Doanh nghiệp

Giá cước container "vạ lây" khi chính quyền Trump tăng thuế cảng với tàu Trung Quốc

Thy Hằng 29/03/2025 02:53

Việc tăng phí cảng với tàu Trung Quốc sẽ khiến giá cước container xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu đối với hãng tàu có đội tàu đóng tại Trung Quốc tăng 500%.

Rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể chịu tác động lớn với hàng hoá vận chuyển bằng đường biển khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donala Trump tăng phí cảng biển với tàu Trung Quốc.

port-of-los-angeles.jpg
Mỗi tàu container của các hãng vận tải biển Trung Quốc khi cập cảng nước này sẽ bị áp phí dịch vụ 1 triệu USD/lần.

Dự thảo thu phí vào cảng đối với các tàu chở hàng do Trung Quốc vận hành và sản xuất dự có thể lên đến 1,5 triệu USD/tàu mỗi lần cập cảng, nhằm giúp tái thiết ngành đóng tàu nội địa của Mỹ và chống lại các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc.

Năm 2024, Trung Quốc lần đầu tiên chiếm vị trí hàng đầu trong ngành đóng tàu, khi sở hữu hơn một nửa đội tàu hoạt động toàn cầu và đơn hàng đóng tàu mới.

Tuy nhiên, công ty dịch vụ vận tải American Container Line cho biết, nếu phí cảng được áp dụng, công ty này sẽ “buộc phải chấm dứt dịch vụ tại Mỹ, đóng cửa văn phòng tại Mỹ, sa thải nhân viên người Mỹ và điều chuyển tàu đến các tuyến vận tải không phải của Mỹ, vì việc đóng phí sẽ khiến công ty này không thể cạnh tranh với các hãng vận tải khác trong ngành vận tải Mỹ”.

Hơn nữa, American Container Line cho biết, các nhà sản xuất Mỹ sẽ mất đi hãng vận tải container duy nhất tại Mỹ phục vụ tuyến Bắc Đại Tây Dương và hãng vận tải container chính cho hàng hóa quá khổ đến châu Âu.

Nếu áp dụng quy định đóng phí mới, giá cước container xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu đối với hãng tàu có đội tàu đóng tại Trung Quốc sẽ tăng từ mức trung bình 500 USD mỗi container 40 feet hiện nay lên khoảng 2.500 USD, ghi dấu mức tăng 500%. Giá cước nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ cũng tăng từ mức trung bình khoảng 2.500 USD mỗi container 40 feet hiện nay lên khoảng 4.500 USD, tăng 80%.

Theo đó, các hãng vận tải nhỏ sẽ phải chịu chi phí lớn hơn mỗi đơn vị hàng hóa so với các hãng tàu lớn với tàu cỡ lớn. Các nhà sản xuất Mỹ sẽ có ít sự lựa chọn hãng tàu và phải đối mặt với chi phí vận chuyển cao hơn nhiều.

Hãng vận tải biển Atlantic Container Line (ACL) cũng cảnh báo rằng nếu Mỹ áp dụng mức phạt đối với tàu chở hàng do Trung Quốc sản xuất, họ có thể phải rời khỏi thị trường Mỹ. Điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến giá cước vận tải tăng mạnh, thậm chí đạt mức cao kỷ lục kể từ đại dịch Covid-19.

"Việc này sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Mỹ. Nếu bị áp phạt, chúng tôi buộc phải ngừng hoạt động", CEO ACL Andrew Abbott nhấn mạnh.

untitled-1.jpg
Với các hãng vận tải khác có tàu đóng tại Trung Quốc, mức phí cập cảng là 1,5 triệu USD/ lần.

Châu Âu hiện cung cấp nhiều sản phẩm công nghiệp cho Mỹ hơn là sản phẩm tiêu dùng. Việc tăng chi phí vận chuyển các linh kiện này sẽ thổi giá thành sản phẩm sản xuất tại Mỹ.

Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ đã lên tiếng ủng hộ cả hai đề xuất về phí cảng cũng như các hạn chế liên quan đến việc hàng xuất khẩu phải sử dụng tàu đóng của Mỹ. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo phí vào cảng có thể gây gánh nặng quá lớn cho các nhà sản xuất Mỹ.

Hiệp hội cho biết, các khoản phí sẽ làm giảm khả năng cung cấp năng lực vận chuyển cần thiết tại các cảng Mỹ, tăng áp lực lên cơ sở hạ tầng trong nước và làm tăng chi phí có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, hơn 300 hiệp hội thương mại ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương, cũng như hàng trăm công ty và cá nhân, đã nộp đơn phản đối các khoản phí quy định khi cập cảng Hoa Kỳ - áp dụng cho cả tàu tương lai trong sổ đặt hàng của các hãng vận tải - không được chế tạo bởi các công ty đặt tại Hoa Kỳ. Theo đánh giá ban đầu, phí tàu biển khiến xuất khẩu của Hoa Kỳ giảm, có khả năng góp phần làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại.

Đáng lưu ý, nhiều chuyên gia đặt đang câu hỏi về tính pháp lý của mức phí này bởi các hiệp định thương mại quốc tế thường ngăn chặn những loại thuế và phí phân biệt đối xử như vậy. Nếu thực thi, Mỹ có thể đối mặt với nhiều thách thức pháp lý từ các đối tác thương mại lớn.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng đề xuất này cũng khó phục hồi ngành đóng tàu Mỹ. Hiện tại, nước này chỉ đóng được chưa tới 5 tàu biển mỗi năm - theo số liệu từ USTR.

"Mỹ và châu Âu không còn dư thừa công suất đóng tàu nữa. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không dư thừa nhiều, chỉ còn Trung Quốc. Vì vậy, rất khó để phục hưng ngày đóng tàu Mỹ", giáo sư Albert Veenstra của Đại học Erasmus Rotterdam (Hà Lan) nhận định.

Theo ông, song song với các chính sách khác trong chiến lược "nước Mỹ trên hết" của ông Trump, đề xuất phí cảng trên có thể gây rủi ro lớn cho thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Nếu được thực thi, mức phí này không chỉ ảnh hưởng tới Trung Quốc mà nhiều chủ tàu nước ngoài khác. Sau cùng, tất cả đều thua thiệt", ông Veenstra nhận định.

Hiện, phần lớn hàng hóa vận chuyển đến Hoa Kỳ bằng đường biển, và Trung Quốc đang sở hữu nhiều tàu container nhất thế giới, tiếp đến là Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc đang phục vụ xuất khẩu cho hàng chục nền kinh tế. Do đó, Hội đồng Vận tải biển Thế giới, ước tính 98% đội tàu toàn cầu sẽ phải chịu phí khi cập cảng Hoa Kỳ. Rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam có thể chịu tác động, vì hàng dệt may giày dép, điện tử, điện máy, nông sản, hóa chất , máy móc, ô tô,… phần lớn được vận chuyển bằng đường biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá cước container "vạ lây" khi chính quyền Trump tăng thuế cảng với tàu Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO