Thời gian qua nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã sử dụng "chiêu" ghi lợi nhuận ảo nhằm báo lãi để tránh khỏi bị huỷ niêm yết. Các doanh nghiệp như vậy đã dùng những thủ thuật cụ thể gì?
Kinh Bắc “đặt cược” vào các khu công nghiệp
Mới đây, báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa được công bố đã khiến giới tài chính xôn xao. Theo đó, trong quý 2/2022, doanh thu của KBC đạt 395 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp trong quý của KBC đạt 198 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm 10% so với cùng kỳ là 50%. Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần đạt 1.087 tỷ đồng, giảm 61% và lợi nhuận gộp là 477 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của KBC là 90 tỷ đồng, cao gấp 2,7 lần cùng kỳ. Chi phí tài chính của KBC cũng tăng 22% lên 159 tỷ đồng. Phần lớn trong chi phí tài chính là chi phí lãi vay với 142 tỷ đồng, chiếm 89%. Về các chi phí, chi phí bán hàng tăng lên 7 tỷ đồng, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại giảm 34% còn 90 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KBC chỉ thu về 62 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của Công ty đạt là 133 tỷ đồng, chỉ bằng 12% của cùng kỳ.
Tuy nhiên, quý 2 công ty lại ghi nhận khoản thu nhập khác bất thường 1.918 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ khoản thu nhập khác chỉ là 1,5 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, thu nhập khác là 2.417 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm ngoái thì KBC chỉ thu được vẻn vẹn 2 tỷ đồng.
"Soi" báo cáo tài chính này, các chuyên gia tài chính chỉ ra rằng KBC đã có những thủ thuật tài chính đã giúp doanh nghiệp tăng 2.500% lợi nhuận sau thuế trong quý 2/2022.
Thứ nhất, doanh thu 395 tỷ đồng nhưng giảm 47% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 198 tỷ đồng giảm 56% và biên lợi nhuận gộp cũng giảm 10%;
Thứ hai, doanh tài chính 90 tỷ đồng, nhưng chi phí tài chính tăng lên 159 tỷ đồng (+22% cùng kỳ), phần lớn là chi phí lãi vay (142 tỷ đồng). Giả sử nếu lãi suất cho vay tăng sẽ là bài toán khó giải đối với KBC để cân đối.
Thứ ba, lợi nhuận thuần từ hợp đồng kinh doanh chỉ còn 62 tỷ đồng sau khi trừ đi các chi phí, giảm 72%. Tuy nhiên, vấn đề đáng chú ý ở đây chính là khoản thu nhập bất thường 1.918 tỷ đồng, khoản này đến từ việc KBC chi 57 tỷ đồng (nâng vốn góp từ 39 tỷ đồng lên 96 tỷ đồng tương ứng 48%) đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN). Và sau đó SDN trở thành công ty liên kết được ghi nhận trực tiếp vào báo cáo tài chính hợp nhất của KBC.
Các chuyên gia tài chính chỉ ra rằng, công ty con SDN bán 48% vốn (2.417 tỷ đồng) cho Công ty mẹ KBC chỉ với giá 96 tỷ đồng theo mệnh giá. Nhưng chỉ bằng nghiệp vụ “đánh giá tài sản”(còn gọi là "book" lợi nhuận ảo-một thủ thuật trong báo cáo tài chính) đã giúp Công ty mẹ KBC ghi nhận ngay khoản lãi 2.417 tỷ đồng.
Qua đó, công ty mẹ KBC làm đẹp các bản báo cáo tài chính hợp nhất và có thể tránh các quy định, tiêu chuẩn doanh nghiệp niêm yết mà cơ quan chức năng đặt ra; còn đối với nhà đầu tư không am hiểu về tài chính thì dễ đặt sai kỳ vọng, "mua nhầm" cổ phiếu của doanh nghiệp...
Vậy nhà đầu tư cần phải làm gì để phát hiện các doanh nghiệp “book” ảo doanh thu - lợi nhuận? Ông Nguyễn Đức Tùng - Chuyên viên kiểm toán KPMG, chỉ ra rằng dựa trên nguyên tắc kế toán doanh thu được ghi nhận dựa vào doanh thu đã thực hiện và sẽ được thực hiện trong tương lai, nên một số "doanh nghiệp mafia" lợi dụng điểm này để "book" ảo doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số trường hợp "book" ảo thường được sử dụng như sau:
Doanh thu tăng mạnh ở khoản các khoản phải thu: Thông thường các doanh nghiệp này tới sát kỳ báo cáo sẽ giảm giá hàng bán mạnh hoặc tăng dài thêm thời gian chịu nợ cho khách hàng khiến cho khách hàng có xu hướng mua thêm nhiều hàng hóa để được hưởng các chính sách đặc biệt này. Điều này làm cho các khoản phải thu tăng lên đáng kể và doanh thu cũng tăng vọt khiến lợi nhuận được book cao lên. Hoặc doanh nghiệp có thể liên kết với các công ty đối tác đặc biệt các công ty con bán vốn cho nhau như trường hợp KBC và một số doanh nghiệp khác...
Đẩy lãi/lỗ qua các công ty con: Chiêu bài này xảy ra ở nhóm các công ty có mạng lưới công ty con dày đặc. Tức là doanh nghiệp chính làm trung tâm thông qua các hoạt động mua bán chuyển nhượng thành phẩm, dự án...để dồn hết lãi/lỗ qua các công ty con, công ty vệ tinh. Ngoài ra các doanh nghiệp còn một số chiêu trò để làm ảnh hưởng tới giá trị hàng tồn kho trong đó điển hình là chiết khấu thương mại - tức là mua với số lượng lớn sẽ được giảm giá.
Vậy nhà đầu tư làm cách nào để phát hiện hoặc giảm thiểu tối đa nhằm phòng tránh mua cổ phiếu cổ phần của các doanh nghiệp "book ảo" lợi nhuận? Chuyên gia lưu ý khi thấy doanh nghiệp doanh thu tăng vọt thì phải kiểm tra doanh thu tới từ đâu; từ hoạt động kinh doanh hay từ các khoản phải thu? Đối với doanh nghiệp bất động sản khi thấy có chuyển giao dự án thì kiểm tra luôn xem doanh nghiệp bán cho đối tác là ai, có thuộc công ty con hay không? Nhà đầu tư cũng nên đọc ngay lưu chuyển tiền tệ để thấy rõ bản chất của khoản thu đó, bởi nếu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cực lớn mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại không có, thì cần phải soi xét và thận trọng kỹ càng hơn nữa với các số liệu "đẹp"…
Có thể bạn quan tâm