Giá vàng năm 2022: Một năm đầy biến động

ĐÌNH ĐẠI 31/12/2022 05:00

Giá vàng trong nước và thế giới trải qua một năm 2022 đầy biến động và thiết lập nhiều cột mốc lịch sử mới trong ngành kim hoàn trong nước cũng như thế giới.

>>>Thị trường vàng tăng lực hấp dẫn với nhà đầu tư

Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, giá vàng miếng SJC đứng ở mức giá 65,9 triệu đồng/lượng mua vào và 66,7 triệu đồng/lượng bán ra. So với mức giá bán ra ở thời điểm ngày đầu năm là 61,7 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC đã tăng 5 triệu đồng/lượng, tương đương với 8% trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, nếu so với đỉnh giá 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập được vào ngày 8/3, thì giá vàng SJC đã giảm 7,7 triệu đồng/lượng, tương đương hơn 9,8%.

Nhà đầu tư vàng trong nước lãi khoảng 4,2 triệu đồng/lượng, nếu mua vàng đầu năm và bán vào cuối năm - Ảnh: Đình Đại.

Nhà đầu tư vàng trong nước lãi khoảng 4,2 triệu đồng/lượng, nếu mua vàng đầu năm và bán vào cuối năm - Ảnh: Đình Đại.

Điều này đồng nghĩa với việc, nhà đầu tư mua vàng vào thời điểm đầu năm và nắm giữ suốt 12 tháng qua và nếu bán vàng ở thời điểm hiện tại thì sẽ lãi khoảng 4,2 triệu đồng/lượng. Ngược lại, nếu nhà đầu tư mua vàng miếng vào thời điểm đỉnh giá 74,4 triệu đồng/lượng và bán vàng ra ở thời điểm hiện tại, thì sẽ lỗ hơn 8 triệu đồng/lượng.

Năm 2022 được xem là một năm đầy biến động đối với giá vàng, khi vàng miếng trong nước liên tục thiết lập những dấu mốc mới trong lịch sử không chỉ về giá, mà cả về chênh lệch giá mua – bán cũng như chênh lệch giữa giá trong nước so với giá thế giới.

Nếu như hồi đầu năm, giá vàng miếng trong nước chỉ giao động ở mức giá 60 – 61 triệu đồng/lượng, chỉ hơn 1 tháng sau, vào ngày 8/2, giá vàng SJC đã thiết lập mức giá mới là 64,4 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất trong lịch sử của vàng ở thời điểm đó.

Cũng chỉ 1 tháng sau, ngày 8/3, giá vàng miếng SJC lại thiết lập một đỉnh giá mới chưa từng có trong lịch sử ngành kim hoàn, với mức giá 74,4 triệu đồng/lượng, tăng 10 triệu đồng/lượng, tương đương với tăng hơn 15,5% chỉ trong vòng 1 tháng.

Ở thời điểm này, giá vàng trong nước cũng chứng kiến việc thiết lập mức chênh lệch giá cao hơn giá thế giới cao nhất trong lịch sử lên đến gần 20 triệu đồng/lượng, tương đương với cao hơn 32%. Chênh lệch biên độ mua – bán cũng nới rộng ra hơn 2 triệu đồng/lượng.

Việc giá vàng miếng SJC trong nước tăng quá đà và vượt mọi đỉnh cũ, cùng với chênh lệch giữa giá trong nước luôn duy trì ở mức quá cao so với giá thế giới sẽ là rủi ro lớn cho nhà đầu tư mua vào. 

Đỉnh giá 74,4 triệu đồng/lượng chỉ giữ được vài tiếng đồng hồ trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 8/3, đến chiều cùng ngày, giá vàng giảm mạnh trước áp lực bán chốt lời của nhà đầu tư, chỉ còn 72 triệu đồng/lượng bán ra, chiều mua vào cũng chỉ còn 70,2 triệu đồng/lượng, khiến người mua vàng chiều hôm trước lỗ 3,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, với mức giá này, vàng SJC trong nước đã thiết lập lại tất cả các cột mốc lịch sử về giá, chênh lệch biên độ mua - bán và cả chênh lệch giá với thế giới.

Giá vàng sau đó liên tục giảm mạnh về dưới ngưỡng 70 triệu đồng/lượng, cùng với đà giảm của giá vàng thế giới. Đến ngày 16/3, giá vàng SJC trong nước giảm chỉ còn 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,7 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng sau đó lên xuống xung quanh mức giá từ 66 – 70 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, đến ngày 18/7, vàng miếng SJC trong nước lại thiết lập một cột mốc lịch sử mới, với mức giảm giá “sốc” lên tới 5 triệu đồng/lượng chỉ trong 1 phiên giao dịch, khiến nhiều nhà đầu tư bị “sụp hố”, lỗ nặng và không biết chuyện gì đang xảy ra với giá vàng.

Giá vàng trong nước liên tục “nhảy múa” và có nhiều điểm bất hợp lý, đến nỗi một vị Đại biểu Quốc hội trong một phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại nghị trường Quốc hội đã đặt câu hỏi “Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không?”.

>>>Hấp lực tăng giá vàng năm 2023

Tại thị trường thế giới, giá vàng cũng có một năm đầy biến động không kém. Xét theo năm, nhà đầu tư trên thị trường vàng quốc tế thua lỗ nếu nắm giữ vàng suốt 1 năm qua. Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới vào cuối năm 2021 là khoảng 1.830 USD/ounce, so với giá vàng giao ngay tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12 đứng ở mức giá 1.815 USD/ounce. Như vậy, giá vàng thế giới đã giảm 15 USD/ounce trong vòng 1 năm, tương đương giảm hơn 0,8%.

Trong năm 2022, giá vàng thế giới đã có thời điểm đạt đỉnh cao nhất trong đêm 7/3 - rạng sáng 8/3 (giờ Việt Nam) với mức 2.002 USD/ounce.

Trong năm 2022, giá vàng thế giới đã có thời điểm đạt đỉnh cao nhất trong đêm 7/3 - rạng sáng 8/3 (giờ Việt Nam) với mức 2.002 USD/ounce.

Trong năm 2022, giá vàng thế giới đã có thời điểm đạt đỉnh cao nhất trong đêm 7/3 - rạng sáng 8/3 (giờ Việt Nam) với mức 2.002 USD/ounce, dưới tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine và ảnh hưởng của biến động kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, giá vàng thế giới có lúc đã xuống mức thấp nhất gần 1.630 USD/ounce vào ngày 28/9. Giá vàng thế giới bị kìm hãm bởi việc tăng lãi suất nhằm kìm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Dự báo năm 2023, giá vàng sẽ được hỗ trợ bởi căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế và sức mua của các ngân hàng trung ương. Thông tin từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các ngân hàng trung ương đã mua vàng với quy mô lớn.

Cụ thể, các ngân hàng trung ương đã mua 399 tấn vàng trong quý III, so với 186 tấn trong quý II và 88 tấn trong quý I/2022. Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu lượng mua với 29 tấn trong quý III. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trung ương bao gồm cả Trung Quốc và Nga không phải lúc nào cũng báo cáo về việc này.

Báo cáo của WGC cho thấy, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu trong quý III năm nay đạt 1.181 tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu tăng mạnh đã đưa tổng số vàng tiêu thụ từ đầu năm đến nay lên mức cao tương đương trước đại dịch COVID-19.

Theo CNBC, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư của Swiss Asia Capital, Juerg Kiener, giá vàng có thể tăng lên 4.000 USD/ounce vào năm 2023 do Fed sẽ ngừng tăng lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế.

Vị chuyên gia này giải thích rằng, nhiều nền kinh tế có thể phải đối mặt với suy thoái nhẹ trong quý đầu tiên, điều này có thể dẫn đến việc nhiều ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất và khiến vàng ngay lập tức trở nên hấp dẫn hơn. Trong khi đó, vàng cũng là tài sản duy nhất mà mọi ngân hàng trung ương sở hữu.

“Các nhà đầu tư sẽ tìm đến vàng trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao tại nhiều nơi trên thế giới. Vàng là một công cụ phòng ngừa lạm phát rất tốt, là một sản phẩm tuyệt vời trong thời kỳ lạm phát đình đốn và là bổ sung tuyệt vời cho danh mục đầu tư”, Kiener nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bất chấp nhu cầu vàng mạnh mẽ, Kenny Polcari, chiến lược gia thị trường cao cấp tại Slatestone Wealth lại bày tỏ quan điểm không đồng ý rằng giá vàng có thể tăng hơn gấp đôi vào năm tới. “Tôi không có mục tiêu giá 4.000 USD cho vàng, mặc dù tôi rất muốn thấy kim loại quý này có thể chạm mức giá đó”.

Vị chuyên gia lập luận, giá vàng sẽ chứng kiến một số đợt giảm giá và kháng cự ở mức 1900 USD/ounce và giá cả sẽ được quyết định bởi cách lạm phát phản ứng với việc tăng lãi suất trên toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Giá vàng ngày 30/12: Vàng thế giới bật tăng khi đồng USD bị bán tháo

    Giá vàng ngày 30/12: Vàng thế giới bật tăng khi đồng USD bị bán tháo

    15:49, 30/12/2022

  • Giá vàng 29/12: Thị trường ảm đạm khi gần sát kỳ nghỉ lễ

    Giá vàng 29/12: Thị trường ảm đạm khi gần sát kỳ nghỉ lễ

    16:00, 29/12/2022

  • Trung Quốc bỏ “Zero Covid”, vàng bật tăng mạnh

    Trung Quốc bỏ “Zero Covid”, vàng bật tăng mạnh

    12:00, 28/12/2022

  • Thị trường vàng tăng lực hấp dẫn với nhà đầu tư

    Thị trường vàng tăng lực hấp dẫn với nhà đầu tư

    14:00, 26/12/2022

  • Giá vàng tuần tới: Tạo “bước đệm” để bật tăng đầu năm mới

    Giá vàng tuần tới: Tạo “bước đệm” để bật tăng đầu năm mới

    05:00, 25/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vàng năm 2022: Một năm đầy biến động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO