Từ ngày 25-27/5/2025, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Macron đến Việt Nam trên cương vị Tổng thống, là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được hai nước chính thức thiết lập vào tháng 10/2024.
Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được chọn làm điểm đến đầu tiên trong hành trình ba nước Đông Nam Á của Tổng thống Pháp, trước Indonesia và Singapore. Việc ưu tiên Hà Nội thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Paris đối với Việt Nam, một đối tác ngày càng có vai trò chiến lược trong khu vực.
Trao đổi với báo chí, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có các cuộc hội đàm cấp cao với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, bao gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Đây sẽ là dịp để hai bên đánh giá lại tiến trình hợp tác trong thời gian qua, đồng thời bàn bạc về phương hướng hợp tác trong tương lai, từ các vấn đề song phương đến các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và gìn giữ hòa bình.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Macron dự kiến sẽ tới thăm và có bài phát biểu tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Tại đây, Tổng thống sẽ gặp gỡ sinh viên các chương trình hợp tác đào tạo Pháp-Việt như PFIEV, CFVG và phát biểu về vai trò của thế hệ trẻ trong thúc đẩy quan hệ song phương. Điều này cho thấy Pháp đặt kỳ vọng lớn vào thế hệ thanh niên Việt Nam, xem đây là lực lượng tiên phong trong phát triển tri thức và đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, một trụ cột quan trọng khác trong chuyến thăm lần này là hợp tác về kinh tế và quốc phòng. Tổng thống Macron sẽ đi cùng nhiều bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính và Bộ trưởng Quân đội Pháp, nhằm thúc đẩy các dự án song phương trong lĩnh vực giao thông vận tải (đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao), năng lượng sạch, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, hợp tác quốc phòng và an ninh cũng là chủ đề được ưu tiên, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác đào tạo lực lượng gìn giữ hòa bình.
Đặc biệt, tại chuyến thăm lần này, dự kiến sẽ có một văn kiện được ký kết giữa Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) với Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia Việt Nam nhằm triển khai dự án đường dây truyền tải điện - một phần trong gói hỗ trợ của Pháp dành cho Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đây không chỉ là một thỏa thuận kinh tế, mà còn là biểu tượng cho sự cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Hơn nửa thế kỷ qua, quan hệ Pháp-Việt Nam đã không ngừng phát triển rất tốt đẹp, với hợp tác song phương được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược vào năm 2013 và đến tháng 10/2024 nhân chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một lần nữa khẳng định sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, thể hiện mong muốn của cả hai bên về việc đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Đặc biệt, Pháp mong muốn được Việt Nam coi là một đối tác tin cậy, có thể đồng hành với Việt Nam trên chặng đường phát triển.
Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet tin tưởng chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Pháp sẽ mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác song phương trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa... và nhất là thúc đẩy hợp tác song phương để cùng ứng phó trước những vấn đề và thách thức mang tính toàn cầu.
Kinh tế luôn là trụ cột then chốt trong quan hệ Việt - Pháp. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 5,42 tỉ USD, tăng gần 13% so với năm 2023, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu. Pháp hiện là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam sau Hà Lan, Đức, Anh và Ý. Trong khi đó, với 700 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 3,95 tỉ USD, Pháp giữ vị trí thứ 16/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Đặc biệt, Pháp luôn duy trì vị thế là một trong những nhà tài trợ ODA hàng đầu từ châu Âu cho Việt Nam, với trọng tâm là các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, công nghiệp xanh và tài chính. Đây đều là những lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng trưởng bao trùm và số hóa.