Đầu tư công với hàng loạt dự án trọng điểm và nhiều yếu tố thuận sẽ hỗ trợ giúp phát huy vai trò “đầu kéo” - động lực cho tăng trưởng GDP đạt mục tiêu trên 8% trong năm 2025.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, đầu tư công năm 2025 xấp xỉ gần 900.000 tỷ đồng. Các nguồn vốn đến từ: Vốn bố trí năm nay tăng lên so với năm 2024 khoảng 108.000 tỷ đồng, cộng với vượt thu ngân sách khoảng 331.000 tỷ đồng. Sau khi trích cho phần cải cách tiền lương, còn khoảng hơn 158.000 tỷ để bổ sung vào đầu tư của năm nay.
Gần 900.000 tỷ đồng là con số vốn đầu tư kỷ lục tính theo năm của giai đoạn 2021-2025. “Đây là động lực thúc đẩy, kéo các nguồn đầu tư khác để tạo động lực tăng trưởng”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Cũng trong năm 2025, đầu tư công được đánh giá có nhiều thuận lợi để thoát tình trạng ì ạch giải ngân. Trong đó, điểm đặc biệt là theo kế hoạch, Chính phủ có nhiều dự án trọng điểm đặt mục tiêu hoàn thành trong năm nay. Cụ thể như mục tiêu thêm 1.000km đường cao tốc trong 2025, để đến 2030 đạt 5.000km đường cao tốc; triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam hơn 67 tỷ USD; tuyến đường sắt từ TPHCM xuống Cần Thơ để kết nối với các cảng; 3 tuyến đường sắt phía Bắc kết nối với Trung Quốc… Hay ở lĩnh vực hàng không, cơ quan quản lý đặt mục tiêu đưa vào sử dụng nhà ga hành khách T3 - Tân Sơn Nhất trước ngày 30/4/2025; triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đáp ứng tiến độ yêu cầu và có thể đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 sớm hơn…
Về chủ trương, tại Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay các dự án.
Công điện kế tiếp số 14/CĐ-TTg ngày 11/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức đoàn công tác của các Thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xuất nhập khẩu, các chương trình mục tiêu quốc gia, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng năm 2025, tiếp tục chỉ đạo các nội dung cụ thể. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ định kỳ hàng quý (hoặc khi cần thiết) tiếp tục tổ chức đoàn công tác làm việc với các địa phương, tập trung đôn đốc triển khai thực hiện các kịch bản tăng trưởng của từng địa phương năm 2025 đã được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng của cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 02 con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Đặc biệt chú ý hướng dẫn các địa phương thúc đẩy giải ngân đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ…. Kiểm tra, đôn đốc xây dựng các kịch bản tăng trưởng theo quý của các địa phương để đạt mục tiêu cả năm. Đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa chuỗi sản xuất để tháo gỡ đầu ra cho sản xuất kinh doanh…
Chủ trương đi cùng quyết tâm và nguồn lực cụ thể trong không gian nợ công không bị áp lực cao, bội chi ngân sách sẵn sàng được nới thêm từ nền chi thấp, Chính phủ cũng sẵn sàng “hy sinh” một phần lạm phát để đẩy mạnh nguồn lực đầu tư và kéo các nguồn đầu tư khác, đi cùng còn có Luật đầu tư công hiệu lực chính thức từ 1/1/2025... Theo đó, các chuyên gia kỳ vọng bức tranh giải ngân đầu tư công năm 2025 sẽ trở thành điểm sáng nhất của giai đoạn 2021-2025 cũng như trở thành lực kéo chính của tăng trưởng kinh tế.
"Chính phủ chấp nhận mức lạm phát và bội chi ngân sách cao hơn để dồn nguồn lực cho đầu tư phát triển.... Trọng tâm sẽ là các dự án cơ sở hạ tầng, nhằm tạo động lực lan tỏa cho toàn bộ nền kinh tế.
Đầu tư công được kỳ vọng sẽ là một trong những động năng chính của tăng trưởng năm 2025. Quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng ở nhiều ngành khác”, nhóm chuyên gia SSI nhận định.
Theo Khối Nghiên cứu của VDSC, có 4 yếu tố mới trong đầu tư công năm nay, gồm: 1) Chi đầu tư phát triển (với tỷ lệ giải ngân 95%) ước tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2024, 2) Luật pháp liên quan đến đầu tư công sửa đổi đi vào thực tiễn, 3) Cải cách tinh gọn bộ máy, và 4) Năm 2025 là năm cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025.
“Năm 2025 là năm cuối của chu kỳ đầu tư công trung hạn 2021-2025. Trong 2 chu kỳ đầu tư công gần nhất, tốc độ tăng trưởng của năm cuối chu kỳ luôn vượt trội so với tốc độ tăng bình quân của cả giai đoạn.
Kế hoạch đầu tư công năm 2025 được bổ sung từ nguồn tăng thu ngân sách và chưa sử dụng hết từ các năm trước và các dự án được thêm mới vào mục tiêu đầu tư công trung hạn. Quy mô dự kiến tăng 10,5% so với ước thực hiện năm 2024 trong kịch bản giải ngân được 95% kế hoạch”, các chuyên gia VDSC kỳ vọng kết quả giải ngân tích cực ở chặng đích.
Nhìn nhận đầu tư công năm 2024 còn chậm và thấp, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, đầu tư cùng xuất nhập khẩu và tiêu dùng sẽ 3 động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.
“Nếu muốn tạo bứt phá trong năm 2025, cần quyết liệt tập trung đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư tư nhân. Đặc biệt, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tới chính là khu vực kinh tế tư nhân. Do đó phải tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông nhấn mạnh.