thị Fivimart bên trong các trung tâm thương mại Aeon Mall cùng với logo chung vừa giúp tăng doanh số bán hàng, vừa là lời đảm bảo uy tín, “chất lượng Nhật Bản” của hàng hóa được bày bán bên trong. Mặc dù vậy, 2 năm sau ngày hợp tác, kết quả Fivimart và Citimart thu được là những khoản lỗ lũy kế tăng đột biến.
Thời điểm mới bắt tay hợp tác năm 2015, Fivimart có 10 siêu thị, và hiện đã tăng lên 23 siêu thị. Doanh thu năm 2015 chỉ là 1.075 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.269 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm đầu tiên hợp tác – năm 2015, Fivimart báo lỗ 60 tỷ đồng và đến năm tiếp theo số lỗ đã lên 96 tỷ đồng. Trong năm 2017, Fivimart lỗ 23 tỷ đồng, kéo theo số lỗ lũy kế lên tới 197 tỷ đồng.
Yếu tố chính khiến Fivimart thua lỗ đến từ chi phí quản lý doanh nghiệp rất lớn, cao hơn cả lợi nhuận gộp từ bán hàng hóa trong siêu thị. Cụ thể, năm 2016, chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 280 tỷ đồng trong khi lãi gộp chỉ là 183 tỷ đồng.
Điều tương tự đã diễn ra trong năm trước đó. Tình hình hoạt động của Citimart cũng khá tương đồng với Fivimart khi doanh thu của chuỗi siêu thị này có tăng trưởng khoảng 15%, đạt gần 1.600 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, Citimart cũng báo lỗ tổng cộng 123 tỷ đồng trong các năm 2015 và 2016. Đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 157 tỷ đồng. Đáng chú ý là ngoài hoạt động thua lỗ, cả hai công ty này đều đang có vay nợ lớn ở các ngân hàng. Đến cuối năm 2016, tổng nợ và thuê tài chính của Fivimart là gần 700 tỷ đồng còn Citimart là hơn 710 tỷ đồng.