Niềm vui của tôi là được nhìn ánh mắt hạnh phúc của bị cáo khi tòa tuyên vô tội, là khi được đồng hành cùng những mảnh đời bất hạnh trên chuỗi hành trình tìm công lý gian truân…
>>Vụ giám đốc ở Bắc Giang 10 năm kêu oan: Hoãn xử phúc thẩm, cần làm rõ nhiều tình tiết trong vụ án
Tôi cũng như bao con người bình thường khác, một cô gái sinh ra tại tỉnh Phú Thọ, một vùng núi nghèo ở phía bắc nhưng vẫn may mắn hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa bởi vẫn được ngày hai buổi đến trường. Còn nhớ trong một chương trình ngoại khóa của trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, mỗi học sinh chúng tôi đều được tự “thuyết trình” về ước mơ trong tương lai của mình. Nhiều bạn nữ ước được làm cô giáo, có người muốn sau này trở thành một nhân viên kế toán tài năng, một nữ doanh nhân thành đạt…. Mọi người đều say sưa nói về ước mơ của bản thân mình. Chỉ có tôi là khác biệt, từ nhỏ khi phải chứng kiến những cảnh bất công trong cuộc sống, tôi chỉ ấp ủ trong mình một giấc mơ sẽ trở thành một nữ luật sư giỏi để sau này có thể giúp những người dân nghèo như quê tôi.
Vốn là một gia đình nghèo khó, chỉ có vài sào ruộng bậc thang để cấy cày nên từ thuở thiếu thời, mẹ vẫn dạy chị em chúng tôi phải cố gắng học hành, biết giúp đỡ, yêu thương những hoàn cảnh khó khăn. Mẹ tôi là một người yêu đạo Phật nên những lời của đấng sinh thành không biết tự lúc nào ngấm vào tâm hồn tôi như một phần hơi thở.
Với ý chí kiên định từ nhỏ cho tới khi trưởng thành, tôi đến với nghề Luật sư cùng ước muốn và tham vọng giúp người, giúp đời như thế. Thực tế suốt nhiều năm hành nghề, được chứng kiến những vụ án thương tâm cùng bao mảnh đời được người Luật sư chân chính tìm lại ánh sáng công lý, thực sự đã làm tôi rơi nước mắt.
Điều gì đã khiến một ông lão đã ngoài 80 tuổi, lưng đã còng vẫn kiên định suốt 10 năm trời đi gõ cửa các cơ quan chức năng để đội đơn kêu oan cho con, điều gì khiến cả gia đình một doanh nhân từng là tài năng trẻ của một tỉnh thành phải tan nát sau một bản án với nhiều dấu hiệu oan sai. Ít ai biết rằng, phía sau mỗi một bản án thiếu “lý, tình” là những giọt nước mắt của biết bao con người, bao gia đình suốt nhiều năm trời không ngưng lại. Và những lần “chiến thắng” tại mỗi phiên tòa mà chúng tôi tham dự là niềm vui, hạnh phúc vỡ òa…Lúc đó trái tim tôi cũng thắt lại vì cảm thấy tự hào khi mỗi ngày trôi qua, với tâm sức dù nhỏ bé của mình nhưng thực sự đã đem lại thêm một nụ cười và xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời vốn đã nhiều rạn nứt.
>>Bồi thường án oan đã “tương xứng”?
Mỗi buổi chiều, tôi vẫn giữ thói quen dành thời gian nhiều hơn cho suy nghĩ. Và một ngày, tôi chợt nhận ra rằng, khắp 64 tỉnh thành, từ Bắc tới Nam, từ Hà Giang là địa đầu Tổ quốc đến mũi Cà Mau…, vẫn còn có rất nhiều, rất nhiều những lá đơn kêu oan thấm đẫm nước mắt, có những phận đời phải mòn mỏi với hành trình đi tìm công lý suốt hàng chục năm ròng. Và phía sau những ánh mắt u buồn chất chứa những nỗi niềm riêng ấy vẫn kiên định với niềm tin công lý sẽ về. Chính điều ấy khiến tôi nhận ra rằng, họ đang rất cần những luật sư như chúng tôi để đồng hành trên con đường đầy gian truân ấy.
Đáng nói, cũng trong những năm tháng trải nghiệm với nghề, tôi thực sự đau lòng khi có những số phận chưa một lần có cơ hội được giãi bày, họ phải cam chịu nỗi oan khuất, thậm chí phải chịu bất công cho tới khi về thế giới khác… Chứng kiến những điều đó tôi mạnh mẽ hơn để thực hiện sứ mệnh nghề Luật sư của mình, chúng tôi quyết tâm phải tìm ra ánh sáng cho những người còn đang khắc khoải một niềm tin vào công lý, nhưng còn đang lần mò trong bóng tối.
Bất cứ khi nào khi phải chứng kiến những giọt nước mắt bởi những bất công, thiệt thòi trong cuộc sống, tôi lại thấy thấy bản thân mình phải có trách nhiệm cho dù tôi chưa biết họ là ai…hay họ sẽ hứa hẹn dành cho, tặng tôi điều gì. Đó chính là mục đích sống và giá trị bản ngã riêng của những người Luật sư chân chính nói chung và tôi - một phần nhỏ bé nói riêng.
Tôi vẫn thường cảnh tỉnh bản thân mỗi ngày phải sống sao cho đến “ngày đẹp trời” nào đó, ngồi nhâm nhi một ly cà phê, chậm rãi nhìn ra ngoài hiên vắng thấy lá vàng rơi báo hiệu thu sang, trong lòng ngân nga “Bao nhiêu năm làm kiếp con người/Rồi một chiều tóc trắng như vôi”, để khi quá cái tuổi “thất thập cổ lại hy” sẽ không phải hối tiếc vì những tháng ngày sống hoài, sống phí!
Có thể bạn quan tâm