Lì xì là một nét đẹp văn hóa, mang lại niềm vui trong ngày đầu Xuân. Thế nhưng, nét đẹp này đang dần bị biến tướng, nhiều người đã quên ý nghĩa của lì xì mà chỉ so bì chuyện nặng - nhẹ, thiệt - hơn…
Dịp Tết Nguyên đán, người dân ở các quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore có truyền thống tặng tiền mừng tuổi. Dù tên gọi và cách thức trao tặng có chút khác nhau ở mỗi nước, lì xì đều mang ý nghĩa chung là cầu mong sự may mắn, bình an cho người thân yêu trong năm mới.
>>Tục “lì xì” đầu năm đang bị mai một, biến tướng
“Ám ảnh” chuyện lì xì
Tuy nhiên, việc tặng lì xì đôi khi biến tướng, trở thành thước đo của lòng yêu quý hay mức độ tôn trọng. Năm nay, khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì việc mừng lì xì bao nhiêu đang trở thành áp lực đối với nhiều người.
Chị Hảo (40 tuổi, cán bộ một cơ quan trên địa bàn huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) chia sẻ câu chuyện đáng buồn của mình vào dịp Tết. Theo đó, chị Hảo cho biết, Tết năm 2023 vừa qua, chị dự tính sẽ mừng con cháu trong nhà 100 nghìn đồng. Còn các cháu trong họ hàng thì chỉ mừng 20 nghìn đồng.
"Biết là số tiền 20 nghìn đồng so với hiện nay thì chẳng đáng là bao, nhưng kinh tế mình còn eo hẹp, tết nhất lại phải lo đủ thứ nên không thể mừng được cao hơn. Để cho đỡ ngại, mình bỏ hết tiền vào phong bao lì xì. Vậy mà vài lần, bọn trẻ đã bóc ngay trước mặt mình và mọi người, sau đó nó chê 20 nghìn ít quá, cháu chẳng lấy đâu", chị Hảo kể.
Trước tình huống khó xử này, chị không biết phải làm gì, chỉ biết cười trừ cho qua. Còn bố mẹ bé cũng xấu hổ không kém, vội vàng nhặt phong bao lên rồi nói lời cảm ơn chị Hảo.
Cũng đang trong tình trạng buồn phiền vì tiền lì xì, anh Mùi (37 tuổi, Hà Nội) băn khoăn không biết mừng tuổi bao nhiêu cho mọi người mới là hợp lý. Anh Mùi cho biết: "Năm nay cơ quan mình cắt tiền thưởng Tết nên bỗng dưng khoản chi cho ngày Tết mất đi một nửa. Hàng năm tiền lì xì cho bố mẹ, ông bà và các cháu cũng tốn kha khá, bởi bây giờ mọi người thường nhìn vào số tiền mình bỏ ra để đánh giá xem mình có chân thành hay không.
Có lần mình mừng nhiều thì họ khen mình sộp quá, yêu chú Mùi nhất. Năm khác tiền ít thì họ lại bảo giàu mà keo kiệt. Vậy nên Tết không hề vui vẻ như mình mong và lì xì không đơn giản chỉ mang ý nghĩa chúc may mắn như lời đồn đại trong truyền thuyết", anh Mùi chia sẻ.
>>Cờ bạc vui xuân coi chừng “mất Tết”
Mỹ tục đã biến tướng
TS Đinh Đức Tiến, khoa Lịch sử, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Trước đây, ở miền Bắc, tục này có tên gốc là mừng tuổi. Nhưng về sau, do sự giao lưu văn hóa và ảnh hưởng ngôn ngữ phía Nam - nơi có cộng đồng người Hoa đông đảo, nên người Việt quen gọi là lì xì”.
Người Việt Nam theo tục lệ cổ truyền, con cháu phải mừng tuổi ông bà trước. Cứ vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, con cháu trong nhà lần lượt nói lời chúc tết, chúc thọ và tặng quà hoặc tiền cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền gọi là lấy may và mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.
“Số tiền lì xì đựng trong phong bao đỏ mang tính biểu trưng nhiều hơn là số lượng. Ý nghĩa chính không nằm ở “tiền” mà quan trọng là ở thông điệp, con cháu chúc ông bà "bách niên giai lão". Ông bà mong con cháu làm ăn phát đạt, ăn nên làm ra, trẻ em thì chăm ngoan, hay ăn chóng lớn”, TS Đinh Đức Tiến giải thích. Đặc biệt, theo quan niệm dân gian, tiền dùng để lì xì phải là tiền mới, và tiền phải được làm từ chính mồ hôi nước mắt, bằng chính công sức lao động chân chính.
Không thể phủ nhận, lì xì là một phong tục đẹp của văn hóa Việt. Nhưng trong quá trình vận dụng, phong tục này bị con người lợi dụng, biến tướng, nên nhiều khi, tiền mừng tuổi mang ý nghĩa xấu.
“Phong tục không xấu, nhưng chính hành động cá nhân đã làm phương hại đến hình ảnh của phong tục. Lấy cớ mừng tuổi, nhưng thực chất là hối lộ, nịnh nọt hoặc tặng, biếu theo ý nghĩa xấu. Điều này hoàn toàn do tư duy lệch lạc của con người, bóp méo, làm sai ý nghĩa tục mừng tuổi ban đầu”, TS Đinh Đức Tiến nhận định về thực trạng lì xì hiện nay.
Tục lì xì nhiều khi đã biến thành cái “cớ” để nhân viên tặng quà sếp với hy vọng sang năm mới được thăng quan, tiến chức, hay đơn giản là để gây dựng mối quan hệ làm ăn… Tiền mừng tuổi cũng không đơn thuần thay cho những lời chúc tốt đẹp đầu năm, mà còn ngầm chứa nhiều mục đích, toan tính cá nhân,…
Nghiêm trọng hơn, thói thực dụng của người lớn qua việc “thương mại hóa” tục lì xì đã vô tình “lây” sang con trẻ. Cầm trên tay tờ 5000, 10.000 đồng tiền mừng tuổi, đứa trẻ 4-5 tuổi cũng có thể tỏ rõ thái độ buồn bực, không vừa lòng. Thấy con trẻ đưa lại tờ tiền lẻ người khách mới mừng, cha mẹ chỉ nhếch môi mà không có một lời cám ơn. Hóa ra tiền mừng tuổi thời nay không nằm ở tấm lòng, ở ý nghĩa mà chủ yếu nằm ở “sức nặng” của đồng tiền bên trong.
Nhiều khi, chỉ một câu nói tếu táo, nửa đùa nửa thật của người lớn cũng đủ in sâu vào tiềm thức con trẻ những quan niệm lệch lạc. Chuyện “chọn tờ tiền xanh, tờ tiền đỏ” hay “tờ này đẹp hơn”,… chỉ cần lặp lại một vài lần. Lần sau, nếu ai mừng tuổi, đứa bé sẽ có sự so sánh thiệt hơn. Cứ thế, không biết từ bao giờ, một niềm vui, một nét văn hóa đẹp của ngày Tết truyền thống đã dần trở thành nỗi ám ảnh trong suy nghĩ của nhiều người.
Nhiều nhà còn biến tục lì xì thành kiểu lì xì như trả nợ. Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu, nhiều nhà đi chơi tết còn cố mang theo bằng hết những đứa trẻ trong nhà để kiếm được thật nhiều tiền mừng tuổi tết. Đó là những chuyện không còn quá xa lạ.
Mỹ tục ngày Tết giờ bị biến tướng đến mức khiến cho không ít người cảm thấy khó xử và đau đầu. Nhưng có một điều mà mỗi người cần nhìn nhận lại: đây là sự biến tướng ở phong tục hay chính là sự biến tướng ở suy nghĩ của con người trong xã hội hiện đại?
Có thể bạn quan tâm