Trung tuần tháng 3/2022, thị trường thép tiếp tục chứng kiến đợt tăng giá thứ 4 trong tháng, nhiều công trình xây dựng quy mô nhỏ đến lớn đều phải tạm dừng.
>>Giá thép tăng vượt đỉnh, doanh nghiệp ngành thép làm ăn ra sao?
Dạo quanh các tuyến phố chuyên buôn bán thép xây dựng tại Hà Nội, ghi nhận của Diễn đàn Doanh nghiệp cho thấy giá thép tăng cao khiến không khí ảm đạm bao trùm lên các cửa hàng kinh doanh.
Chị Hảo - chủ cửa hàng thép xây dựng tại số 70 Đê La Thành cho biết, từ đầu năm 2022, giá thép liên tục tăng đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh của cửa hàng. Theo đó, so với năm 2021, lượng khách đã giảm khoảng 50%, nhiều gia đình sau khi tham khảo giá thép, tuy nhiên một tuần sau chuẩn bị ký hợp đồng mua bán lại tạm dừng vì giá đã tăng cao.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện CTCP Thương mại và xây dựng Lam Sơn cũng cho biết, giá thép tăng chóng mặt đã khiến lượng khách hàng giảm rõ rệt so với mọi năm. Đặc biệt, nhiều công trình nhỏ đang thi công cũng tạm dừng để "nghe ngóng" và chờ bình ổn giá hoặc thi công cầm chừng.
Có thể bạn quan tâm |
"Thông thường đầu năm là thời điểm bước vào mùa xây dựng, là mùa kinh doanh lớn nhất trong năm. Thế nhưng từ Tết nguyên đán đến nay, lượng mua bán đã giảm 30 - 50% so với các năm trước dịch. Dù vẫn có giao dịch nhưng các công trình lớn đang có động thái tạm dừng nhiều hơn. Hoạt động kinh doanh của các tiểu thương thép xây dựng gặp rất nhiều khó khăn và khó cầm chừng được nếu giá thép tiếp tục tăng như hiện nay".
Trên thực tế, trung tuần tháng 3, nhiều doanh nghiệp thép đã phát đi thông báo điều chỉnh tăng giá thép, đây là đợt tăng thứ 4 trong tháng này và đợt tăng thứ 7 kể từ đầu năm.
Trong đó, với thép Hòa Phát, tại miền Bắc là 18,93 triệu đồng một tấn loại thép cuộn CB240; thép thanh vằn CB300 là 19,03 triệu đồng một tấn. Còn tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18,98 triệu đồng và 19,08 triệu đồng một tấn.
Thương hiệu Pomina cũng nâng mức giá lên với với dòng thép cuộn CB240 tăng 510.000 đồng/tấn, lên mức 19,3 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 500.000 đồng/tấn, hiện có giá 19,5 triệu đồng/tấn, áp dụng cho thị trường miền Trung. Và tăng 1,4 triệu đồng/tấn đối với dòng thép cuộn CB240, D10 CB300 lên mức 19,4 triệu đồng/tấn và 19,6 triệu đồng/tấn, với thị trường miền Nam.
Thương hiệu thép Thái Nguyên cũng thông báo tăng thêm 460.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng sản phẩm của công ty. Theo đó, thép cuộn CB240 có giá mới là 19,3 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19,5 triệu đồng/tấn.
Ngoài ra, thép miền Nam cũng tăng thêm 610.000 đồng/tấn đối với cả thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá của hai sản phẩm này lần lượt là 19,1 triệu đồng/tấn và 19,3 triệu đồng/tấn.
Đây là lần tăng giá thứ hai trong một tuần qua, với mức tăng thêm phổ biến 1,2-1,4 triệu đồng mỗi tấn, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định, nhiều doanh nghiệp thép trong nước đã phải điều chỉnh giá bán thép liên tục do nhiều yếu tố kết hợp với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Thị trường xác lập mặt bằng giá mới, khiến mức độ cạnh tranh giữa các nhà máy ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.
Đáng chú ý, không chỉ làm khó doanh nghiệp xây dựng, giá thép tăng cũng đẩy các vật liệu xây dựng như sắt, cát, xi măng tăng theo, khiến các chủ đầu tư bất động sản "đau đầu".
Chia sẻ với PV, đại diện một chủ đầu tư có trụ sở tại Hà Nội cho biết, nhiều nhà thầu vì ký hợp đồng thi công trọn gói nên tìm cách kéo dài tiến độ, chờ giá xuống cho đỡ lỗ. Nhưng giá vật liệu xây dựng vẫn tăng dựng đứng, dự án bị chậm tiến độ khiến chủ đầu tư bị khách hàng phạt do chậm giao nhà.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Phú Đông cũng chia sẻ, giá nguyên vật liệu tăng đang tạo áp lực lớn với chủ đầu tư, riêng chi phí sắt thép chiếm 15 - 20% tổng vốn đầu tư. Nếu giá VLXD tăng, buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán theo hướng tăng. Điều này sẽ khiến khách hàng dè dặt khi xuống tiền.
Một chủ đầu tư khác cũng cho biết, giá vật liệu tăng quá nhanh khiến tổng thầu đề nghị đàm phán lại giá theo hướng tăng thêm từ 10-12%. Nếu áp dụng giá xây dựng mới, chắc chắn giá thành công trình sẽ đội lên khá nhiều, khi đó buộc lòng chủ đầu tư phải điều chỉnh lại giá bán căn hộ.
Tuy nhiên, theo dự báo từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) đã có nhiều yếu tố tiếp tục hỗ trợ đà tăng cho giá sắt thép trong thời gian tới. Các chuyên gia nhận định, áp lực tăng giá bán bất động sản hiện đang rất lớn, nếu giá thép chưa thể bình ổn, điều chỉnh tăng giá nhà các dự án là điều sớm muộn.
Có thể bạn quan tâm
Giá thép tăng dựng đứng, doanh nghiệp ngành xây dựng làm ăn ra sao?
11:00, 15/03/2022
Giá thép tăng vượt đỉnh, doanh nghiệp ngành thép làm ăn ra sao?
12:45, 13/03/2022
Giá thép sẽ giảm 10 - 15% trong năm 2022?
04:10, 12/01/2022
Giá thép xây dựng sẽ hạ nhiệt
17:09, 26/08/2021
Bộ Công Thương gia hạn trả lời câu hỏi về điều tra chống bán phá giá thép mạ
21:10, 23/07/2021