Gánh nặng nợ vay nhìn từ HHV

DƯƠNG THUỲ 09/05/2024 05:00

Cổ phiếu HHV- Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả - ghi nhận vẫn giao dịch lình xình khi doanh nghiệp tiếp tục chịu gánh nặng nợ vay từ ngân hàng.

>>Đón cơ hội từ cổ phiếu đầu tư công

Cổ phiếu HHV vẫn giao dịch quanh vùng giá 12.000 đồng dù kết quả kinh doanh lãi trong Quý 1/2024

Cổ phiếu HHV vẫn giao dịch quanh vùng giá 12.000 đồng dù kết quả kinh doanh lãi trong quý I/2024

Phiên giao dịch ngày 8/5, cổ phiếu HHV giảm sâu còn 12.900 đồng/cp; đây là vùng giá thấp nhất của HHV trong vòng 01 năm qua. Vậy tình hình kinh doanh của HHV thế nào?

HHV vừa công bố ước kết quả kinh doanh quý I/2024 với doanh thu 674 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ước đạt 109 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với quý I/2023. Năm 2023, HHV ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 362 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ.

HHV hiện đang sở hữu và vận hành 6 trạm thu phí BOT đem về dòng tiền ổn định cho doanh nghiệp. Dự kiến trong giai đoạn 2023-2026 khi các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam được hoàn thiện, HHV sẽ tham gia đấu thầu quản lý vận hành thêm khoảng 545km đường, từ đó phát triển thêm các trạm BOT. Bên cạnh đó lưu lượng giao thông được cải thiện đáng kể sau dịch và tình hình du lịch trong nước dần khởi sắc cũng là động lực giúp doanh thu từ BOT của gia tăng.

Tuy nhiên, HHV đang đối mặt với gánh nặng nợ vay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của HHV tính đến ngày 31/3/2024, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty là 19.168 tỷ đồng. HHV cho biết dư nợ vay dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT là chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia. Được biết, các dự án này với tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước đảm bảo ở mức 11-11,5%/năm. Trước khi các nhà băng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí.

Theo các chuyên gia Công ty Chứng khoán DSC, vay nợ của HHV tăng cao nhưng không quá rủi ro. Năm 2023, chi phí lãi vay của HHV tăng nhẹ và đạt 662 tỷ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ Nợ tài chính/Vốn chủ sở hữu của HHV đang ở mức 2,3 lần, mặc dù đây là tỷ lệ khá lớn tuy nhiên đã giảm rõ rệt kể từ năm 2020.

Bên cạnh đó, nợ vay của HHV chủ yếu là nợ dài hạn và các khoản vay này được dùng để đầu tư cho các dự án BOT. Theo đánh giá của DSC, mặc dù tỷ lệ nợ vay lớn nhưng chủ yếu các khoản này đều được đầu tư vào các dự án BOT và trở thành tài sản cố định của doanh nghiệp, đây là đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh thu phí BOT. Bên cạnh đó nhiều dự án của HHV đã được Chính phủ cam kết đảm bảo tỷ suất lợi nhuận đầu ra cho nhà đầu tư các dự án BOT.

Kế hoạch từ nay đến năm 2025, Công ty tham gia nghiên cứu đầu tư gần 300km đường cao tốc là các dự án Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương… với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HHV đang nghiên cứu đầu tư Dự án Metro 2 giai đoạn III TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.

HHV cho biết, tại một số dự án do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư đã được hoàn thành và đang vận hành khai thác vẫn còn tồn tại liên quan đến việc thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các dự án này đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận báo cáo Chính phủ, Quốc hội thống nhất tháo gỡ.

Hiện các dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2021, toàn bộ các hạng mục thuộc dự án bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, và mở rộng hầm Hải Vân đã được đưa vào hoạt động theo đúng cam kết tại hợp đồng BOT.

Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp, có 1.180 tỷ đồng nằm trong tổng số vốn 5.048 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính tổng thể của dự án và cam kết trong hợp đồng dự án với nhà đầu tư nhưng nhiều năm chưa được giải ngân.

Theo các chuyên gia DSC, trong năm 2024 kỳ vọng HHV hưởng lợi từ việc vốn đầu tư công và tiếp tục được đẩy nhanh các dự án, với mảng kinh doanh BOT tiếp tục tăng trưởng nhờ lưu lượng giao thông tăng đều qua các năm và khả năng tăng giá vé sau mỗi 3 năm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý, đó là nợ vay tăng mạnh khiến gia tăng áp lực lãi vay lên doanh nghiệp, điều này khiến giá cổ phiếu HHV khó tăng mạnh trong thời gian tới…

Có thể bạn quan tâm

  • Thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả

    Thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả

    20:31, 30/09/2023

  • Đèo Cả đào thông hầm Trường Vinh, công trình lớn nhất tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

    Đèo Cả đào thông hầm Trường Vinh, công trình lớn nhất tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

    18:57, 26/04/2022

  • Đèo Cả đào thông hầm Trường Vinh, công trình lớn nhất tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

    Đèo Cả đào thông hầm Trường Vinh, công trình lớn nhất tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

    18:57, 26/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gánh nặng nợ vay nhìn từ HHV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO