Ảnh hưởng từ dịch COVID-19 cùng với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, khiến cho giá thép liên tục tăng cao trong những tuần qua.
Chia sẻ thông tin này tới Diễn đàn Doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho biết giá thép đang leo thang từng ngày và ở thời điểm hiện tại đã tăng xấp xỉ khoảng 30% so với đầu tháng 10/2020.
Cụ thể giá thép bán trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 13.000-14.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm. Trong đó giá thép xây dựng bán trên thị trường ở mức quanh 15.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 11/2020. Giá thép phế nội địa tăng mạnh từ 800 - 900 đồng/kg, giữ mức 7.800 đến 7.900 đồng/kg; Giá thép phế nhập khẩu tăng 37 USD/tấn giữ mức 350 USD/tấn đầu tháng 12/2020.
Giá phôi thép cũng tăng 44 USD/tấn giữ mức 496 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.000 – 1.200 đồng/kg, giữ giá ở mức 11.600 đồng/kg. Giá thép cuộn cán nóng HRC đầu tháng 12/2020 ở mức 592 USD/tấn.
Theo đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), thị trường thép xây dựng nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn trong quý III. Mặc dù sản xuất thép xây dựng quý III giảm nhẹ lần lượt 5% và 2% so với các quý I và II nhưng bán hàng thép tăng trưởng so với 2 quý trước lần lượt là 6% và 19%.
Lý giải về nguyên nhân trên, các doanh nghiệp cho rằng, do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19 cùng với xu hướng gia tăng bảo hộ thương mại, khiến cho giá thép liên tục tăng cao trong những tuần qua. Bên cạnh đó, trên thị trường toàn cầu giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng, giá vận chuyển cũng tăng từ 2- 3 lần kéo theo Việt Nam bị ảnh hưởng.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân tăng giá, ông Trần Xuân Hoàn - Giám đốc Công ty XNK Xuân Hoàn cho biết, do sự thiếu hụt phôi thép kéo dài trong vài tháng qua nên các nhà máy phải sản xuất cầm chừng. Lượng phôi thép được sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% thị phần, còn lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm chủ yếu.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc cũng đang hạn chế xuất khẩu phôi để điều chỉnh tăng giá khiến các nước nhập khẩu bị động về nguyên vật liệu trong đó có Việt Nam.
Việc giá thép tăng đột ngột trong vòng 2 tháng trở lại đây đã khiến nhiều nhà thầu trở tay không kịp vì các hợp đồng thực hiện dự án đã được ký kết trước đó. "Chúng tôi đành chấp chấp nhận đi gom hàng giá cao, thậm chí giá cao cũng khó có thể mua được thép vào thời điểm này. Tôi đang lo lắng, không biết công ty có cầm cự nổi không vì vốn dự toán bị đội lên quá cao. Để xử lý vấn đề này hiện tại chúng tôi đang túc tắc thi công để có thời gian đàm phán với chủ đầu tư có phương án xem xét hỗ trợ ..." - ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Huy An ngậm ngùi chia sẻ.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp khác cho rằng, giá bán liên tục biến động tăng nên nhiều cửa hàng đã găm hàng chờ tăng giá, điều này khiến thị trường đang thiếu lại trở nên khan hiếm.
Đưa ra các giải pháp tích cực, đại diện một số nhà thầu kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công thương cần có biện pháp bình ổn và kiểm soát giá thép ở thị trường trong nước. Vì giá thép tăng cao khiến các dự án bị đội vốn, kéo dài thời gian thi công, dẫn đến nhà thầu có thể bị phạt do chậm tiến độ.
Hiện một số nhà thầu đang phải ứng tiền trước mua thép để đảm bảo thời gian thi công dự án. Tuy nhiên, đây là biện pháp giải quyết cho tình thế trước mắt vì đối với những công trình xây dựng kéo dài hai, ba năm, việc thanh, quyết toán rất khó khăn không biết khi nào mới thu hồi vốn, trong khi khoản tiền đi vay phải trả lãi tăng hằng tháng.
Có thể bạn quan tâm
Rà soát về thuế chống bán phá giá thép có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc
16:00, 11/11/2020
Giá thép xây dựng có dấu hiệu quay đầu tăng
05:04, 07/11/2019
Điều gì đang chờ các “đại gia” ngành thép trong năm 2021?
11:00, 24/12/2020
Vụ thất thoát 830 tỷ tại Gang thép Thái Nguyên: Đề nghị truy tố 19 bị can
10:16, 21/12/2020