Đàm phán thương mại Mỹ- Trung bế tắc, số liệu việc làm Mỹ kém khả quan hơn dự kiến, rủi ro căng thẳng địa chính trị Iran,… có thể sẽ hỗ trợ giá vàng tuần tới.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.322USD/oz, giá vàng quốc tế giao ngay đã dao động trong biên độ 1.301- 1.325USD/oz và đóng cửa ở mức 1.314USD/oz.
Áp lực xuyên suốt tuần
Đóng cửa tuần này ở mức 1.314 USD/oz, giá vàng quốc tế đã giảm gần 0,7%, nhưng tính chung trong tuần giá vàng đã giảm 1,8%. Sở dĩ giá vàng giảm mạnh trong tuần qua là do USD đã tiếp tục tăng mạnh so với các đồng tiền chủ chốt. Đóng cửa tuần này, USD index ở mức 92,42 điểm, mức cao nhất trong hơn 3 tháng qua. Trong vòng 14 phiên giao dịch gần đây, thì có tới 11 phiên USD đều tăng giá mạnh.
Bên cạnh đó, mặc dù Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp tuần này, nhưng cho biết áp lực lạm phát của Mỹ đang gia tăng mạnh, sắp đạt tới mức mục tiêu 2% của Fed. Điều này cho thấy, nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào cuộc họp tháng 6 và tháng 12 sắp tới, để hoàn thành kế hoạch tăng lãi suất 3 lần trong năm nay. Lãi suất có xu hướng tăng cao sẽ hỗ trợ tích cực cho USD và trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến giá vàng chịu áp lực.
Ngoài ra, báo cáo của Hội đồng vàng Thế giới (WGC) cho thấy, nhu cầu vàng quý 1/2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua, cũng là một “gáo nước lạnh” đổ vào giá vàng vốn đang chịu nhiều áp lực.
Trong tuần này, nhà đầu tư Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Do đó, không khí giao dịch kém sôi động hơn nhiều so với các tuần trước đó. Giá vàng miếng SJC đã dao động trong biên độ từ 36,59- 36,69 triệu đồng/lượng đến 36,63- 36,73 triệu đồng/lượng, giảm trung bình khoảng 40.000đ/lượng. Mức giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm của giá vàng thế giới. Do đó, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế quy đổi đã tăng khá mạnh lên mức 580.000đ/lượng.
Trợ lực nổi lên
Mặc dù những yếu tố nói trên vẫn tiếp tục tác động tiêu cực đến giá vàng tuần tới, nhưng vừa qua lại xuất hiện một số trợ lực đối với giá kim loại quý này. Thứ nhất, số liệu việc làm phi nông nghiệp Mỹ (NFP) trong tháng 4 chỉ đạt 164.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với mức dự kiến 190.000 việc làm. Thứ hai, sau 2 ngày đàm phán, nhưng phái đoàn Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thống nhất được các giải pháp để giải quyết những bất động thương mại hiện nay giữa 2 nước. Điều này vẫn tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh thương mại Trung- Mỹ. Thứ ba, ngày 12/5/2018 là thời hạn cuối cùng để Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng về Thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA. Trước đó, Trump đe dọa sẽ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA trừ khi thỏa thuận này được sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu của Mỹ nhằm ngăn cản khả năng Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Nếu Trump không thông qua KCPOA, thì có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng địa chính trị ở Iran.
Giới chuyên gia cho rằng, những trợ lực trên có thể sẽ đẩy giá vàng tăng trong tuần tới, nhưng mức độ tăng không nhiều, bởi USD vẫn đang kìm hãm sự bứt phá mạnh mẽ của giá vàng. Các chỉ số phân tích kỹ thuật cho thấy, mức kháng cự quan trọng tuần tới là vùng 1.330USD/oz, kế tiếp là 1.356-1.365USD/oz. Trong khi đó, vùng 1.300USD/oz vẫn là mức hỗ trợ quan trọng, dưới mức này sẽ là 1.295USD/oz, xa hơn nữa là 1.277USD/oz.
Trong tuần tới có các số liệu kinh tế, sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng mạnh đến xu hướng giá vàng, như chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ số giá sản xuất PPI, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Powell.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần tới, trong số 18 chuyên gia phân tích của Wall Street, có 12 người (67%) dự báo giá vàng sẽ tăng; 4 người (22%) dự báo giá vàng giảm; 2 người (11%) dự báo giá vàng đi ngang.
Trong khi đó, trong số 809 độc giả tham giá khảo sát trực tuyến của Kitco, có 557 người (69%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 183 người (23%) nhận định giá vàng giảm; 69 người (9%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.