Sau nhiều năm loay hoay chống ngập, TP.HCM đã bước đầu tiến tới việc xây dựng chính sách xã hội hóa các dự án chống ngập.
Tuy nhiên, do không có phương án giá cụ thể cho dịch vụ chống ngập nên việc kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân còn gặp khó khăn.
Vướng cơ chế giá
Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH- đơn vị hiến kế xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm theo công nghệ Nhật Bản trên địa bàn TP HCM dù đã được UBND TP.HCM thông qua chủ trương nhưng vẫn án binh bất động do không xác định được giá định mức.
Ông Lê Trọng Vĩnh, Giám đốc Công ty CP phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTECH cho biết, dự án hiện nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân không có cơ sở để tính hiệu quả dự án ngay từ ban đầu, dẫn đến tình trạng “mò kim đáy bể. Hiện nay, các chủ đầu tư đều đang tự đưa ra mức giá đề xuất nhưng sau đó sẽ phát sinh nhiều rắc rối nếu không được chấp thuận, các bên không tìm thấy tiếng nói chung hoặc phải đưa kiểm toán vào làm việc về sau.
Muốn thu hút nguồn vốn tư nhân, TP.Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho các dự án nhanh chóng được triển khai nếu đã được phê duyệt chủ trương, tránh bị “lụt” trong dự án.
Chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập đã có. Tuy nhiên, do không đưa ra phương án giá cụ thể cho dịch vụ chống ngập nên việc kêu gọi đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay cả những doanh nghiệp đã đầu tư thì vẫn đang “ngập lụt” trong chính bài toán của mình.
Trên thực tế, các nhà đầu tư tư nhân khi đề xuất tham gia công cuộc chống ngập của Thành phố đều ứng dụng các công nghệ tương đối mới để nâng cao hiệu quả cho các dự án. Các công nghệ đều được nhập từ nước ngoài về nhưng không có đơn giá định mức, doanh nghiệp không có cơ sở để tính hiệu quả dự án ngay từ ban đầu, dẫn đến tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Các bên không tìm thấy tiếng nói chung.
“Công nghệ cross-wave mà chúng tôi đề xuất áp dụng tại Việt Nam được 5 năm rồi mà đến nay vẫn không có cơ sở tính giá. Nhu cầu tham gia các dự án chống ngập tại TP.HCM là rất lớn nhưng những khó khăn này đã cản trở, khiến các còn e dè.
Được biết, vừa qua Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam đã lập phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông áp dụng trên địa bàn TP.HCM, theo đặt hàng của Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM). Theo đó, Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam xác định mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM là 3.668 đồng/m2/tháng.
Đây sẽ được coi là mức giá cơ sở mà cơ quan quản lý đưa ra khi đấu thầu dự án. Tuy nhiên việc áp giá cứng cho tất cả các công trình sẽ kéo theo nhiều bất cập vì các dự án sử dụng công nghệ khác nhau thì mức chi phí cũng sẽ thay đổi khác nhau. Vì vậy cần có phương án linh hoạt, với từng dự án cụ thể, các nhà thầu sẽ tính toán, điều chỉnh mức giá sao cho vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa đáp ứng hiệu quả.
Nếu giải pháp kỹ thuật là phần ngọn, nguồn vốn huy động để chống ngập là phần gốc thì cần tạo cơ chế đột phá giải quyết phần gốc trước. Có nghĩa là phải có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư.
Nhưng quan trọng hơn, muốn thu hút nguồn vốn tư nhân, TP.Hồ Chí Minh cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện cho các dự án nhanh chóng được triển khai nếu đã được phê duyệt chủ trương, tránh trường hợp nhà đầu tư bị “lụt” trong các dự án chống lụt.
Có thể bạn quan tâm
05:10, 09/06/2020
06:00, 04/06/2020
05:00, 28/05/2020
05:50, 02/11/2019