Tại Gia Lai, hàng loạt dự án điện mặt trời tại huyện Krông Pa và một số địa phương khác đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua lại.
>>Gia Lai: Dự án công nghệ cao ngàn tỷ được khởi công
Theo nguồn tin của phóng viên Diễn đàn doanh nghiệp, hàng loạt dự án điện mặt trời đang được đầu tư tại tỉnh Gia Lai được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua lại.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài là Công ty BRE Singapore Pte.Ltd có địa chỉ 08 Marina Boulevard, #05-02 Maryna Bay Financial Centre, Singapore đã chính thức đăng ký mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư năng lượng tái tạo Licogi 16 Gia Lai.
Được biết, dự án Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16 có công suất 40MWpDC (32MWAC) được UBND tỉnh Gia Lai điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 941,7 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 364,1 tỷ đồng, giai đoạn 2 hơn 577,6 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 dự án có công suất 15MWpDC (12MWAC) đã hoàn thành và đi vào hoạt động; giai đoạn 2 có công suất 25MWpDC (20MWAC). Sản lượng điện trung bình của dự án khoảng 52.911 MWh/năm, diện tích đất sử dụng thực hiện dự án là 48 ha. Giai đoạn 1 sử dụng diện tích 18 ha, giai đoạn 2 là 30 ha.
Cũng theo quyết định điều chỉnh, giai đoạn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Giai đoạn 2, dự án sẽ khởi công và thi công xây dựng công trình từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2022; phát điện block đầu tiên vào tháng 5/2022 và hoàn thành xây dựng công trình vào tháng 6/2022.
Trước đó, ngày 14/1/2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 19/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc - EVNLICOGI 16, giai đoạn 1. Công suất thiết kế 15MWpDC, sản lượng điện trung bình khoảng 22.036 MWh/năm.
Giá trị của thương vụ mua bán này chưa được tiết lộ. Tuy nhiên tỉnh Gia Lai đã có động thái chỉ đạo các Sở, ban ngành phối hợp với nhau kiểm tra thông tin đầu tư này.
Công ty BRE Singapore Pte.Ltd có địa chỉ 08 Marina Boulevard, #05-02 Maryna Bay Financial Centre, Singapore do bà Bubpachart Meechaoen Quốc tịch Thái Lan làm đại diện pháp luật. BRE Singapore Pte. Ltd, là một công ty con của Tập đoàn năng lượng phi dầu mỏ Banpu Plc của Thái Lan. Dự án điện mặt trời Chư Ngọc-EVNLICOGI 16 được Banpu để ý từ năm 2019, và dự kiến hoàn thành giao dịch vào quý 2/2022.
Theo công ty mẹ của BRE Singapore Pte.Ltd cho biết đã ký hợp đồng mua bán điện trong 20 năm với Tập đoàn Điện lực Việt Nam với biểu giá 0,935 USD/kWh.
Được biết, một dự án điện mặt trời khác ở huyện Krông Pa tỉnh Gia Lai cũng đang được một nhà đầu tư từ Châu Âu quan tâm. Như vậy có thể khẳng định nhà đầu tư nước ngoài đang bị các dự án năng lượng tái tạo tại Gia Lai hấp dẫn với khả năng sinh lời cao.
Ông Hoàng Tiến Dũng-Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) khẳng định: “Việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là điều bình thường trong cơ chế thị trường và được Luật Đầu tư cho phép. Đối với bất cứ nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đủ năng lực, đáp ứng được các điều kiện chuyển nhượng dự án thuộc ngành nghề có điều kiện và được pháp luật cho phép thì có thể chuyển nhượng”.
Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai cũng cho biết: “Việc doanh nghiệp trong nước chuyển nhượng lại toàn bộ hoặc một phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài cũng là cách để dự án đảm bảo nguồn lực triển khai đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn trực tiếp triển khai dự án, họ phải tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu, thực hiện các quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt trong việc làm thủ tục đầu tư; trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thì hiểu rõ cơ chế, quy trình thủ tục nên triển khai thực hiện dự án nhanh hơn. Đó là lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn phương thức “đi tắt”, chuyển nhượng cổ phần của dự án nào đó của nhà đầu tư trong nước để được đầu tư”.
Tại Gia Lai, Chính phủ vừa phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 dự án về điện gió với tổng công suất khoảng 1.200 MW. Nhà đầu tư đang nỗ lực triển khai những thủ tục cần thiết để các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2021. Riêng 2 dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi và dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên được đánh giá phù hợp với chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam nói chung, chính sách đầu tư của tỉnh nói riêng.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin
Có thể bạn quan tâm