Phong cách sống

Giá trị gia đình Việt trong thời kỳ mới

Nguyễn Việt thực hiện 24/12/2024 08:00

Sự xuất hiện của các mô hình gia đình phi truyền thống đã và đang đặt ra nhiều vấn đề về văn hóa ứng xử.

bai anh Viet
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Trong thời đại ngày nay, việc xây dựng hạnh phúc trên nền tảng thiết chế gia đình bền vững gặp không ít thách thức và khó khăn. Ông có thể chia sẻ về vấn đề này?

Đúng như vậy, hiện nay trong một gia đình mối quan hệ giữa bố mẹ, con và cháu dường như có sự cách biệt với nhau, các cháu còn nhận xét ông bà lạc hậu. Điều này cho thấy có sự nhận thức về xã hội, về hạnh phúc thời nay thay đổi rất nhiều so với trước đây. Văn hoá và đạo đức truyền thống đang có sự “lệch pha” giữa thế hệ trước và thế hệ trẻ hiện nay.

- Thực trạng cho thấy hiện nay không ít gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ những khó khăn về kinh tế, đời sống, đến việc giáo dục, tâm lý, tình cảm, quan niệm đạo đức... Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thế hệ chúng tôi khi ngồi trao đổi với nhau đều rất băn khoăn về thực trạng này. Tôi lấy ví dụ một số người bạn tôi có 3-4 người con nhưng các con không sống cùng bố mẹ mà “chung nhau” góp tiền để thuê người chăm sóc. Các con không thường xuyên chăm sóc bố mẹ với lý do bận công việc.

Thế hệ chúng tôi quan niệm bố mẹ sinh ra mình thì mình phải có bổn phận chăm lo cho bố mẹ lúc tuổi già hay ốm đau. Chúng tôi luôn suy nghĩ mình báo đáp làm sao để bố mẹ được hài lòng với tinh thần đạo đức truyền thống của dân tộc ta là “ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”.

Nhưng hiện nay, có một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không quan tâm đến việc này, mà “phân công” chăm sóc bố mẹ, con lớn thì nuôi bố, con thứ thì nuôi mẹ. Chỉ khi đến tết các con mới đưa bố mẹ “đoàn tụ” nhưng cũng chỉ trong mấy ngày tết.

Qua đây cho thấy, vấn đề gia đình hiện nay đang có rất nhiều hạn chế. Khi gia đình không ấm cúng thì xã hội cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp.

z6147983044504_5ee208569467ef5633c6a81f3413cbad.jpg
Văn hóa ứng xử trong mỗi gia đình góp phần không nhỏ hình thành nên giá trị văn hóa của người Việt.

Gần đây tôi có tìm hiểu thông tin từ điều tra xã hội học thì thấy, thế hệ chúng tôi (U90) thì 100 người mới có 1 đến 2 trường hợp ly hôn. Đến thế hệ con tôi (U60) thì 100 người thì đã có từ 20 đến 30 gia đình ly hôn. Còn với thế hệ cháu tôi (U30), qua điều tra xã hội học thì có đến 50% gia đình chỉ sau 10 năm chung sống thì đã ly hôn.

Do đó, qua các cuộc họp trong Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội UBTƯ MTTQ Việt Nam chúng tôi thấy rằng đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Trước thực tế này, chúng tôi đề xuất cần có thêm nhiều nhà dưỡng lão để khi bố mẹ về già còn có người chăm sóc.

- Nhiều vấn đề trước đó không tồn tại hoặc không đáng kể, nay lại trở thành những vấn đề phát sinh phức tạp, chẳng hạn như chung sống không kết hôn, sống thử, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, kết hôn đồng giới, chuyển giới, hôn nhân xuyên quốc gia, bạo lực gia đình, tác động của internet mà cụ thể là mạng xã hội đến đời sống gia đình... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Thuần phong mỹ tục do ông cha chúng ta từ nhiều thế hệ tạo dựng để tạo ra một nét đẹp văn hoá ứng xử của người Việt Nam. Nhưng ngày nay, dưới sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường nhiều người đã dẫn đến việc “lệch chuẩn”.

Ở một khía cạnh nào đó, những mô hình gia đình phi truyền thống cho thấy cái tôi cá nhân ngày càng được tôn trọng, quan niệm cũ bao lâu nay kìm hãm sự phát triển của cá nhân nay đã được tháo gỡ dần.

Thuần phong mỹ tục do ông cha chúng ta từ nhiều thế hệ tạo dựng để tạo ra một nét đẹp văn hoá ứng xử của người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh sự hình thành và phát triển như một xu thế tất yếu, các mô hình gia đình phi truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề có ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển của đời sống xã hội. Đó là sự quá đề cao tự do cá nhân, coi trọng kinh tế, tâm lý chuộng hình thức, tính thực dụng... dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể trong văn hóa ứng xử gia đình.

Trong các gia đình có bố hoặc mẹ đơn thân hay các gia đình hình thành từ cặp đồng tính nam hoặc đồng tính nữ, trẻ sẽ không nhận được sự giáo dục hoàn chỉnh. Với gia đình đơn thân, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị phá vỡ, điển hình là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được hình thành và nuôi dưỡng trong môi trường gia đình.

Nhưng với những bà mẹ đơn thân, đặc biệt là bà mẹ đơn thân sinh con gái thì việc tạo lập và duy trì thói quen thờ cúng tổ tiên dễ mất đi. Người Việt Nam vốn trọng mối liên hệ dòng họ, làng xóm. Tuy nhiên, với hình thái gia đình đơn thân, những mối liên hệ ấy trở nên lỏng lẻo.

- Để thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình, đảm bảo mỗi gia đình Việt Nam được ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06-CT/TW, theo ông chúng ta sẽ cần phải thực hiện những giải pháp trọng tâm gì?

Trong bối cảnh các giá trị gia đình vẫn được người dân coi trọng trong cuộc sống cũng như quy mô, cơ cấu, chức năng gia đình đang thay đổi theo hướng hiện đại hóa, cá nhân hóa… thì chúng ta cần phải đẩy mạnh việc thực hiện một số giải pháp.

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới, tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi định kiến xã hội về hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, cần xây dựng chính sách và dịch vụ xã hội bảo đảm sự tiếp cận công bằng, bình đẳng giữa các mô hình gia đình hiện nay.

Thứ ba, cần phổ biến kết quả nghiên cứu về các giá trị gia đình mà người dân Việt Nam đang ủng hộ để các nhà lập pháp, hoạch định chính sách, quản lý nhà nước về gia đình nắm rõ thực tế này.

Thứ tư, cần có sự hỗ trợ về dịch vụ xã hội, tư vấn xã hội dành cho các nhóm đang có xu hướng theo đuổi những giá trị hiện đại của gia đình, đồng thời hạn chế tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ...

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.

- Cha mẹ, ông bà làm gương tốt cho con, cháu trong cử chỉ, hành động, lời nói; có tình cảm gắn bó gần gũi với con cháu.

- Quan tâm, nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo con cháu khi con cháu còn nhỏ; khi con, cháu không có khả năng tự nuôi sống, chăm sóc bản thân.

- Trao truyền các giá trị truyền thống, kinh nghiệm sống cho con cháu; giáo dục, động viên con cháu thực hiện lối sống văn hóa, ý thức công dân, giữ gìn nền nếp, gia phong.

logo gd
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá trị gia đình Việt trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO