Cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân bị làm giá sau đó mất thanh khoản, giảm 81% giá trị vốn hóa khiến 13 công ty chứng khoán bị thiệt ước tính 200 tỷ đồng.
Vụ việc trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về rủi ro của nghiệp vụ cho vay cầm cố cổ phiếu (margin) tại các công ty chứng khoán.
Những câu chuyện cũ
Tại Công ty Chứng khoán SSI, nhân viên môi giới mới thường được nghe lại câu chuyển kể từ năm 2010 khi cổ phiếu AAA mới niêm yết, một số cổ đông lớn của AAA đã mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán (CTCK), giao dịch cổ phiếu sôi động sau đó rút tiền ra để lại cho CTCK lượng cổ phiếu bị mất giá, mất thanh khoản.
Bài học bị thiệt hại trực tiếp khiến SSI quyết định không thực hiện cấp margin cho những đội có dấu hiệu lái giá và công ty này cũng cho ra đời phòng quản trị rủi ro, chuyên đánh giá sức khỏe doanh nghiệp trước khi cấp vốn margin.
Một số mã cổ phiếu khác như MTM, CDO… từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kết luận có chuyện làm giá cũng có diễn biến giá tương tự câu chuyện trên.
Diễn biến giá cổ phiếu CDO
Ðể thực hiện việc rút tiền từ thị trường, nhà đầu tư/cổ đông công ty sẽ mở tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu mục tiêu. Có tài khoản có cổ phiếu, có tài khoản có tiền và mỗi tài khoản đều được cấp margin tương đương 50% giá trị tài khoản.
Ví dụ, nếu nhà đầu tư nộp vào tài khoản 100 tỷ đồng sẽ được cấp thêm 50 tỷ nữa để giao dịch.Sau một thời gian giao dịch đẩy đưa, vốn margin sẽ tiếp tục được cấp thêm dựa vào giá trị giao dịch thực tế.Sau đó, nhà đầu tư sẽ giao dịch đẩy hết cổ phiếu về một tài khoản và rút hết tiền, gồm cả vốn gốc và vốn được cấp của CTCK từ tài khoản mua (tại CTCK khác) rồi lặng lẽ rời sàn.Trong hoàn cảnh này, các CTCK sẽ “ôm” tài khoản của nhà đầu tư, trong đó có một đống cổ phiếu mất giá và mất cả thanh khoản.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 20/09/2019
11:01, 19/09/2019
Ở trường hợp cao tay hơn, nhà đầu tư sẽ tất toán giao dịch và rút vốn ra khi giá cổ phiếu đang ở trên đỉnh.
Số tiền rút ra đủ để trả tiền vay cho CTCK và “hất” lại rủi ro cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ, thích chơi những cổ phiếu nóng mua sau.
Cũng có trường hợp cả nhà đầu tư làm giá và cả CTCK đều bị thiệt hại vì những diễn biến bất ngờ của thị trường khiến kịch bản đẩy giá cổ phiếu không thành công.
Tuy nhiên, cái kết thông thường của những vụ việc này là CTCK lặng lẽ “ôm” đống cổ phiếu nhà đầu tư để lại và âm thầm xử lý khắc phục dần.
Diễn biến giá cổ phiếu HDO
Khoảng hở margin
Vụ việc FTM nổ ra “chạm” không chỉ vào túi tiền của 13 CTCK, mà còn làm tổn thương uy tín của các công ty này, nên không công ty nào muốn lộ danh tính trên báo chí.
Có CTCK lớn, có CTCK nhỏ, nhưng đến 13 công ty cùng bị dính vào 1 mã, cùng đứng trước nguy cơ mất trắng 200 tỷ đồng, đang là câu chuyện gây xôn xao toàn thị trường chứng khoán.
Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một CTCK cho biết, trước FTM, nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra, nhưng chưa vụ nào gây hậu quả cho CTCK “đau” như vụ này.
Các vụ trước, nỗi đau dồn lên nhà đầu tư đến sau do đội lái kịp thoát hàng qua sàn, chứ không để đọng cổ phiếu trong tài khoản margin tại CTCK.
Trong số 13 CTCK dính chuyện với FTM, không có tên SSI, HSC. Trải qua nhiều bài học thương trường, SSI và HSC đã siết lại chính sách cho vay margin, kiểm soát rủi ro theo từng mã.
Tìm hiểu của Ðầu tư Chứng khoán được biết, tại HSC, tiêu chí cho vay margin được thực hiện nghiêm ngặt dựa trên các quy định: cho vay một mã không quá 10% vốn chủ sở hữu của HSC; cho vay 1 khách hàng không quá 3% vốn chủ sở hữu HSC; cho vay tối đa 5% khối lượng cổ phiếu của một tổ chức phát hành.
Ngoài quy định trên, HSC chủ trương lựa chọn những cổ phiếu có cơ bản kết quả kinh doanh tốt, thanh khoản cao, không chấp nhận các cổ phiếu có dấu hiệu làm giá và đặc biệt chỉ tập trung chủ yếu vào rổ cổ phiếu trong chỉ số VN30.
Hiện nay, rổ cho vay margin của HSC công bố có khoảng 150 mã, nhưng thực cho vay chỉ tập trung vào 100 mã tốt nhất thị trường.
Danh mục cho vay margin toàn thị trường được đánh giá hàng tháng để cập nhật vào rổ.
Ðể tránh các rủi ro nghiệp vụ và con người, HSC còn thực hiện 2 lớp phòng vệ: quét danh mục trong giờ giao dịch và quét danh mục sau giờ giao dịch, để không bỏ sót rủi ro.
Quý III/2016, khi thị trường có làn sóng đầu tư vào các cổ phiếu nóng như FLC, ROS và dòng tiền tập trung vào các mã nhỏ, dễ làm giá, bức tranh thị phần môi giới ở các công ty lớn đã sự suy giảm đáng kể do các công ty này kiên quyết không cấp margin cho các mã nóng.
Tuy nhiên, sự chặt chẽ của một số CTCK đã giúp họ tránh được rủi ro mất tiền khi thị trường bung vỡ vụ làm giá MTM và CDO. Với các công ty nhỏ, chịu áp lực thị phần và lợi nhuận, nhiều CTCK đã không giữ được mình trong vùng cho vay an toàn.
Một số công ty theo đuổi các thương vụ cho vay lớn, tức cấp margin cho nhà đầu tư lớn vượt ngưỡng, không phân biệt cổ phiếu doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
Nhân viên của công ty đem về các nhu cầu vay lớn về, tức các hợp đồng mở tài khoản giao dịch của cổ đông nhà đầu tư lớn, lãnh đạo CTCK “soi” chính là lượng tiền nhà đầu tư nộp vào tài khoản bao nhiêu, giá trị giao dịch mỗi ngày và đóng góp thị phần bao nhiêu để quyết định cấp margin.
Một số CTCK dành ngân sách dành riêng để mời chào các nhóm cổ đông lớn về mở tài khoản giao dịch với “mồi” là chế độ cấp margin cao, lãi suất thấp. Việc này giúp các nhóm cổ đông giao dịch cổ phiếu kiếm lời ngắn hạn.
Câu chuyện FTM một lần nữa cũng cho thấy kiểm soát rủi ro tại nhiều CTCK là có vấn đề và thị trường chưa có hệ thống liên thông để CTCK này biết thông tin cấp margin cho một mã cụ thể của các công ty khác.
FTM chỉ là doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng khi doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh, cổ phiếu không được margin, đã châm ngòi cho chuỗi giảm sàn 24 phiên liên tiếp tính đến ngày 18/9 và lộ ra câu chuyện 13 CTCK có nguy cơ mất trắng 200 tỷ đồng tiền cho vay.
Nhiều mã cổ phiếu lớn hiện đang được giữ giá trên sàn bằng dòng tiền margin, nếu một ngày kịch bản xảy ra như tại FTM thì điều gì sẽ xảy ra với thị trường, với các CTCK lỏng tay cho vay margin?
FTM là bài học chưa bao giờ cũ.