Gập ghềnh Logistic Quảng Ninh

LÊ CƯỜNG 15/12/2022 13:42

Nhiều thế mạnh được kỳ vọng sẽ đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics Bắc bộ. Nhưng thực tế, đến nay logistics Quảng Ninh vẫn quá “nhỏ bé” so với láng giềng Hải Phòng.

>>Mô hình nào cho phát triển "logistics xanh" tại Việt Nam?

 Giao thông đột phá giúp Quảng Ninh gia tăng lượng hàng hóa, tuy nhiên để phát triển xứng tầm với kỳ vọng Quảng Ninh cần chú trọng hơn về bến, bãi kho hàng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giao thông đột phá giúp Quảng Ninh gia tăng lượng hàng hóa, tuy nhiên để phát triển xứng tầm với kỳ vọng Quảng Ninh cần chú trọng hơn về bến, bãi kho hàng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Quảng Ninh có đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không kết nối với hệ thống cửa khẩu biên giới trên bộ, cảng biển nước sâu thông thương với Trung Quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mở đường tăng tốc

Ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã đưa cao tốc Vân Đồn – Móng Cái vào khai thác. Tuyến cao tốc có tổng chiều dài trên 80km, với tổng vốn đầu tư 14.225 tỷ đồng. Với việc sở hữu 3 tuyến cao tốc nối liền một dải dọc tỉnh gồm Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn, Vân Đồn – Móng Cái, đã đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hiện có số Km đường cao tốc lớn nhất cả nước (176/1.046km, chiếm 16,83% tổng chiều dài cao tốc toàn quốc).

Ông Nguyễn Quang Sáng, Tổng Giám đốc Công ty XNK thủy sản Quảng Ninh khẳng định: “Trong quá trình giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), vấn đề thời gian và cung đường đóng vai trò rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến yếu tố cạnh tranh. Với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, các công ty XNK sẽ chủ động hơn về việc giao nhận hàng hóa và giúp kết nối tốt hơn giữa các cảng, các cửa khẩu so với trước đây. Trong tương lai, tuyến đường chắc chắn sẽ tạo sự phát triển đột phá về dịch vụ logistics”.

Khẳng định thêm về lợi thế từ cao tốc, ông Vũ Hồ Ninh, Giám đốc Chi nhánh Công ty Bee logistics Hải Phòng nhận định: “Tuyến đường sẽ giúp các doanh nghiệp logistics tối ưu hoá chi phí, do đó, chúng tôi đã mở thêm văn phòng đại diện ở TP Móng Cái. Dịch vụ khởi động lại đầu tiên là dịch vụ truyền thống vận chuyển đường bộ, XNK qua cửa khẩu Móng Cái. Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm nhiều đến các trung tâm logistics trên địa bàn Quảng Ninh để có thể tận dụng được tuyến đường mới này, thuyết phục các nhà đầu tư lựa chọn thêm Móng Cái làm điểm trung chuyển ở biên giới cho thương mại Việt Nam - Trung Quốc”.

Giai đoạn 2022-2025, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung vào việc đầu tư cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng với dự kiến phân bổ nguồn vốn đầu tư công sử dụng ngân sách trong giai đoạn này trên 45.000 tỷ đồng.

Có thể thấy, Quảng Ninh đang tăng tốc trong hành trình cuộc đua logistics của mình với những tuyến cao tốc liên tục được hình thành. Nhưng chỉ mở đường liệu đã đủ?

Cảng biển Quảng Ninh hiện nay chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới.

Điểm nghẽn trong cuộc đua

Đánh giá về tiềm năng phát triển logistics tại Quảng Ninh, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từng cho rằng: “Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới”.

Ông Lê Văn Thuyết, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh thêm về việc này: “Toàn tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng mũi chịu sào để phát triển xe container. Để phối hợp logistics cần kèm theo kho bãi nhưng hiện nay Quảng Ninh mới chỉ quy hoạch khu công nghiệp cảng biển chứ còn để hỗ trợ phụ trợ cho logistics để có kho bãi ngoại quan thì gần như chưa có. Kể cả ở 4 thành phố lớn bản chất cũng không có một bãi container hay kho bãi nào đủ quy mô để chứa hàng ngoại quan bao gồm kho, hạ tầng, xuất nhập hay bảo quản.

Cùng với đó Quảng Ninh cũng đang thiếu nguồn lao động có kỹ năng cao. Ông Ninh Văn Trình, Giám đốc công ty CP thương mại logistics NCT Móng Cái cho biết: “Mong muốn có thể tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp trong nước, trong nước với quốc tế chứ không chỉ riêng ở Móng Cái. Từ nước ngoài cũng có thể làm online, hàng hoá có thể từ Trung Quốc sang Việt Nam đi châu Âu và ngược lại, điều này đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng".

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics đạt từ 18-20% vào ngành dịch vụ của tỉnh, đạt từ 8-10% GRDP của tỉnh và trở thành trung tâm logistics Bắc bộ. Nhưng liệu “tham vọng” của Quảng Ninh có đạt được khi nhưng “điểm nghẽn” trên vẫn chưa được tháo gỡ?

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam muốn trở thành trung tâm logistics toàn cầu

    Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam muốn trở thành trung tâm logistics toàn cầu

    03:00, 13/12/2022

  • Hải Phòng: Logistics xanh – mắt xích để trở thành trung tâm logistics của khu vực

    Hải Phòng: Logistics xanh – mắt xích để trở thành trung tâm logistics của khu vực

    01:04, 09/12/2022

  • Chính sách “mở đường” phát triển ngành logistics giai đoạn mới

    Chính sách “mở đường” phát triển ngành logistics giai đoạn mới

    00:26, 07/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gập ghềnh Logistic Quảng Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO