Nhiều chuyên gia cho rằng với kỳ vọng FED chỉ giảm lãi suất 0,25% trong tháng này, giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh quanh mức 2.500 USD/oz.
Trong tuần này, giá vàng quốc tế đã giảm từ mức 2.507 USD/oz xuống 2.471 USD/oz trong những phiên đầu tuần. Sau đó, giá vàng phục hồi lên mức 2.529 USD/oz, rồi lại giảm xuống 2.485 USD/oz và đóng cửa tuần này ở mức 2.496 USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC theo niêm yết của Công ty Bảo Tín Minh Châu giảm nhẹ từ mức 81 triệu đồng/lượng xuống 80,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn của doanh nghiệp này vẫn ổn định ở mức 78,63 triệu đồng/lượng.
Những số liệu kinh tế gần đây của Mỹ đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình diễn biến trên thị trường vàng. Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ đã không đạt được kỳ vọng. Trong khi các nhà kinh tế dự đoán sẽ có thêm 160.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 8, thì con số thực tế chỉ là 142.000 việc làm.
Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 của Mỹ đã giảm nhẹ từ 4,3% xuống 4,2%. Tuy nhiên, con số này vẫn ở mức cao so với tỷ lệ 3,8% được ghi nhận một năm trước. Tổng số người thất nghiệp đã tăng từ 6,3 triệu lên 7,1 triệu trong năm qua, cho thấy những thách thức đang diễn ra trên thị trường lao động Mỹ. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các quyết định về chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới.
Những số liệu thị trường lao động này, cùng với các báo cáo lạm phát gần đây của Mỹ đã củng cố kỳ vọng về việc FED sắp cắt giảm lãi suất. Dự đoán này càng được thúc đẩy bởi tuyên bố của Chủ tịch FED Jerome Powell tại Hội nghị Jackson Hole vào ngày 24/8 vừa qua, trong đó ông lưu ý rằng "đã đến lúc chính sách tiền tệ phải điều chỉnh".
Ông Paul Ashworth, Chuyên gia kinh tế trưởng của Bắc Mỹ cho biết: "Mức tăng 142.000 việc làm của Mỹ trong tháng 8 có thể chỉ đủ để FED xem xét cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản trong tháng này, thay vì 50 điểm lãi suất cơ bản. Nhưng rõ ràng thị trường lao động Mỹ đã và đang trải qua sự suy thoái đáng kể.
Quả vậy, công cụ FedWatch của CME cũng cho thấy hiện có tới 100% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp vào ngày 17-18/9 sắp tới. Trong đó có khoảng 70% khả năng FED sẽ cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản, và chỉ 30% khả năng FED sẽ cắt giảm 50 điểm lãi suất cơ bản.
Theo một số nhà phân tích, kỳ vọng ngày càng tăng về việc FED cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản có thể khiến giá vàng dễ bị tổn thương trong thời gian tới, vì với mức cắt giảm lãi suất này, giá vàng khó có thể lập đỉnh cao mới trong ngắn hạn.
“Báo cáo việc làm tháng 8 không đủ kém khả quan để đảm bảo FED cắt giảm 50 điểm cơ bản vào ngày 18/9 tới. Do đó, giá vàng có thể vẫn sẽ ở mức cao, nhưng khó có thể đạt được mức cao mới tại thời điểm này”, ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập, nhận định và cho biết thêm rằng giá vàng tuần tới có thể sẽ tiếp tục dao động trong biên độ từ 2.470- 2.532 USD/oz. Tuy nhiên, nếu giá vàng tuần tới vượt qua mức 2.532 USD/oz, thì sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ hơn, với điều kiện FED bật tín hiệu liên tục cắt giảm lãi suất trong các cuộc họp sắp tới sau cuộc họp tháng 9 này.
Về trung và dài hạn, nhiều chuyên gia cho rằng giá vàng sẽ còn tăng mạnh vì FED càng cắt giảm lãi suất, thì sẽ càng khiến USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ suy yếu, làm tăng sức hấp dẫn của vàng. Hơn nữa, các ngân hàng trung ương vẫn đã và đang tiếp tục mua vàng dự trữ. Đặc biệt theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), các quỹ ETFs đã mua vàng tháng thứ tư liên tiếp sau khi bán ròng vàng 11 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy các quỹ ETFs đang kỳ vọng rất lớn vào đà tăng giá vàng trong dài hạn. Do đó, việc giá vàng lập đỉnh cao mới tại 2.600 – 3.000 USD/oz trong dài hạn cũng sẽ không ngoại lệ.
Cùng với dữ liệu CPI tháng 8 của Mỹ được công bố vào tuần tới, dự kiến giảm xuống mức 2,6% từ mức 2,9% được ghi nhận vào tháng 7, thị trường cũng sẽ tập trung vào Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khi cơ quan này tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ.