Uyên Trần thành lập TômTex với ý tưởng tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra loại vật liệu sinh học thay thế da, hướng tới sản phẩm thời trang thân thiện với môi trường.
>>Forbes Under 30 Asia 2022: CEO Nguyễn Văn Thanh cùng hành trình với VinBus
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những gương mặt xuất sắc dưới tuổi 30 tại châu Á năm 2022 lần thứ 7 (The Forbes Under 30 Asia Class of 2022). Một trong 5 đại diện của Việt Nam góp mặt trong danh sách này là nhà thiết kế, nhà nghiên cứu vật liệu Uyên Trần - đồng sáng lập TômTex. Tháng 2 vừa qua, Uyên Trần cũng có mặt trong danh sách 25 người trẻ lọt top Under 30 năm 2022, do Forbes Việt Nam công bố.
Uyên Trần sinh ra tại Đà Nẵng, sống và làm việc ở Mỹ được 10 năm. Tốt nghiệp thạc sĩ ngành thiết kế thời trang tại Parsons The New School of Design, trường đại học chuyên về nghệ thuật và thiết kế lớn nhất tại New York, Mỹ. Uyên Trần được biết đến là nhà nghiên cứu vật liệu và thiết kế thời trang, từng làm việc tại các hãng thời trang như Ralph Lauren, Alexander Wang và Peter Do.
Niềm yêu thích và khởi nguồn theo đuổi con đường kinh doanh thời trang bền vững của Uyên Trần đến từ những điều thân thuộc gắn bó với quê nhà. Chính những gì mà nhà sáng lập TômTex luôn mỗi nỗi “đau đáu” trong lòng với quê hương đã thúc đẩy hành trình nghiên cứu vật liệu thân thiện với môi trường.
“Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Nẵng - nơi có rất nhiều rác thải dệt may cũng như quần áo cũ. Mình đã mặc đồ “second-hand” trong suốt quãng thời gian trưởng thành và hầu như tất cả những món đồ đó đều đến từ các quốc gia châu Âu và Mỹ” - Uyên Trần chia sẻ.
Tuy nhiên, chứng kiến việc những món đồ cũ đôi khi sẽ không được xử lý đúng cách hoặc không ai muốn mua lại, dẫn tới việc ô nhiễm trầm trọng bởi rác thải của ngành dệt may đã khiến Uyên Trần có những trải nghiệm “không mấy vui vẻ".
“Một trong những lý do việc xử lý những 'chất thải' này trở nên quá sức với đất nước đang phát triển thời điểm đó chính là sợi vải tổng hợp - chất liệu nền phổ biến không thể tự phân hủy sinh học”, nhà sáng lập TômTex nói thêm.
Là một nhà nghiên cứu vật liệu, Uyên Trần cho biết, chất thải của ngày hôm nay hoàn toàn có thể trở thành nguồn tài nguyên thô cho tương lai. Bên cạnh đó, hành tinh của chúng ta đang được vận hành với nhiều điểm bất cập. Nguồn tài nguyên tạo hóa ban tặng có giới hạn và thật đáng buồn khi chúng ta đang dần chạm tới thời điểm những món quà thiên nhiên ấy bắt đầu có dấu hiệu cạn kiệt.
>>Forbes Under 30 Asia 2022: "Bông hồng cá tính" của làng Tattoo Việt
Sự nghiệp của Uyên Trần chỉ mới bắt đầu với TômTex. Công ty tập trung sản xuất thế hệ chất liệu sinh học mới đến từ hai nguồn nghiên cứu chính là Chitin (được dẫn xuất từ vỏ thủy/hải sản và sợi nấm) song song với bã cà phê. Với hai vật liệu này, TômTex sẽ tồn tại dưới hình thức một nhà cung cấp sản phẩm da thân thiện với môi trường cho thời trang, thay thế da động vật và da tổng hợp.
Ý tưởng độc đáo khiến Uyên Trần tìm ra phương pháp tái sử dụng phụ phẩm vỏ tôm kết hợp bã cafe thành chất liệu thay thế cho da bắt nguồn từ sự quan sát tỉ mỉ với môi trường. TômTex đang ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển, nhận đầu tư 1,7 triệu đô la Mỹ với trị giá công ty 10 triệu đô la Mỹ. Uyên cho biết khoảng 500 nhãn hàng thời trang, nội thất, thiết bị công nghệ và xe hơi liên lạc yêu cầu hỗ trợ sản phẩm.
Nhà sáng lập TômTex chia sẻ, sản phẩm da TômTex được kì vọng sẽ có thể thương mại hoá vào năm 2024. Tuy nhiên, với mục tiêu phát triển thương hiệu, TômTex sẽ mở rộng việc kinh doanh và lấn sân sang các lĩnh vực công nghiệp khác như hàng tiêu dùng công nghệ, thiết bị nội thất và bao bì.
Có thể bạn quan tâm