Với mức tăng trưởng như hiện nay, mục tiêu GDP đạt 6,8% vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Dù cho nhân tố tạo ra tăng trưởng đột biến ngày càng ít đi.
Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh với phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp về việc Thủ tướng Chính phủ vừa ra chỉ thị 16/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020. Trong đó, năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,8%.
- Theo ông, những điểm nhấn nào sẽ đưa GDP đạt 6,8% vào năm 2020?
Thứ nhất, nguồn vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong giai đoạn 2018 -2019 rất cao, số vốn giải ngân cũng liên tục tăng lên. Khả năng đáp ứng yêu cầu về vốn cho nền kinh tế sẽ không còn là “gánh nặng” đối với Việt Nam. Sự đột biến trong đăng ký và giải ngân vốn FDI hứa hẹn một nguồn vốn thực tế sẽ đi vào nền kinh tế trong năm 2020. Đây chính là động lực cho nền kinh tế phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Thứ hai, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua có lúc tăng lúc giảm, nhưng xu thế chung nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng lên. Vốn hóa thị trường chứng khoán cũng tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Với đà tăng trưởng đã có được trong các năm 2017, 2018 và 2019, tôi hy vọng năm 2020 chỉ tiêu GDP đạt 6,8% có thể đạt được. Mặc dù, chỉ tiêu này cũng tương đối cao.
- Vậy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có tác động gì đến chỉ tiêu này không, thưa ông?
Trong năm 2019, nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chúng ta đã có sự tăng trưởng xuất khẩu rất lớn trên một số thị trường chủ đạo, đặc biệt với thị trường Mỹ. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu này tạo đà cho việc tăng trưởng sản xuất kinh doanh trong thời gian vừa qua. Việc này sẽ làm đà tăng trưởng cho thời gian tới. Ngoài ra, một số nhà đầu tư nước ngoài ban đầu hướng đến thị trường Trung Quốc, nhưng sau đó lại chuyển sang các nước trong khu vực ASEAN, trong đó có thị trường Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, kể cả đầu tư trên thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam thời gian qua cũng tăng lên rất nhanh. Tuy nhiên, việc dịch chuyển dòng đầu tư sang Việt Nam cũng có những ảnh hưởng không tốt cho nền kinh tế. Như việc giả mạo xuất xứ, đội lốt xuất xứ…
Việc các nhà đầu tư ồ ạt đổ vào Việt Nam tạo cơ hội cho thị trường trong nước tăng mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Nhưng cũng có thể kéo sản xuất hay xuất khẩu của Việt Nam “chìm xuống” nếu bị các quốc gia khác nói Việt Nam đang “xuất khẩu hộ”. Đây là bài toán Việt Nam cần phải giải để giúp cho các doanh nghiệp không bị các nước nghi vấn về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu.
- Trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, không thể không nhắc đến khu vực DNNVV. Ông đánh giá thế nào về khả năng đóng góp của khối này để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% vào năm 2020?
DNNVV trong giai đoạn 2018 -2019 đang có những chuyển biến tương đối rõ rệt. Thứ nhất, lượng doanh nghiệp hình thành tăng lên nhanh chóng. Việc liên doanh, liên kết của các doanh nghiệp với một số lĩnh vực ngành hàng đang là điểm sáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh cho DNNVV. Điều này cũng thể hiện sự cố gắng vươn lên của các DNNVV Việt Nam trong hội nhập.
Đặc biệt, vào ngày 30/6 Việt Nam sẽ ký kết hiệp định thương mại Việt Nam – EU. Trong một lộ trình ngắn, chúng ta sẽ được hưởng mức thuế xuất nhập khẩu rất thấp, thậm chí bằng 0% ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu vào EU. Do đó, khả năng GDP đạt 6,8% là rất sáng và hoàn toàn có thể thực hiện được.
-Xin cảm ơn ông!