Giải bài toán giá xăng giảm, giá hàng hoá vẫn đứng yên

DIỄM NGỌC 05/08/2022 04:50

Theo chuyên gia, khâu trung gian và khâu bán lẻ cần phải được xem xét, nhất là trong việc kê khai giá bán ở các siêu thị hay chợ đầu mối lớn, để đảm bảo mặt bằng giá chung hợp lý trên thị trường.

>>Giá xăng giảm, sao giá hàng hóa vẫn tăng?

Giải quyết khâu trung gian...

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong tháng 7/2022, giá xăng dầu trong nước giảm mạnh do tác động giảm thuế bảo vệ môi trường và biến động giảm từ giá xăng dầu thế giới. Ở chiều ngược lại, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có biến động tăng trong đó có giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu...

Nhiều tiểu thương cho biết, đang nghe ngóng đợi giá xăng dầu giảm thêm nữa thì tính toán đến chuyện có giảm hay không

Nhiều tiểu thương cho biết, đang nghe ngóng đợi giá xăng dầu giảm thêm nữa thì tính toán đến chuyện có giảm hay không (ảnh Quốc Tuấn)

Theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), xăng dầu chỉ tác động đến chi phí logistics (chiếm khoảng 20% trên tổng giá thành của quả trứng), trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, mà đây lại là thành phần chính chiếm tỷ trọng nhiều nhất cấu thành lên giá sản phẩm trứng. Ông Thiện cho rằng, giá xăng giảm có ưu điểm là các nhà cung cấp nguyên vật liệu không còn tâm lý tăng giá theo đà tăng giá xăng, còn thức ăn chăn nuôi tăng chưa giảm do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó tại các chợ, nhiều tiểu thương giải thích, nguyên nhân khiến các loại rau tăng giá mạnh là do ảnh hưởng của thời tiết khiến lượng hàng về ít, giá cao hơn, còn với các mặt hàng khác thì họ đang nghe ngóng đợi giá xăng dầu giảm thêm nữa thì tính toán đến chuyện có giảm hay không.

Mặc dù có độ trễ trong việc điều chỉnh thị trường giá cả, nhưng giá xăng đã 4 lần giảm trong khi giá hàng hóa vẫn chưa bắt kịp đà giảm của giá xăng. Xoay quanh vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đánh giá, trên thực tế quan sát thị trường, khi giá xăng đã giảm đến 7000 đồng/ lít nhưng giá hàng hóa hầu như đứng yên, có những mặt hàng như thịt lợn, thịt bò lại tăng 50%, là một nghịch lí phải giải quyết. Chính phủ đã có chỉ thị kiểm soát giá, những gì tăng giá vô lý, lợi dụng để tăng giá thì phải kê khai giá để giải quyết bài toán bình ổn thị trường, đảm bảo đời sống nhân dân và thực hiện chỉ tiêu CPI mà Quốc hội đề ra hồi đầu năm là 4%.

Đồng thời, phải có nghiên cứu rất kỹ vấn đề tăng giảm giá, vì luôn luôn có tính bảo thủ, tính dự phòng của người kinh doanh dịch vụ. Hiện nay, Luật giá cũng cho phép những gì tăng giá đột biến, với thời gian kéo dài, khối lượng lớn, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và giá cả thị trường thì có thể yêu cầu kê khai giá. Tác dụng mạnh nhất, rõ nhất là cần phải giảm giá ở các doanh nghiệp vận tải, kể cả vận tải khách và hàng hóa. Vì nó ảnh hưởng đến giá hàng hóa mà trong cấu thành của giá vận tải thì xăng dầu chiếm rất lớn từ 35 - 40%, chứ không phải như trong nghành nông nghiệp, chăn nuôi chiếm khoảng 10%. Do đó, mặt trận đầu tiên phải kiểm soát là giá vận tải sau đó mới đến giá các hàng hóa khác để tạo tác động dây chuyền với nhau, từng bước đưa giá hàng hóa giảm theo mặt bằng chung.

“Riêng mặt hàng thịt lợn, giá lợn hơi trước đây người dân bán hoà hoặc hơi lỗ, vừa qua đã tăng lên khoảng trên 60.000 đồng/kg. Mà theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến nói giá đó là hợp lý, có lợi nhuận cho người sản xuất và khi kiểm soát được khâu trung gian thì sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Nhưng thực tế, một cân thịt lợn từ trang trại cho đến ra bán lẻ đã tăng đến 70% tức là 1,7 lần. Đây là vấn đề bất hợp lý đã được nói rất nhiều, không chỉ riêng mặt hàng thịt lợn mà cả những mặt hàng khác từ bách hóa, lương thực, cho đến hóa mỹ phẩm cũng vậy.

Theo tôi, khâu trung gian và khâu bán lẻ phải xem xét lại, nhất là trong việc kê khai giá bán ở các siêu thị hay một số chợ đầu mối lớn, phân tích các nguyên nhân chủ quan, khách quan, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo mặt bằng giá chung hợp lý trên thị trường. Có nhiều người trung gian ép giá, lợi dụng việc khan hiếm hàng hóa để đẩy giá lên, hưởng chiết khấu nhiều, còn người sản xuất giá bán rất thấp, người tiêu dùng thì chịu giá cao”, vị chuyên gia nói.

>>Giá cước vận tải có độ trễ nhất định để giảm theo giá xăng dầu

>>Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ: Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý

Học hỏi kinh nghiệm quốc tế

Nhìn từ kinh nghiệm của các nước, Chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng phân tích, như tại Hàn Quốc, họ xây dựng chuỗi cung ứng ngắn đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ, giúp giảm bớt các chi phí, người tiêu dùng và người sản xuất đều có lợi.

đã đến lúc Việt Nam cần phải lập lại trật tự, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, sàn giao dịch công khai (ảnh Quốc Tuấn)

Đã đến lúc Việt Nam cần phải lập lại trật tự, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, sàn giao dịch công khai (ảnh Quốc Tuấn)

Cùng với đó là xây dựng hạ tầng thương mại hiện đại, giao dịch công khai minh bạch. Hiện nay trên thị trường Việt Nam có 1.250 siêu thị, nhưng mặt hàng vào rất ít, 10 quả xoài sạch, hay 10 mớ rau sạch mới có một sản phẩm vào siêu thị, số còn lại phải bán ra thị trường tự do và rõ ràng người chăm chút cho sản phẩm sạch lại rất thiệt thòi. Vấn đề này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn đương nhiệm Thủ tướng đã khẳng định : Chúng ta trồng sản phẩm sạch để phục vụ đại đa số người dùng, chứ không phải phục vụ cho nhóm người có tiền, nhưng chúng ta vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn.

“Tôi nghiên cứu bán lẻ rất nhiều năm và thấy, đã đến lúc Việt Nam cần phải lập lại trật tự, xây dựng các chuỗi cung ứng ngắn, sàn giao dịch công khai. Ví dụ bên Thái Lan có luật hoá phân phối lợi nhuận. Giả sử một cân đường bán ra thì người nông dân hưởng 70% còn lại các khâu trung gian hưởng 30%, nhưng ở  Việt Nam hầu như đang ngược lại, con cá lá rau cũng thế. Chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước và phải kiên quyết giải quyết bài toán này, không để một nhóm lợi ích nào đó lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò” làm hại người tiêu dùng và triệt tiêu sản xuất, nhất là hàng Việt đang được khuyến khích", ông Phú cho biết.

Cũng theo chuyên gia, giải quyết những bất cập đã nêu, chúng ta có cơ quan quản lý nhà nước là Sở Công thương Bộ Công thương, Cục quản lý Giá Bộ Tài chính, Thanh tra giá,... Vì vậy phải dựa vào các văn bản pháp quy hiện hành được phép để tiến hành khi có giá tăng đột biến, kéo dài, gây tổn hại đến xã hội và lợi ích người tiêu dùng, người sản xuất”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Thông tin đến báo chí mới đây, Bộ Tài chính cho biết, từ nay đến cuối năm còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá từ biến động phức tạp, khó lường của giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất; việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng do Nhà nước quản lý; nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai, bão lụt… có thể gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ.

Tuy nhiên, cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết. 

Có thể bạn quan tâm

  • Ổn định giá hàng hóa, dịch vụ: Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý

    04:05, 31/07/2022

  • Giá xăng giảm, sao giá hàng hóa vẫn tăng?

    04:30, 27/07/2022

  • Giảm giá xăng dầu – Vì đâu giá hàng hóa chưa “hạ nhiệt”?

    11:30, 25/07/2022

  • Kìm giá hàng hóa “leo thang” - Giảm thuế, phí cần thực hiện sớm

    04:00, 19/07/2022

  • "Cân" tiềm năng và rủi ro của cổ phiếu liên quan "bão" giá hàng hóa

    04:50, 21/03/2022

  • Người lao động xoay xở ra sao trước “cơn bão” tăng giá hàng hóa?

    03:10, 20/03/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải bài toán giá xăng giảm, giá hàng hoá vẫn đứng yên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO