Thông tin về những chiêu trò lừa đảo tinh vi “núp bóng” kinh doanh đa cấp liên tục bị phát hiện trong thời gian qua đã khiến mô hình này trở thành nỗi “ám ảnh” đối với nhiều người Việt Nam.
Kinh doanh đa cấp bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 21, hành lang pháp lý theo đó cũng đã dần được hình thành. Tuy nhiên, các quy định và chế tài quản lý còn nhiều kẽ hở nên loại hình kinh doanh đa cấp bị “hỗn loạn” với nhiều biến tướng. Toạ đàm “Nhận diện đa cấp bất chính – Hành lang pháp lý thúc đẩy bán hàng đa cấp tại Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 23/7 với kì vọng góp phần lấp đầy những kẽ hở pháp lí trên.
“Đánh đồng” đa cấp chân chính và bất chính
Theo thống kê mới nhất của Cục Quản lý cạnh tranh, tính đến nay, có 22 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động với hơn 7.000 mặt hàng. Chưa kể, một số lượng không nhỏ doanh nghiệp “núp bóng” đa cấp với nhiều chiêu trò lừa đảo gây nên sự hỗn loạn và suy giảm niềm tin trầm trọng của người tiêu dùng đối với loại hình kinh doanh đa cấp ở nước ta.
Dường như nhắc đến “đa cấp” thì đa phần người dân đều nghĩ đó là loại hình “lừa đảo”, bởi thế cả xã hội đều đề phòng “đa cấp”, thậm chí là tẩy chay, khinh bỉ hoặc xúc xiểng. Song trên thực tế, trái ngược với tâm lý còn “e dè” đối với loại hình này, các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính đang có nhiều đóng góp trong sự phát triển chung của đất nước.
Bà Trương Thị Nhi - Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết, năm 2017 doanh thu của ngành là 8.000 tỷ đồng. Năm 2018, mặc dù có một số doanh nghiệp bị khai trừ hay cắt giấy phép và chỉ còn 24 doanh nghiệp hoạt động nhưng doanh thu vẫn hơn 10.000 tỷ đồng, và năm 2019, doanh thu vẫn đạt trên 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, “thực tế phải thừa nhận vẫn còn một số doanh nghiệp làm ăn chưa minh bạch, nhưng khi báo chí đăng tải thông tin lại không nêu rõ tên công ty mà chỉ nói chung về ngành nghề đa cấp dẫn tới nhiều người còn chưa hiểu cụ thể và chưa sáng tỏ, đánh đồng giữa doanh nghiệp đa cấp chân chính và doanh nghiệp bất chính” - bà Nhi nói.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cách đây 15 năm loại hình này đã được chính thức quy định ở nước ta. Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính đã chứng minh rằng, đây là loại hình hợp pháp góp phần đóng góp cho ngân sách và phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn chỉ ra thời gian qua do bất cập của hệ thống pháp luật, của những thành phần muốn chuộc lợi khiến loại hình này trở thành loại hình kinh doanh gây nhiều tranh cãi.
“Nhiều vụ lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng đã được phát hiện như Alibaba, Khởi nghiệp 360… đã để lại nhiều hệ luỵ, bất an xã hội nảy sinh”, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn.
“Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời với những quy định cụ thể, đầy đủ, thậm chí ngặt nghèo mà chỉ những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bài bản mới được phép tiếp tục hoạt động theo đúng “đường ray” pháp luật”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Cũng tại Tọa đàm, Ông Nguyễn Phương Sơn - Giám đốc Đối ngoại Công ty AMWAY Việt Nam chia sẻ, trước đây, khi Nghị định 40 về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa ra đời thì có 67 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa cấp. Tuy nhiên, khi Nghị định 40 ra đời, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này giảm còn 22 doanh nghiệp với hơn 1,1 triệu người tham gia.
“Thường khi nhắc đến doanh nghiệp đa cấp báo chí hay chỉ nói về những mặt trái của ngành mà ít đề cập những câu chuyện kinh doanh đa cấp chân chính. Trong khi đó, rõ ràng với những doanh nghiệp đa cấp làm ăn bất chính thì việc cung cấp thông tin là không đầy đủ và chưa rõ ràng”, ông Sơn chia sẻ.
Trước những hạn chế về việc cung cấp thông tin, ông Sơn thừa nhận rằng, các doanh nghiệp đa cấp hiện nay chưa chủ động cung cấp thông tin về sự phát triển của ngành trên thế giới. Tuy nhiên, việc này sẽ sớm được khắc phục bởi Nghị định 40 ra đời đã yêu cầu các công ty phải có hệ thống công nghệ thông tin và web minh bạch, cập nhật thông tin đầy đủ.
“Hy vọng với sự minh bạch như vậy, khi người dân có bất cứ thắc mắc nào đều sẽ được giải đáp” - ông Sơn bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm