Nếu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được thông qua, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán xăng sẽ tăng khoảng 4,9%, đối với dầu diesel tăng khoảng 3,2%, dầu mazut khoảng 8,9%, dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội về việc tăng thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có việc tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu lên mức kịch khung 4.000 đồng/lít.
Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua thì từ ngày 1/7 thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít.
Bộ này cũng đề xuất tăng thuế môi trường với dầu diesel lên kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 1.500 đồng/lít. Thuế với dầu mazút, dầu nhờn tăng lên mức kịch khung 2.000 đồng/lít, thay cho mức 900 đồng/lít như hiện hành.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng vì mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là xăng dầu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Cụ thể xăng dầu nhập khẩu từ thị trường ASEAN và Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn (trên 60%).
Bộ Tài chính cho rằng, do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Cụ thể, số thu năm 2016 từ ASEAN là 5,8 nghìn tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2015 (13,5 nghìn tỷ đồng); từ Trung Quốc là 898 tỷ đồng, giảm 76% so với năm 2015 (3.712 tỷ đồng). Năm 2017, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường này tiếp tục giảm, trong đó từ ASEAN giảm 97% so với năm 2016.
Mặt khác, theo Bộ Tài chính, hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN và Châu Á nói chung.
Bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào ngày 27/11/2017 cho thấy, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng thứ vị trí 45 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 122 nước) với mức giá là 18.580 đồng/lít, thấp hơn so với 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam (thấp hơn Lào là 5.304 đồng/lít, Campuchia là 2.988 đồng/lít, Trung Quốc là 1650 đồng/lít). Đặc biệt, thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Châu Á như thấp hơn Singapore là 18.560 đồng/lít, Philippines là 3.892 đồng/lít, Hồng Kông là 27.974 đồng/lít.
"Xăng, dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen, hydrocacbon thơm, hydrocacbon nặng và một số phụ gia... Đây là những chất gây hại đến an toàn, sức khỏe và môi trường. Trong đó, tiếp xúc với chất benzen trong một thời gian nhất định có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư" - Bộ Tài chính cho hay.
Do đó, Bộ này cho rằng cần thiết điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chiếm đại đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường. Cho nên với phương án tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến ngân sách sẽ tăng mạnh.
Cụ thể, Bộ Tài chính tính toán, tổng số thu thuế BVMT dự kiến khoảng 57.312 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 15.684,2 tỷ đồng/năm. Trong đó, số thu thuế BVMT đối với xăng dầu dự kiến khoảng 55.591 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.863 tỷ đồng/năm.
Trước đó, trong năm 2017, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự luật thuế Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính muốn áp dụng khung thuế này từ 1/7/2018.
Ngay từ khi đề xuất này mới được công bố, Bộ Tài chính đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía dư luận và các chuyên gia kinh tế. Hầu hết đều cho rằng đây là mức nâng quá cao. Ở góc độ sản xuất thì sức cạnh tranh của hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng, trực tiếp từng người tiêu dùng bị thiệt.
Từng chia sẻ với DĐDN, luật sư Châu Huy Quang - Trọng tài viên - Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên nếu thuế tăng như đề xuất, giá có cao thì người dân vẫn buộc phải sử dụng. Tuy nhiên, sự tác động đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, chỉ số lạm phát... là rất lớn.
Bởi Theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ, thuế BVMT là một trong các yếu tố cơ bản cấu thành giá cơ sở (là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu).
Như vậy, với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng sẽ làm giá bán xăng dầu tăng lên. Cụ thể, đối với xăng, tỷ lệ tăng thuế bảo vệ môi trường trong giá bán khoảng 4,9%, đối với dầu diesel tăng khoảng 3,2%, dầu mazut khoảng 8,9%, đối với dầu nhờn khoảng 0,6% và đối với mỡ nhờn khoảng 2,3%.
Ngoài việc có thể tác động tiêu cực đến sức cạnh tranh của hàng hóa, một trong những lý do khiến các chuyên gia phản đối việc tăng phí BVMT là hiện tại số thu thuế BVMT hiện nay chưa được dùng hết cho mục đích môi trường.