Với mức giá dự kiến chào sàn UpCoM vào 9/12 tới đây tương đương thị giá MCH hiện tại và ngưỡng trung bình cổ phiếu Tập đoàn mẹ cách đây chưa lâu, MML của Masan Meat Life có "đắt xắt ra miếng"?
Sự ra mắt trước thềm chào sàn của MML đối với các nhà đầu tư 2 đầu thị trường Hà Nội và Tp HCM diễn ra khá kịch tính, khi thu hút đông đảo các quỹ đầu tư và Công ty chứng khoán tham dự. Cổ phiếu này cũng được cho là chọn thời điểm chào sàn với những thông tin đầy kịch tính khác, làm tăng thêm lực hút đối với nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu ngành thịt.
Phá rào cản phân phối
Một trong những yếu tố kịch tính nhất ở thời điểm chuẩn bị chào sàn đối với MML nói riêng và MSN của Masan Group lẫn thị trường bán lẻ nói chung trong mắt các nhà đầu tư, đó là tuyên bố hợp nhất của Masan Consumer (MCH-UpCOM) với VinMart, VinEco của VinGroup (VIC, HoSE). Theo giới quan sát, đây không chỉ là thương vụ M&A lớn nhất trên thị trường, mà còn là thương vụ hợp nhất hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam hiện tại, về tay một tập đoàn tư nhân hàng đầu về tiêu dùng của Việt Nam. Với Masan Consumer và MSN, đó là cú bắt tay quyết định có ý nghĩa tháo điểm nghẽn của Tập đoàn này cho các mục tiêu tương lai - trên nền chủ động điểm phân phối và không còn phụ thuộc vào các hệ thống phân phối trung gian.
Masan Meat Life, với vai trò là một thành viên của Masan Group và có nhiều mối liên quan với Masan Consumer trong hệ thống, trong hợp tác chéo giữa nhà sản xuất - cung ứng, phân phối, ở cả nguyên liệu và thịt chế biến và các sản phẩm tiêu dùng nhanh khác, dĩ nhiên, được lợi đầu tiên từ hệ thống phân phối phì đại sau một đêm.
Trả lời câu hỏi của một đại diện đến từ quỹ đầu tư Vietcombank, ông Phạm Trung Lâm, CEO Masan Meat Life khẳng định: Mục tiêu phát triển lên 5.000 điểm phân phối của MML là có cơ sở và hoàn toàn khả thi. Bởi ngay trong giai đoạn khởi đầu dò đường ra thị trường, chỉ trong vòng hơn 7 tháng, điểm phân phối của MML đã tăng lên gấp 10 lần, từ 39 điểm ban đầu lên 311 điểm vào tháng 11/2019 và kế hoạch đến cuối tháng 12/2019 ít nhất là 555 điểm. Trong đó, có 375 điểm đại lý, 130 điểm siêu thị và 45 điểm cửa hàng Masan Meat Life.
"Mục tiêu 5.000 điểm phân phối có thể còn là thận trọng, bảo thủ", CEO Phạm Trung Lâm nói. Bởi chỉ riêng với hệ thống VinMart và VinMart+ gồm 2.600 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành cùng hàng triệu khách hàng, MML đã được gỡ vướng tới hơn 1 nửa mục tiêu đạt điểm phân phối khổng lồ để tự tin hướng tới nhiệm vụ tăng doanh thu khủng trên thị trường ngành thịt Việt Nam - ngành được World Bank đánh giá có giá trị tới 10 tỷ USD.
3 lợi thế so sánh
Có khá nhiều yếu tố khác để MML tự tin với định giá chào sàn khởi điểm dự kiến 80.000đ/cp, chỉ thấp hơn chút đỉnh so với thị giá MCH đang giao dịch ở phiên giao dịch ngày 4/12, và ở ngưỡng trung bình của cổ phiếu Tập đoàn mẹ MSN đã duy trì trong cách đây chưa lâu. MSN chỉ mới điều chỉnh gần đây.
Có thể điểm ra một vài yếu tố căn bản như sau:
Thứ nhất, khả năng thực thi doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2022- 3 năm tới, từ cột mốc khoảng 200 tỷ đồng mà MML đang đạt được. Mốc doanh thu dự kiến này sẽ khiến bất kỳ doanh nghiệp nào cũng sẽ choáng váng về độ táo bạo và tham vọng, nhưng không phải không có cơ sở khi Masan Meat Life là doanh nghiệp đầu tiên duy nhất trên thị trường được công nhận đạt chuẩn châu Âu về công nghệ sản xuất thịt mát. Và đó mới chỉ là 1 phần tương đương 10% của giá trị thị trường ngành.
Có thể bạn quan tâm
14:00, 28/09/2019
12:09, 26/06/2019
06:50, 25/06/2019
Theo Masan, bước chuyển đổi theo xu hướng tiêu dùng của thị trường được Masan Meat Life lấy làm cơ sở so sánh, xuất phát từ sự thay đổi của một thị trường có xu hướng tiêu dùng tương đương là Trung Quốc. Trong 10 năm, Trung Quốc đã chuyển đổi thị phần thịt mát từ 10% lên 36%. 10% như nêu, còn là là con số khiêm tốn về thị phần mà Masan muốn nhắm tới - ở thời điểm doanh thu dự kiến tỷ USD. Dài hơn và xa hơn, là 50% thị phần tức tương đương 5 tỷ USD.
Về công nghệ, CEO MML Phạm Trung Lâm nhấn mạnh Masan Meat Life không so sánh hay bình luận gì về đối thủ, (ví dụ G Kitchen, theo so sánh mà đại diện CTCK HSC đặt ra- NV), nhưng rõ ràng công nghệ chuẩn thịt mát Châu Âu duy nhất được công nhận đã và sẽ là "vũ khí" để MML trở thành người đại diện, tiên phong trên thị trường thịt mát Việt Nam. Đi trước, lại đầu tư bài bản từ vai trò nhà cung cấp thức chăn nuôi với mục tiêu số 1, có nguồn lực để "làm lớn" và đang làm lớn với việc hợp tác các trang trại lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho Masan Meat Life với tổ hợp Nghệ An, Hà Nam, mới đây là Long An; chủ động phân phối (như đã nêu) và quan trọng có 20 năm kinh nghiệm của CEO Phạm Trung Lâm (ông Lâm có thâm niên ở Tập đoàn MSN khoảng 15 năm-NV) - MML đang tràn trề lợi thế.
Thứ hai, lại 1 so sánh khác, Vissan hiện cũng đang có xu hướng chủ động phân phối với các cửa hàng mang thương hiệu mình. Đại diện của CTCK MBS đặt vấn đề: MML có gì khác biệt? Câu trả lời dĩ nhiên là có sự khác biệt từ sản phẩm - giữa thịt nóng và thịt mát. Hơn thế, Masan Meat Life nhấn mạnh họ là cổ đông của Vissan và các doanh nghiệp nói chung đều có cơ hội. Với Masan Meat Life, cơ hội của họ là từ phân khúc người dùng sẵn sàng chuyển đổi xu hướng tiêu dùng.
Theo thống kê và số liệu dự phóng, tính toán cẩn trọng trên cơ sở mở rộng hệ thống phân phối Masan Meat Deli trong tháng 12, doanh thu tháng 12/2019 của MML có thể đạt từ 200-245 tỷ đồng - Ước đạt doanh thu cả năm bằng doanh thu tháng 12 và bằng 75% doanh thu cả năm 2018 của Vissan. Lưu ý Masan Meat Life chỉ mới ra mắt gần đây, trong khi Vissan có 45 năm lịch sử tính từ nhà máy đầu tiên vào 1974. Một sự so sánh phản ánh đấu trường khốc liệt của ngành thịt.
Thứ ba, một ví von tưởng chẳng liên quan khác: Ai nắm bắt được xu hướng tiêu dùng thay đổi, và phục vụ/đáp ứng được sự thay đổi của người tiêu dùng, hòa nhịp với bối cảnh chung, đó sẽ là người chiến thắng.
CEO Phạm Trung Lâm dẫn câu chuyện từ việc ông là người hay uống cà phê Starbucks. Một ông lớn của toàn cầu như vậy nhưng trong nhiều năm cả ngành FMCG thế giới đã và đang nỗ lực thay đổi để hòa nhịp xu hướng tiêu dùng bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, trong khoảng 1 năm trở lại Starbucks mới có ống hút giấy tại Việt Nam. Qua hình ảnh so sánh ví von này, ông Lâm cho biết, việc bắt nhịp với bối cảnh của doanh nghiệp luôn cần quá trình và thời gian. MML luôn nỗ lực tìm giải pháp tốt hơn cho môi trường, phù hợp công nghệ và chất lượng sản công ty. Hiện sản phẩm của MML đang sử dụng hộp nhựa để đóng thành phẩm thịt, nhưng về lâu dài, không chỉ với thành phẩm thịt, các sản phẩm của Masan Meat Life nói riêng, của Tập đoàn Masan nói chung, đều sẽ theo đuổi mục tiêu phục vụ nhu cầu và thay đổi, nâng cao giá trị đời sống của người tiêu dùng - trước hết cho người Việt và sau nữa cho xuất khẩu. Trong đó, bao gồm cả nâng cao giá trị phát triển bền vững của môi trường và nền kinh tế.
"Để phát triển bán lẻ, thách thức lớn nhất của Masan Meat Life vẫn là lo ngại làm sao để đi kịp với xu hướng tiêu dùng luôn thay đổi quá nhanh" - đại diện Masan giải đáp câu hỏi của tổ chức đầu tư VCBS.
Trả lời này dường như cũng là khẳng định căn cơ nhất về tiềm năng của Masan Meat Life trên thị trường thịt giá trị lớn, và tiềm năng của cổ phiếu MML, khi cuộc chơi thịt mát ở Việt Nam chỉ mới qua màn khởi động. Cổ phiếu MML theo đó, với thị giá 80.000đ/cp, tiếp tục được dự báo sẽ tạo ra nhiều kịch tính trong đợt chào sàn. Sự quan tâm của các quỹ đầu tư, các tổ chức định chế trung gian trên thị trường chứng khoán trước thềm "chào hỏi" đến nhà đầu tư, trực tiếp hé lộ về khả năng những dòng tiền lớn đang chực chờ các cao trào phía trước.