Mặc dù giá lợn tăng cao nhưng thực tế bà con chăn nuôi lại không được hưởng nhiều lợi ích.
Giá thịt lợn trên thị trường đang có những diến biến lạ, tăng vùn vụt từng ngày, trong khi dấu hiệu khan hiếm không có.
Thịt lợn đang bị “làm xiếc”
Theo quy luật thị trường nhiều năm, mùa nắng nóng, giá thịt lợn thường có xu hướng giảm nhẹ do nhu cầu ở miền Bắc giảm.
Tuy vậy, kể từ giữa tháng 4 đến nay, giá thịt lợn trên thị trường lại tăng vùn vụt từng ngày. Nhiều nơi, giá lợn hơi xuất chuồng đã lên tới mức 50.000 đồng/kg. Đáng nói, chỉ 1 năm trước, các bộ, ngành trong đó có Bộ NN&PTNT còn hô hào người dân, tổ chức vào cuộc “giải cứu thịt lợn” do nguồn cung dư thừa.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, tại thị trường miền Bắc, giá lợn hơi tăng chóng mặt, một số nơi, giá lợn hơi xuất chuồng chạm mức 50.000 đồng/kg, còn phổ biến ở mức 46.000-48.000 đồng/kg.
Ông Trần Thanh Long, chủ trang trại chăn nuôi ở Thanh Oai, Hà Nội cho biết, giá lợn hơi đã rậm rịch lên tới 51.000-52.000 đồng/kg. Dù đang thu lời lớn từ việc giá lợn tăng vòn vọt, nhưng ông Long bày tỏ: “Thực ra, giá lợn hơi đứng ở mức 40.000-42.000 đồng/kg là hợp lý, còn như hiện nay là cao”.
Giá lợn xuất chuồng tăng mạnh kéo theo giá thịt lợn trên thị trường cũng đang nhảy múa theo ngày. Chị Nguyễn Bích Phượng ở Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội than thở: “Tôi đi chợ giá thịt lợn mỗi ngày một khác. Giá thịt nạc vai hồi đầu tháng 5 còn ở mức 80.000 đồng/kg, nhưng hiện tại đã ở mức 110.000 đồng/kg, sườn cũng đã ở mức 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, mấy người bán thịt tại chợ còn cho biết, giá sẽ còn lên mà không hiểu nguyên nhân do đâu”.
Bất thường!
Sau cuộc khủng hoảng dư thừa thịt lợn vào năm 2017, hàng nghìn hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẽ đã bỏ nuôi lợn hoặc giảm đàn do không còn đủ khả năng tài chính. Bởi vậy, giá lợn hơi đột ngột tăng thời điểm này, thực ra lợi nhuận khổng lồ không chảy vào túi nông dân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi bày tỏ, thị trường thịt lợn đang có những diễn biến khá khó hiểu. Trong khi thịt lợn tại thị trường Trung Quốc khá rẻ nên sẽ không nhập khẩu của Việt Nam còn thị trường trong nước nhu cầu tiêu dùng cũng không có dấu hiệu tăng đột biến bởi đang giữa mùa Hè nắng nóng. Vậy tại sao giá thịt lợn lại nhảy múa?.
“Diễn biến của thị trường cho thấy, sự điều tiết của cơ quan chức năng là có vấn đề. Chỉ trong vòng 1 năm, giá thịt lợn diễn biến khó lường, từ chạm đáy thua lỗ đến cao chót vót chỉ trong vài tháng”, vị chuyên gia nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam thẳng thắn bày tỏ, giá thịt lợn đang có vấn đề bất thường. Hiện tại, ở một số nơi thuộc Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, giá lợn hơi hôm nay, 29-5, đã tăng từ 2.000-4.000 đồng/kg so với tuần trước, đạt mức cao kỷ lục 52.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tăng do nguồn cung giảm so với trước.
Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Vang, đây là mức tăng rất cao, bất thường. Mặc dù giá lợn tăng cao, nhưng thực tế bà con chăn nuôi lại không được hưởng nhiều lợi ích. Vì thời điểm này, đại đa số các hộ nuôi lợn nhỏ đã không còn lợn để bán do tác động của đợt khủng hoảng thừa trước đó. Đối tượng hưởng lợi lớn nhất lại là các trang trại lớn, các công ty, tập đoàn chăn nuôi bởi họ có nguồn cung dồi dào.
“Mức giá này có thể cao hơn trong thời gian tới tuy nhiên cũng không thể cao hơn nhiều so với mức giá hiện tại nhiều do vào mùa nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn giảm đi. Còn mức giá cao thế này có thể duy trì đến bao giờ thì chưa thể dự báo được” ông Nguyễn Đăng Vang nhận định.
Có hay không việc thao túng thị trường?
Cũng bởi diễn biến thị trường thịt lợn đang có “vấn đề” nên nhiều người đã đặt ra nghi vấn một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đang thao túng.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ, đợt tăng giá này, nông dân là người chịu thiệt, còn các công ty lớn thì trường vốn, trụ được nên họ có lời hơn. Các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài càng được hưởng lợi lớn hơn.
Liên quan đến nghi vấn Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đang thao túng thị trường, ông Dương khẳng định: “Công ty C.P Việt Nam không thể thao túng giá, thậm chí chúng tôi còn đang yêu cầu các doanh nghiệp lớn như Dabaco, Masan, C.P phải neo giá lợn xuống, trong đó C.P đang làm rất tốt điều này.
Thực tế, theo tính toán của chúng tôi, nên duy trì giá lợn ở khung giá 40.000-45.000 đồng/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững, bởi nếu để giá tăng quá cao sẽ dẫn đến 2 nguy cơ: Phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng. Trong khi đó, nếu duy trì giá 40.000-45.000 đồng/kg, thị trường có thể vẫn chấp nhận được do hơn 1 năm qua đã được ăn thịt lợn giá rẻ rồi”.