Giải cứu sầu riêng: Kém ngon không quan trọng, miễn đừng lừa gạt tình thương cộng đồng

Sông Hàn 29/05/2018 10:30

Người “giải cứu” luôn với tâm thế một người làm việc thiện, làm việc tâm đức, tình người. Nên chắc chắn rằng nếu chẳng may nhận phải quả kém ngon thì họ vẫn vui vì đã làm được một việc tốt.

Ngày 25/5 vừa qua, một câu chuyện được đăng tải trên mạng xã hội, khi một lái xe chở 17 tấn sầu riêng từ Tiền Giang đi Lạng Sơn bán, nhưng xe bị hỏng máy lạnh giữa đường, dẫn tới sầu riêng bị chín vàng nên chủ hàng phía Trung Quốc không nhận.

Người dân Hà Nội "giải cứu" sầu riêng.

Tài xế này phải chở ngược về Hà Nội và cuộc “giải cứu” sầu riêng đã diễn ra chóng vánh.

Tuy nhiên, ngay sau đó, trên mạng xã hội lại nổ ra cuộc tranh luận về chất lượng, nguồn gốc của 17 tấn sầu riêng này. Từ đó, tranh cãi về lòng tốt, lòng trắc ẩn của người tiêu dùng bị lợi dụng đã được đặt ra.

Dư luận hoài nghi lòng tốt bị lợi dụng cũng có cái cái lý riêng, bởi thời điểm đó, nhiều người liên lạc với nhóm bán sầu riêng để làm rõ những phản ánh của khách hàng nhưng cả 3 số điện thoại đăng tải trước đó đều không liên lạc được. Tiếp tục gọi vào điện thoại của Công ty CP Quang Minh - Công ty mà nhóm người lấy danh nghĩa để kêu gọi “giải cứu” thì không có ai nghe máy.

Song song đó, bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7 - Lạng Sơn, khẳng định: “Tính đến nay (25/5) không có lô hàng sầu riêng Việt Nam nào xuất sang Trung Quốc bị trả lại cả. Những tin đồn trên là hoàn toàn thất thiệt”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuỗi giá trị cần hơn sự “giải cứu”

    Chuỗi giá trị cần hơn sự “giải cứu”

    04:00, 25/03/2018

  • Vì sao nông sản luôn trong tình trạng cần giải cứu?

    Vì sao nông sản luôn trong tình trạng cần giải cứu?

    05:35, 20/03/2018

  • Hàng nghìn tấn củ cải “ế” và những cuộc “giải cứu”...bất tận

    Hàng nghìn tấn củ cải “ế” và những cuộc “giải cứu”...bất tận

    16:16, 19/03/2018

  • Giải cứu mía đường (Kỳ 2): Đối đầu đối thủ đáng gờm

    Giải cứu mía đường (Kỳ 2): Đối đầu đối thủ đáng gờm

    05:16, 09/03/2018

  • Giải cứu mía đường (Kỳ 1):

    Giải cứu mía đường (Kỳ 1): "Nước đến chân mới nhảy”

    06:07, 05/03/2018

  • Ngẫm chuyện “giải cứu” 30.000 tấn đường

    Ngẫm chuyện “giải cứu” 30.000 tấn đường

    06:00, 26/02/2018

Trước sức ép từ dư luận, những người liên quan cuối cùng cũng đã lên tiếng. Công ty Quang Minh không liên quan gì, mà đó là lô sầu riêng được Công ty A Hung thu mua của các nhà vườn ở Tiền Giang rồi vận chuyển về Bình Thuận. Sau đó, công ty có xuất bán cho người Trung Quốc với giá 60.000 đồng/kg, lô hàng là 17 tấn (khoảng hơn 900 thùng) có giá trị lên tới hơn 800 triệu đồng.

Cũng theo lý giải của Công ty A Hung thì sầu riêng khi thu hái từ nhà vườn thường là sầu riêng xanh để đảm bảo trong quá trình vận chuyển (vài ngày) thì đến Trung Quốc bắt đầu chín đều là vừa. Tuy nhiên, khi vận chuyển điều hoà trên xe bị hỏng dẫn đến sầu bị sốc nhiệt, kéo theo đó có hiện tượng chín không đều, vỏ chỗ vàng chỗ xanh.

Đồng thời, sau khi xuất bán xong, Công ty không có trách nhiệm gì với lô sầu riêng này cả. Mà trách nhiệm lại thuộc về các công ty giao nhận vận tải, theo đó phía Công ty chuyên về vận tải thường yêu cầu lái xe phải theo dõi nhiệt độ, và nếu có sự cố gì về nhiệt độ thì lái xe phải chịu trách nhiệm cho hàng hoá trên xe.

Đích thân tài xế có tên Nguyễn Quang Vũ nói: “Sự thật là lô hàng của tôi gặp vấn đề về khâu vận chuyển việc bảo quản lạnh, chứ không phải chiêu trò bán hàng như trên các trang mạng có nêu”. 

Vấn đề ở chỗ, tài xế biết rằng đang “đeo” trên mình trách nhiệm lớn, cùng với số tiền hàng hóa quá lớn hơn cả gia tài của mình, tại sao khi biết hệ thống máy lạnh hư hỏng tại Huế lại không dừng lại để tìm mọi cách khắc phục thay vì chạy thẳng ra Bắc Giang? Đó là chưa nói đến chuyện, những tình huống này đều nằm trong dự định và tầm kiểm soát của họ, khi mỗi tài xế chuyên vận tải hàng đông lạnh cũng luôn biết kỹ năng xử lý vấn đề khi máy móc bảo quản gặp sự cố.

May mắn ở chỗ, cuộc “giải cứu” vẫn diễn ra vì nhiều lý do, và cái chính vẫn là do “nhân chi sơ, tính bản thiện”, nghĩa là bất cứ ai sinh ra đều mang trong mình lòng trắc ẩn và bản tính lương thiện. Bác Hồ từng kêu gọi mọi người “đối xử với nhau phải có tình, có nghĩa”.

Có lẽ, quan điểm này đã trở thành nhân sinh quan chung trong cuộc sống người dân Việt Nam nói chung, và người Hà Nội nói riêng. Nên khi chứng kiến nỗi đau của đồng loại người ta không thể thờ ơ và luôn mong muốn được giúp đỡ người hoạn nạn.

Phải nói rằng, nước mắt nông dân mặn chát trên “đồng ruộng, vườn tược” thời gian qua đã khiến “người đô thị” cũng cảm thương. Rất nhiều lần cá nhân này đến tổ chức kia phải đứng lên phát động phong trào thiện nguyện, kêu gọi tiêu thụ nông sản.  Vì thế, những cuộc “giải cứu” tình thương vẫn tiếp tục diễn ra.

Thành thử, người “giải cứu” luôn với tâm thế một người làm việc thiện, làm việc tâm đức, tình người. Nên chắc chắn rằng nếu chẳng may nhận phải quả kém ngon thì họ vẫn vui vì đã làm được một việc tốt. Chỉ mong, tấm lòng nhân ái của cộng đồng tham gia các cuộc “giải cứu” sẽ được đặt đúng chỗ và không có chuyện người ta kiếm tiền bằng việc lừa gạt tình thương từ cộng đồng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải cứu sầu riêng: Kém ngon không quan trọng, miễn đừng lừa gạt tình thương cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO