Theo đuổi xu hướng “thực phẩm vì sự sống, thực phẩm thay đổi cuộc sống”, Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên đang ngày càng chứng minh bước đi của mình.
Hai tháng qua, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamit - liên tục nhận các bằng sáng chế công nghệ Mỹ cho loạt thức uống đông khô từ rau củ, trái cây nội địa. Sau đó, ông nộp bằng để làm thủ tục với Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Theo đuổi xu hướng thức uống tương lai
Ngày 9/6/2020, công nghệ chuyển từ thể lỏng sang bột mà vẫn giữ tính nguyên bản và đơn chất của ông Viên được Mỹ cấp bằng sáng chế (số US 10.676.797 B1). Ông Viên áp dụng công thức này với nước mía, nước mía lên men và thành công giữ được vị ngọt thanh, đậm bản sắc Việt. Khi đó, ông tiếp tục hướng đến mục tiêu đông khô nước ép trái cây, rau củ, dược liệu thành bột. "Đó là ước mơ của tôi với sức khỏe cộng đồng", ông Viên nói.
Chủ tịch công ty Vinamit cho biết ý tưởng chế thức uống đông khô xuất phát từ tin nhắn của cô con gái định cư ở Mỹ. Sophie - con gái ông nói rằng luôn nhớ tới vị nước mía quê hương. Tâm nguyện ấy khiến ông Viên mất ngủ nhiều đêm, luôn nghĩ cách làm thế nào có thể gửi cho con những ly nước mía tươi ngon, nguyên chất. Mấy tháng tiếp theo, Sophie liên tục gửi ông các tài liệu về xu hướng thức uống mới ở Mỹ - loại nước trái cây tươi, trọn vẹn dưỡng chất, prebiotic, các khoáng chất, vitamin, lợi khuẩn và giữ nguyên màu, mùi, vị. "Sophie nhấn mạnh loại nước ấy không phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, tạo màu, tạo mùi, tương tự ly nước mía con bé nói 'thèm muốn khóc'", Chủ tịch Vinamit chia sẻ.
Là nhà chế biến thực phẩm chuyên nghiệp, ông Viên biết Sophie đang đề cập tới xu hướng thức uống năm 2021 và tương lai. Hai năm trước, ông và con gái từng đi hội chợ F&B Washington (Mỹ), hứng thú khi biết loại nước công thức mới. Từ đó, bắt tay "chế nước mía nguyên bản" cho con gái.
Chặng đường mới khá gian nan, ông phải giải bài toán kép với nhiều yêu cầu, từ hình thức, mùi vị, tới các thành tố vi khuẩn, vi sinh... chỉ thấy rõ ở phòng thí nghiệm. Mỗi ngày ông trao đổi với nhiều nhóm, từ chuyên gia sinh học, y sinh, dinh dưỡng học đến chuyên gia thiết bị, công nghệ, xét nghiệm lẫn thí nghiệm...
Thu hoạch mía hữu cơ xong, ông thực hiện tiến trình chế biến. Sau khi nhập các loại máy về, ông Viên tháo lắp bổ sung tính năng đặc biệt, rồi đem các bán thành phẩm đi các lab phân chất. Khó nhất là khâu giữ nguyên vi khuẩn sống, các enzyme, khoáng chất, prebiotic... đảm bảo chúng có giá trị cao nhất.
Bài toán càng nan giải khi là sản phẩm của sức khỏe, dựa trên nền tảng organic, không phải cây mía đường, cũng không trồng theo phương pháp canh tác hóa học. Mía phải vừa thu hoạch, vừa ép và mới sấy. Quá trình đó khép kín, luôn tươi mới thì mới giữ nguyên dưỡng chất, tinh túy của cây mía mà không dùng chất phụ gia, điều vị hay bảo quản.
Trong khó khăn, ông luôn hình dung cảnh người Việt khắp thế giới và mọi công dân quốc gia khác được uống nước mía nguyên chất. Ông Viên tự nhủ "họ sẽ thích thức uống bổ khỏe, hỗ trợ miễn dịch tốt, nhất là khi đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp", rồi lại kiên định với giấc mơ ứng dụng công nghệ sấy đông khô nước mía.
Ba năm qua, ông liên tục thử nghiệm, biến đổi, sáng tạo các công đoạn trong quy trình công nghệ, từ khí điện lạnh bức xạ nhiệt đối lưu tự nhiên chân không đến các phần mềm tự động hoá IOT. Khi ứng dụng trên sản phẩm nước mía đạt kết quả cao, ông quyết định ngồi viết lại "sáng chế" của mình.
Để xin cấp bằng ở Mỹ, ông phải trình bày khoa học, rõ ràng 250 bài viết mô tả các sáng chế. Sau một năm, cơ quan thẩm quyền Mỹ thông báo đã thực hiện quá trình xem xét, phê chuẩn và khẳng định công nghệ có tính mới, không sao chép từ ai khác.
Ông cho hay: "Tình yêu, nỗi nhớ con đã thôi thúc tôi bước qua chông gai. Lòng yêu nghề và khao khát chinh phục thách thức... đã tiếp sức mạnh để tôi vượt những con đường mới.
Khởi đầu là nước mía, hiện Chủ tịch Vinamit tiếp tục chế biến thành công và đưa ra thị trường chuỗi sản phẩm sấy đông khô nguyên bản các loại trái cây, rau củ khác của Việt Nam. "Ai cũng mong muốn đạt doanh số cao, nhưng còn tùy thuộc vào thị trường, tuy nhiên sứ mệnh của chúng tôi là mang đến lối sống mới, sức khỏe và tươi trẻ, từ đó giúp mọi người ngày càng thành công và hạnh phúc hơn", ông Viên cho biết.
Chủ tịch Nguyễn Lâm Viên kỳ vọng 5 năm tới sẽ chinh phục hơn 50 triệu người tiêu dùng, trong đó 30 triệu người Việt và 20 triệu thành viên quốc tế. Nhằm đẩy mạnh nhận diện thương hiệu Việt và đưa sản phẩm của mình đến tận tay khách hàng toàn cầu, phục vụ cá nhân hóa, ông kết nối với Amazon, Alibaba... và nhiều sàn thương mại điện tử, hệ thống kinh doanh online lớn của thế giới. Bước đi này quan trọng và cấp thiết trong thời đại số, phù hợp với hành vi và phương thức mua sắm đang thay đổi của người tiêu dùng.
Chiến lược sắp tới của doanh nghiệp là sản xuất chuỗi đồ ăn, thức uống giữ được sự nguyên bản và đơn chất, không phải dùng điều vị, phụ gia thực phẩm, hóa chất hay chất bảo quản - xu hướng mới được người dung ưa chuộng. Ông nhấn mạnh: "Tôi quan niệm những gì thuần tự nhiên sẽ tốt cho sức khỏe. Quan trọng nhất, chúng ta phải lập tức đăng ký bản quyền, xin cấp bằng sáng chế để bảo vệ thành quả và chất xám của mình".
"Tôi mong góp sức vào nền nông nghiệp nước nhà bằng sức sáng tạo và những bước đi bài bản trong cuộc cạnh tranh trên thị trường thế giới, với tư cách doanh nghiệp khoa học Việt ứng dụng công nghệ mới. Trên nền tảng ‘nông nghiệp vì sự sống, loạt sản phẩm ra đời nhờ sáng chế đông khô có thể giúp cộng đồng người Việt và người tiêu dùng toàn cầu chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm ăn uống đúng cách. Từ đó, chữa được nhiều bệnh do mất cân bằng dinh dưỡng như tiêu hóa, bệnh mãn tính, lấy lại sức khỏe, vẻ đẹp tự nhiên và niềm vui sống", Chủ tịch Lâm Viên nói thêm.
Phải biết tạo thị trường và đủ sức để theo đổi “cuộc chơi”
Trong nguyên tắc marketing, muốn đột phá, thì đừng bao giờ sợ thời gian. Đó là văn hóa kinh doanh của Nhật Bản. Nếu doanh nghiệp đưa ra sản phẩm đơn giản mà ai cũng làm được, thì chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn.
Chỉ những sản phẩm của người đi sâu, tinh tế, độc đáo, đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường mới có thể đi đường dài.
Ví dụ, cùng là sản phẩm hữu cơ (organic), nhưng tiêu chuẩn của Mỹ có thể khác với tiêu chuẩn của châu Âu.
Đáp ứng được tiêu chuẩn rồi, nhưng nếu doanh nghiệp không kiên trì, đeo bám và tạo ra thị trường, thì cũng sẽ không có nhà phân phối nào… bán giúp, đơn giản, vì nhà phân phối chỉ bán những mặt hàng có người mua.
Khi manh nha có thị trường, thì phải biết thâu tóm thị trường bằng giải pháp “lỗ có kế hoạch”, tức chấp nhận lỗ trong thời gian đầu để “bớm sức” cho nhà phân phối chiếm thị trường, sau đó mới tính tới lợi nhuận.
"Tóm lại, phải biết tạo thị trường và đủ sức để theo đổi “cuộc chơi”, chấp nhận sự khốc liệt của thương trường, thì mới vẫy vùng được trên “biển lớn”", ông Viên nói.
Cách đi của Vinamit ngay từ những ngày đầu là vậy. Hơn 30 năm trước, ông đích thân đem mít sấy sang chào hàng ở các chợ đầu mối tại Đài Loan, Trung Quốc, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, vì bạn hàng chưa biết đến cây mít, hoặc chỉ biết mít tươi.
Không bỏ cuộc, ông bày bán hàng tại vỉa hè vào dịp Tết, khi các bà nội trợ Đài Loan đi mua sắm, để mời họ nếm thử. Họ ăn thấy ngon và lạ, rồi xúm nhau mua.
Các nhà buôn chứng kiến cảnh đó, họ không bỏ lỡ cơ hội và từ đó, Vinamit đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Đài Loan.
Sang Trung Quốc, ông Viên thuê người bản địa đi phát sản phẩm cho người dân ăn thử. Lúc ấy, các doanh nhân ở Trung Quốc thường đi xe lửa, nên ông đem mít lên tàu mời họ thưởng thức. Chính những chuyến xe lửa như vậy đã đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.
Hồi đó, dù đã là chủ doanh nghiệp, nhưng mỗi tháng, tôi dành đến 20 ngày ở ngoại quốc để bán hàng, khai phá thị trường, chấp nhận đi từ nhỏ tới lớn, từ lỗ tới lãi. Nhờ vậy, mới có Vinamit hôm nay.
Từng chia sẻ kinh nghiệm thành công nhằm lan tỏa nhiệt huyết kinh doanh và khát vọng đưa nông sản Việt chinh phục thế giới, tuy nhiên, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ông Nguyễn Lâm Viên nhận định ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. "Một thực tế là tất cả nông sản của chúng ta bị rớt giá, bởi thị trường đang thay đổi phương pháp mua bán. Nông sản từ Việt Nam ứ đọng. Cho đến nay, tình trạng này vẫn chưa ổn định, mức giá vẫn thấp", CEO Vinamit nhận định.
Theo vị CEO, nếu các đơn vị trong ngành chọn con đường mua bán theo cách cũ sẽ không còn phù hợp. Các bên đều phải thay đổi phương pháp, làm ăn có kế hoạch, bài bản hơn. Bên cạnh đó, một phân khúc thị trường đã bùng nổ và không đủ hàng để bán là nhóm hàng nông sản thuận tự nhiên. "Người ta bắt đầu chăm lo cho sức khỏe, người ta chăm lo đến hệ miễn dịch, làm sao để sống thuận tự nhiên, sống lâu hơn, để chống đỡ với dịch bệnh...", ông Nguyễn Lâm Viên nói.
Nói về tương lai của nông sản tự nhiên, CEO Vinamit khẳng định Việt Nam có thể làm nhà bếp của thế giới. Hậu Covid-19, lượng khách về Việt Nam sẽ gấp hai lần. Một phần vì họ tin Việt Nam còn nhiều nhiều thực phẩm tự nhiên, tốt cho sức khỏe, giá rẻ. Đây là cơ hội cho Việt Nam đưa thực phẩm vì sự sống đó ra thế giới.
"Việt Nam có thể đi chợ thay các gia đình trên khắp thế giới bằng cách giới thiệu cho họ những món ăn giàu sức sống của mình. Đây cũng là hướng đi mà nhiều bạn trẻ đã nhận ra. Tương lai của ngành nông nghiệp và thực phẩm đang thuộc về giới trẻ", vị CEO nhận định.
Đối với thế hệ tiếp nối này, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng họ đang nuôi dưỡng khát vọng lớn. Nếu được định hướng, dẫn dắt tốt, doanh nghiệp của họ có cơ hội vươn xa. "Tuy nhiên, các bạn phải có người dẫn dắt định hướng. Lĩnh vực nông nghiệp cần phải có phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm. Họ cũng cần những người kinh nghiệm để giúp đỡ, cần tiền để đầu tư thì mới có thể gặt hái", vị doanh nhân chia sẻ.
“Không có gì lãi bằng nông nghiệp bởi khi bạn làm ra nông trường mà còn không có đầu vào, thì chắc chắn lãi. Nhưng phải có người định hướng. Bởi làm nông nghiệp cần phương pháp, cần kiến thức, trải nghiệm, cần tiền để đầu tư đầy đủ.” Đồng thời phải có sự kiên trì và bền bỉ với con đường đã chọn.
Có thể bạn quan tâm
Tỷ phú vừa "soán ngôi" giàu nhất thế giới của ông chủ Amazon là ai?
03:00, 27/05/2021
Hai bước ngoặt "để đời" của CEO Du lịch Việt Trần Văn Long
03:00, 26/05/2021
Lời hứa của doanh nhân Đặng Thị Hoàng Yến
03:00, 25/05/2021
Đằng sau sự ra đi của "cha đẻ" TikTok
03:00, 24/05/2021
Lý do nào khiến CEO ByteDance “bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông”?
04:50, 23/05/2021
30 doanh nhân từ thương trường tới nghị trường (Phần 3)
15:18, 22/05/2021