Khoảng 1.000 doanh nghiệp có các khoản chịu thuế áp theo lãi vay vượt trần như quy định tại Nghị định 20/2017/NQ-BTC, sẽ được hồi tố bù trừ tiền thuế...
Thủ tướng Chính phủ vừa có ký kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ với nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm, ký tắt dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành Nghị định trong ngày 20/4/2020.
Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực tham nhũng, lợi ích nhóm khi xử lý hồi tố theo quy định của Nghị định.
Để có được kết quả này, phải nhìn lại hành trình dài đầy khó khăn của hàng loạt doanh nghiệp thuộc nhóm đối tượng chịu điều chỉnh của Nghị định. Tại Khoản 3, Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”.
Vì vậy, từ kỳ tính thuế 2017-2018, các doanh nghiệp có chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của doanh nghiệp thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động mà phải áp chịu "thuế trong thuế". Bởi doanh nghiệp có các hoạt động giao dịch liên kết, đa phần là ở các lĩnh vực cần vốn đầu tư lớn như bất động sản, công nghệ cao, công nghiệp nặng, chứng khoán, ngay cả các đơn vị Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực điện, năng lượng, xây dựng, đều khó tránh "bẫy" khống chế chi phí lãi vay. Điều này đã gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
11:34, 19/04/2020
14:59, 18/04/2020
06:18, 11/04/2020
08:00, 09/04/2020
12:00, 07/04/2020
Ngay khi được áp dụng vào kỳ tính thuế 2018, các doanh nghiệp đã đồng loạt kêu cứu vì những bất cập về việc khống chế chi phí lãi vay. Từ đó đến nay, doanh nghiệp, chuyên gia đã liên tục có các thông tin kiến nghị, thậm chí kêu cứu, phân tích mổ xẻ quy định tại Nghị định là trái với quy định của luật, hạ gục "quyết tâm" phát triển, mở rộng quy mô của doanh nghiệp, là áp dụng nhầm đối tượng (Nghị định 20 được đặt ra ban đầu với mục tiêu nhằm chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp đầu tư xuyên quốc gia)... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân quy mô tập đoàn, hoạt động theo mô hình mẹ -con, đã "khóc ròng" với quy định tại Nghị định 20, cho rằng quy định "ép kiệt" doanh nghiệp vì doanh nghiệp phải chịu thuế trên lãi vay vượt "phi lý"...
Trước phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính đề xuất nội dung và thời điểm sửa đổi, bổ sung Nghị định 20/2017/NĐ –CP. Những phiên họp, nhắc nhở của Lãnh đạo Chính phủ với Bộ Tài chính trong năm đã dẫn đến dự thảo sửa đổi quy định áp mức chi phí lãi vay vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp để nộp thuế theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.Theo đó, tại dự thảo từ lần 1 sang lần 2, Bộ Tài chính đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.
Tuy nhiên, tờ trình về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết được trình Chính phủ vào tháng 2/2020 của Bộ Tài chính vẫn giữ lại quy định tăng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30% EBITDA, bỏ quy định hồi tố. Dự thảo sửa đổi Nghị định chỉ áp dụng cho kỳ tính thuế 2019 mà không xác định lại các khoản chi phí lãi vay đã áp dụng theo quy định của khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 cho kỳ tính thuế năm 2017, 2018, đồng thời bỏ nội dung chuyển tiếp chi phí sang các năm tiếp theo. Dự thảo này khiến cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị và cho rằng cần hồi tố đúng luật, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp; trong khi Bộ Tài chính lo ngại nếu hồi tố có thể sẽ dẫn đến cơ chễ xin-cho và ngân sách 2020 không có khoản dự phòng cho chuyện đó.
Sau hơn 2 năm ròng mong đợi, quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ không chỉ có ý nghĩa mừng vui đối với khoảng gần 1.000 đơn vị trong diện sẽ được bù trừ thuế theo kỳ nghĩa vụ thuế kế tiếp như quy định mới nhất; mà giúp hàng loạt doanh nghiệp nói chung đều sẽ nhẹ gánh lo trong kỳ tính thuế tài chính 2019 đang được tạm giãn hiện nay. Quan trọng hơn, đây là bước cải tổ mới để một mặt, doanh nghiệp sẽ được gỡ bỏ việc khống chế trần lãi vay hạn hẹp, có thêm dư địa vốn vay làm đòn bẩy để tăng sức cạnh tranh mà không lo "trần thuế", mặt khác, là sự phản ánh "luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu" của Chính phủ kiến tạo -một nền tảng vô cùng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp được rộng sức tham gia tái khởi động kinh tế hậu COVID-19.