Giá vàng thế giới bật tăng mạnh lên mức giá 2.476 USD/ounce nhờ lực cầu trú ẩn an toàn tăng mạnh do bất ổn địa chính trị leo thang, khiến giá vàng miếng SJC trong nước cũng bật tăng mạnh.
Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 13/8), giá vàng miếng SJC trong nước đồng loạt được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh giá tăng mạnh từ 1.400.000 đồng/lượng đến 1.500.000 đồng/lượng, qua đó đưa giá vàng miếng SJC trở lại ngưỡng 80.000.000 đồng/lượng. Đây cũng là mức giá bán vàng miếng trên thị trường cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng SJC bình ổn từ đầu tháng 6/2024.
Cụ thể, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), DOJI Hà Nội và DOJI Sài Gòn niêm yết vàng miếng với mức giá 78.000.000 đồng/lượng mua vào và 80.000.000 đồng/lượng bán ra, tăng mạnh 1.500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý SJC cũng niêm yết vàng miếng với mức giá 78.000.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 80.000.000 đồng/lượng ở chiều bán ra, nhưng mức tăng giá ở chiều mua vào là 1.400.000 đồng/lượng và bán ra là 1.500.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên giao dịch ngày 12/8.
Cùng chung với xu hướng tăng mạnh của vàng miếng SJC, giá vàng trang sức thương hiệu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tại thị trường TP.HCM trong phiên giao dịch sáng nay cũng được doanh nghiệp điều chỉnh tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 310.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá chốt phiên giao dịch ngày hôm qua. Hiện giá niêm yết của PNJ là 76.600.000 đồng/lượng mua vào và 77.900.000 đồng/lượng bán ra.
Tương tự, giá vàng nhẫn trơn 24K cũng bật tăng. Mỗi lượng vàng nhẫn tại SJC tăng thêm 300.000 đồng, lên 76.600.000 đồng – 77.900.000 đồng/lượng. Loại vàng này tại một số doanh nghiệp kinh doanh khác cũng quanh mức 78.000.000 đồng một lượng.
Trên thị trường thế giới, thời điểm lúc 10 giờ sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đứng ở mức hơn 2.463 USD/ounce, tăng mạnh hơn 35 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua. Trước đó, lúc rạng sáng nay, giá vàng thế giới đã chạm ngưỡng 2.476 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 4 tuần qua. Quy đổi giá vàng thế giới tương đương khoảng 75,2 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá trong nước và thế giới hiện nay là gần 5 triệu mỗi lượng.
Giá vàng thế giới tăng mạnh nhờ lực cầu trú ẩn an toàn tăng cao do bất ổn địa chính trị leo thang. Hôm qua, Israel vẫn mở rộng hoạt động tại thành phố Khan Younis, phía nam dải Gaza, bất chấp các nỗ lực quốc tế hối thúc đàm phán thỏa thuận ngừng bắn tại đây để ngăn xung đột lan rộng. Trong khi đó, quân đội Ukraine vài ngày qua cũng mở chiến dịch tấn công bất ngờ qua biên giới, xâm nhập tỉnh Kursk (Nga).
Bên cạnh đó, tâm lý lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo đã tăng lên cũng hỗ trợ cho kim loại quý màu vàng. Theo công cụ FedWatch CME, các nhà đầu tư đang định giá 49% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 9.
Hiện tại, các nhà giao dịch chú ý đến dữ liệu lạm phát quan trọng sẽ công bố vào giữa tuần này để có thêm tín hiệu về chính sách tiền tệ của Mỹ. Cụ thể, số liệu giá sản xuất và tiêu dùng của Mỹ sẽ lần lượt được công bố vào thứ Ba và thứ Tư.
Theo chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS, dữ liệu lạm phát tới đây sẽ giúp xác định mức cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới. Do vậy, báo cáo này có thể tạo ra biến động lớn về giá. Ông này cho rằng, để vàng đạt mức cao kỷ lục mới, lạm phát cần phải thấp hơn kỳ vọng của thị trường.
Trong khi đó, chuyên gia Jim Wycoff, nhà phân tích cấp cao tại Kitco Metals nhận định, giá vàng thế giới lao lên trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn an toàn vốn vào kim loại quý này gia tăng, giá dầu thô nóng lên khi tình hình địa chính trị tại Trung Đông căng thẳng.